"Chiến tranh thương mại" chỉ là "chiêu" để ông Trump có được thỏa thuận NAFTA?

Thanh Hải |

Thuế là chiến thuật đàm phán mới nhất của ông Trump để "ép" Mexico và Canada chấp thuận các yêu cầu của ông về NAFTA, thỏa thuận thương mại giữa 3 quốc gia này.

"Hãy ký thỏa thuận với chúng tôi, và tôi sẽ không đánh thuế các bạn".

Đó là thông điệp của tổng thống Donald Trump gửi tới Canada và Mexico hôm đầu tuần này khi cả 3 quốc gia này bắt đầu kết thúc một vòng đàm phán NAFTA ở thành phố Mexico.

Thuế là chiến thuật đàm phán mới nhất của ông Trump để "ép" Mexico và Canada chấp thuận các yêu cầu của ông về NAFTA, thỏa thuận thương mại giữa 3 quốc gia này. Tuần trước ông Trump cho biết sẽ đánh thuế lên thép và nhôm nhập khẩu lên tất cả các quốc gia. Trong những ngày cuối tuần, các cố vấn của ông lại khẳng định rằng không một quốc gia nào mong được miễn các mức thuế đó.

Các chuyên gia cho rằng các mức thuế của ông Trump có thể gây cản trở cho quá trình tái đàm phán NAFTA vốn đã khó khăn.

"Điều này là cho các cuộc đàm phán trở nên khó tiến triển về mặt chính trị. Đó là một rào cản lớn đối với bất kỳ tiến triển nào trong các cuộc đàm phán", Michael Pearce, chuyên gia kinh tế tại công ty nghiên cứu Capital Economics, phân tích.

Tin tức về các mức thuế sắp được áp dụng khiến Canada và Mexico không được vui cho lắm, vì đây là hai quốc gia xuất và nhập khẩu thép hàng đầu với đối tác Mỹ. Sự hợp tác này là một phần nhờ vào thỏa thuận NAFTA được ký hồi năm 1994.

"Nếu các hạn chế được áp dụng lên những sản phẩm thép và nhôm của Canada thì chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả để bảo vệ quyền lợi thương mại và công nhân của mình", Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Chrystia Freeland, phát biểu.

"Bất cứ biện pháp nào mà không loại trừ các đối tác Bắc Mỹ sẽ có những hậu quả khổng lồ lên cách chúng ta hội nhập với nhau", Ildefonso Guajardo, Bộ trưởng Kinh tế của Mexico, nói với CNN vào hôm thứ Sáu tuần trước

Cả ba quốc gia này đã bị bế tắc trong các cuộc đàm phán thương mại kể từ tháng 8 năm ngoái, khi ông Trump khăng khăng cho rằng NAFTA là một thỏa thuận bất lợi cho các công nhân ở những ngành sản xuất của Mỹ. Còn Canada và Mexico thì cho rằng NAFTA mang lại lợi ích cho mỗi quốc gia.

Vòng đàm phán thứ 7 đã kết thúc vào hôm thứ Hai vừa qua, và tương lai của NAFTA đang đối mặt với sự bất ổn và hoài nghi.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng kết quả có khả năng xảy ra nhất là các cuộc đàm phán sẽ kéo dài tới năm 2019, nhưng họ không loại trừ trường hợp Mỹ sẽ rút lui, vốn là điều mà ông Trump đang dọa sẽ làm.

Cho đến nay, vẫn chưa có tiến triển gì ở các vấn đề còn đang gây chia rẽ, như sản xuất ô tô.

Thời gian để đạt được một thỏa thuận cho cả 3 bên cũng đang sắp hết.

Các chiến dịch cho cuộc bầu cử tổng thống Mexico trong tháng 7 sắp tới sẽ chính thức bắt đầu trong vài tuần nữa, và các nhà lãnh đạo Mexico từ lâu đã cảnh báo rằng họ không thể phê chuẩn một thỏa thuận mới trong môi trường "mùa bầu cử". Ngoài ra, ứng viên đang giành lợi thế nhất trong các cuộc thăm dò, Andres Manuel Lopez Obrador, nói rằng ông sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán nếu như được bầu làm tổng thống. Tổng thống tiếp theo của Mexico sẽ nhậm chức vào tháng 12, và đương kim tổng thống Enrique Peña Nieto không thể tái tranh cử do đã dùng hết số nhiệm kỳ theo quy định của hiến pháp nước này.

Rồi sau đó lại đến các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ trong tháng 11. Những người trong đảng Cộng hòa đã yêu cầu ông Trump đừng phá hủy thỏa thuận NAFTA hay áp dụng các loại thuế mới. Một số người đã tỏ ra "xa lánh" với ông Trump.

"Nếu tổng thống tiến hành chiến tranh thương mại thì nó sẽ giết chết các việc làm của Mỹ - vì đó là những gì mà mọi cuộc chiến thương mại gây ra", Ben Sasse, một thượng nghị sĩ đảng cộng hòa đến từ Nebraska, lên tiếng hồi thứ Sáu tuần trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại