TIN TỐT LÀNH 6/4: 3 người nên "gặp" cuối tuần nếu bạn muốn yêu cuộc đời này

Hoàng Anh Tú |

Những ngày này, khi mà hàng chục vị giáo sư, phó giáo sư “cháy nhà ra mặt chuột” lòi đuôi gian dối trong việc khai hồ sơ hòng kiếm học hàm học vị hay một cô giáo phạt học sinh lớp 3 bằng việc uống nước từ giẻ lau bảng thì đọc những câu chuyện này hẳn sẽ giải độc cảm xúc cho bạn rất nhiều. Tôi không mong gì hơn là trong số các vị ấy, ai đó có thể share cho họ câu chuyện này, những con người này. Và hỏi họ có cảm thấy xấu hổ không?

1. Từ "Cú nhảy cuộc đời" của anh chàng nhảy sông không cần nghĩ

Mấy hôm trước, clip một nam thanh niên nhảy từ trên cầu xuống cứu sống một cô gái vừa gieo mình xuống sông tự tử gây bão mạng. Cư dân mạng xôn xao và ngưỡng mộ nam thanh niên.

Hàng ngàn lời khen ngợi đã dành cho nam thanh niên ấy với hành động dũng cảm của anh. (đọc tin chính)

Nam thanh niên đó là anh Lê Xuân Huân (33 tuổi, cán bộ kỹ thuật Chi nhánh viễn thông huyện Thiệu Hóa, Thanh Hoá). 

Anh kể: "Thực sự khoảng khắc ấy tôi không có nhiều thời gian suy nghĩ hay đắn đo. Cứu cô gái đơn giản chỉ là bản năng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi cứu người đuối nước nhưng đó có thể là cú nhảy cuộc đời".

Anh Huân quê ở xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, nhà cách nơi làm việc 30 km và lớn lên ở gần sông nên anh biết bơi thành thạo từ nhỏ.

Anh kể, khoảng 18h ngày 2/4, nhận nhiệm vụ lãnh đạo cơ quan giao, anh đi xe máy về hướng cầu Thiệu Hóa (thuộc địa phận thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa).

Khi đến giữa cầu, anh thấy một cô gái mặc áo trắng, bám víu yếu ớt ngoài lan can cầu rồi gieo mình xuống sông Chu. Lúc này có rất đông người tập trung phía trên.

Không chút do dự, Huân dừng xe, cởi mũ bảo hiểm và móc điện thoại trong túi ra để lại mặt cầu rồi lao xuống dòng sông sâu. "Tôi nghĩ mình biết bơi nên tin sẽ cứu được cô gái", Huân nói.

Tuy nhiên, do cầu cao tới 25 m so với mặt nước nên khi tiếp xuống mặt sông, anh Huân bị va đập mạnh, cơ thể có biểu hiện căng cứng và chìm xuống.

Anh cố hết sức ngoi lên mặt nước, thả lỏng cơ thể đồng thời quan sát nhanh tìm vị trí nạn nhân để bơi tới. Lúc anh Huân đến gần, cô gái đã ngất xỉu trong tư thế úp sấp xuống mặt nước.

Anh vội lật ngửa nạn nhân, dùng một tay quàng cổ, tay còn lại quẫy nước cố gắng bơi vào bờ. Tuy nhiên, lòng sông quá rộng nên sau vài phút anh dần đuối sức.

"Không thể bỏ mặc nạn nhân, tôi cố thả lỏng cơ thể, thả trôi tự do để chờ trợ giúp", anh Huân nhớ lại phút giây sinh tử. Lát sau, một chiếc thuyền máy của dân chài tiến đến vớt cả hai lên bờ an toàn. "

Nằm vật trên thuyền, tôi mệt rã rời nhưng thấy cô gái còn thở, tôi biết mình đã thành công", Huân nhớ lại.

Sau khi vào bờ, anh Huân nhờ mọi người đưa cô gái đi bệnh viện và giúp tìm người thân rồi rời khỏi hiện trường để thực hiện tiếp công việc cơ quan giao.

2. Đến "Chuyến xe miễn phí" của người đàn ông mua xe trả góp

Ngày nào cũng vậy, xe ô tô mang BKS: 90B-0005.51 khởi hành vào 5h20, 13h30 từ xã Tiên Phong (huyện Duy Tiên) di chuyển theo lộ trình Tiên Phong - Đọi Sơn - Cầu Tử - Đập Phúc - Hòa Mạc và có mặt ở bến xe Giáp Bát lúc 7h. 

 Và sau một tiếng dừng chờ khách trong bến, xe tiếp tục chạy lộ trình ngược lại.

Chiếc xe khách này đặc biệt bởi dòng chữ dán trên xe: "Miễn phí cho hành khách trị xạ và chạy thận".

Người tài xế chiếc xe này là anh Đỗ Minh Tiến (Duy Tiên, Hà Nam) là lái xe khách thuộc Công ty cổ phần ô tô Hà Nam, đã vận chuyển miễn phí cho bệnh nhân ung thư chạy thận từ năm 2015. 

Anh Tiến kể: "Ai cũng vậy thôi, trong cuộc sống đều có những lúc gặp phải khó khăn. Bản thân tôi hay gia đình tôi cũng có khi phải điều trị thuốc thang, mang bệnh trên người.

Bản thân bố tôi cũng từng là một bệnh nhân bị ung thư, vì thế tôi có sự đồng cảm và chia sẻ với những bệnh nhân đang ngày đêm chiến đấu với bệnh hiểm nghèo này".

Mới đầu, chiếc xe cũ 29 chỗ của công ty vừa thấp, vừa nhỏ nên không đủ chỗ để chở bệnh nhân. Cuối năm 2017, anh gom góp mãi mới mua được chiếc ô tô mới lớn hơn.

Giúp người không tính toán, nhưng hoàn cảnh của anh Tiến cũng không phải quá dư dả. Chiếc xe khách anh mua theo hình thức trả góp, mỗi tháng ngoài tiền xăng, anh phải gom một ít để trả nợ.

TIN TỐT LÀNH 6/4: 3 người nên gặp cuối tuần nếu bạn muốn yêu cuộc đời này - Ảnh 1.

Nhưng anh Tiến luôn lạc quan và hết lòng với những người bệnh. Với tần suất 2 lượt/ngày, đã có hàng chục hành khách là bệnh nhân bị bệnh thận và ung thư được xe của anh đưa, đón miễn phí. (đọc tin chính)

3. Và quầy sách báo miễn phí từ lương hưu của cụ bà 73 tuổi

Một cụ bà 73 tuổi trích lương hưu của mình ra để mua sách báo phục vụ miễn phí cho mọi người ở phố Đặng Tiến Đông cũng là câu chuyện khiến ai nấy đều xuýt xoa.

Không cầu kỳ, hoa mỹ như những quán cà phê sách nhưng quầy báo của bà Phạm Thị Huyền Dung (73 tuổi, từng là giảng viên Triết học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đặt đối diện số nhà 55 Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội ) vẫn luôn có một sức hút đặc biệt đối với nhiều người dân Thủ đô.

Được mở từ 3/2/2017, đến nay, quầy báo của cụ Dung đã được hơn 1 năm tuổi. Điều tuyệt vời nhất không chỉ là sách báo trong quầy do cụ tự trích lương hưu ra mua mà còn là những câu chuyện lan toả khác nữa.

Là sự góp tay chung sức của rất nhiều người trẻ từ khắp nơi mang sách báo đến quyên góp ủng hộ cho sạp sách báo của cụ. Không chỉ là sách báo đọc miễn phí, cụ Dung còn chuẩn bị cả… kính lão để những người già quanh đó có thể sử dụng.

Và để đáp lại tình cảm của cụ Dung, chính những người bạn già của cụ cũng đã dắt theo cháu của mình đến đọc như một cách để truyền thêm cảm hứng với sách báo. (đọc tin chính).

3 câu chuyện về 3 con người bình thường nhưng việc họ làm đều trở nên phi thường bởi trái tim của họ luôn hướng đến những điều tốt lành và tử tế. Họ quên đi sợ hãi, bỏ qua những toan tính, hướng tới cộng đồng.

Họ cho đi mà không phân bì thiệt hơn. Và thứ họ nhận lại là sự cảm mến từ cộng đồng xung quanh họ. Cuộc đời này, nhất định, phải sống như họ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại