Không cầu kỳ, hoa mỹ như những quán cà phê sách nhưng quầy báo của bà Phạm Thị Huyền Dung (73 tuổi, từng là giảng viên Triết học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đặt đối diện số nhà 55 Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội ) vẫn luôn có một sức hút đặc biệt đối với nhiều người dân Thủ đô.
Trích một phần lương hưu để mua sách báo, mời mọi người đọc miễn phí
Sạp báo của bà Dung mở cửa từ 6h30 sáng đến 22h30 đêm mỗi ngày, thế nhưng nhiều khi mới 4 - 5h sáng, bà đã có mặt tại đây để dọn dẹp, sắp xếp lại sách báo và chuẩn bị nước sẵn sàng đón khách.
Với bà, quầy báo như là đứa con của chính mình và mỗi cuốn sách là một khúc ruột.
Nhờ sự "chăm sóc" đặc biệt của bà Dung, quầy sách ngày càng phát triển.
Được mở vào ngày 3/2/2017, đến nay sạp báo của bà Dung đã đi vào hoạt động được hơn 1 năm và không ngừng lớn mạnh. Mỗi ngày đến, người ta lại thấy được sự đổi thay rõ rệt của nơi đây.
Nhớ lại những ngày đầu mới mở sạp, quầy sách của bà chỉ có đúng một tấm biển ghép lại từ 3 miếng gỗ ghi dòng chữ "Mời nhân dân đọc báo" và một tờ báo Hà Nội mới đặt trên hàng rào ở vỉa hè.
Bà cho biết ban đầu người dân dừng lại vì hiếu kỳ nhưng càng về sau họ thường xuyên lui tới và nán lại lâu hơn.
Thấy nhiều người dừng lại đọc, bà Dung quyết định trích một phần lương hưu của mình mua thêm nhiều đầu sách, báo phục vụ bà con.
Trước ý tưởng, hành động ý nghĩa của bà Dung, nhiều người không ngần ngại lặn lội từ xa tìm đến gặp bà tặng sách.
Trong những lần được tặng sách báo, bà Dung vẫn nhớ mãi hình ảnh 3 cậu con trai ở Linh Đàm, giữa trưa nắng tháng 6 vẫn không quản ngại vận chuyển 500 cuốn sách đến ủng hộ quầy sách.
"Nhìn 3 cậu con trai mặt đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại đứng cạnh chồng sách mà tôi không kìm được nước mắt.
Xúc động vì họ tặng mình sách mà không phải bán lấy tiền, xúc động vì họ không quản đường xa, không sợ cái nắng gắt mà đến bên mình. Hình ảnh đó sẽ chẳng thể phai nhòa trong tâm trí tôi", bà Dung chia sẻ.
Sách được bà phân loại ra thành từng lĩnh vực khác nhau giúp người đọc dễ dàng tìm kiếm.
Bà bảo quầy báo được như bây giờ là nhờ sự giúp đỡ, chung sức của mọi người. Nói rồi bà nhìn lên từng đồ vật và kể: "Cái quạt này bà được một anh giáo viên mang tặng, tủ sách này của một cậu sinh viên ủng hộ bà…".
Bà nói vui rằng từ khi mở quầy đến bây giờ hôm nào mình cũng nhận được quà.
Ông Nguyễn Xuân Ánh (Trung Liệt), một độc giả gắn bó với quầy báo từ những ngày đầu tiên, cho biết: "Từ những ngày đầu mở quầy, tôi cùng bà lên ý tưởng, vận động người dân quyên góp sách thay vì bỏ".
Ông cho biết thêm, ngoài mở quầy sách phục vụ người dân miễn phí, bà Dung còn tham gia nhiều hoạt động ủng hộ sách cho vùng cao.
Sách được bà phân loại ra thành từng lĩnh vực khác nhau giúp người đọc dễ dàng tìm kiếm.
Tại đây, bạn đọc có thể tìm thấy các đầu sách, báo cổ xưa quý hiếm mà chẳng thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Có những cuốn sách có "tuổi thọ" rất cao.
Mua kính lão để phục vụ người già đọc sách
Đến với sạp báo của bà Dung, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều đối tượng, tầng lớp đến đọc sách báo. Từ những cụ già đến thanh niên, trẻ nhỏ, người khá giả hay người lao động nghèo từ khắp nơi lên Hà Nội sinh sống.
Biết những người lớn tuổi hay lui tới, bà Dung còn mua cả kính lão phục vụ riêng cho những bạn đọc cao tuổi này.
Ngoài những lợi ích như đọc sách, báo miễn phí, cập nhật tin tức thời sự mỗi ngày, được vui vầy bên câu chuyện tuổi già…
Không ít ông bà thường xuyên dẫn cháu đến với quầy báo của bà Dung để hình thành thói quen đọc cho cháu ngay từ khi còn nhỏ.
Ông Lường thường xuyên đưa cháu đến quầy sách bà Dung để cùng đọc sách.
Ông Trần Huy Lường (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) cho biết ông thường xuyên dẫn cháu đến đây đọc sách thay vì để cháu ở nhà xem ti vi, điện thoại, máy tính.
"Phải hình thành thói quen đọc sách cho cháu ngay từ nhỏ thay vì đọc trên thiết bị điện tử. Bởi ở sách, báo in có rất nhiều thông tin, kiến thức bổ ích mà trên mạng chẳng bao giờ có được", ông nói.
Đây cũng là một trong những lý do chính thôi thúc bà Dung mở sạp báo. Bà hy vọng sạp báo của mình sẽ góp phần nào đó vào việc khôi phục nét văn hóa đọc và giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.
Trước những lợi ích mà quầy báo miễn phí mang lại, nhiều người cho rằng nên mở rộng mô hình này trên cả nước.
Chị Nguyễn Quỳnh Hương (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) - thành viên thường xuyên mang sách, báo, truyện tới ủng hộ cho quầy báo của bà Dung luôn tâm niệm rằng cũ người mới ta, bởi vậy mà, thay vì bỏ đi ta hãy chia sẻ với mọi người xung quanh bởi không phải ai cũng có điều kiện để mua sách, báo.
Tuy là việc làm nhỏ nhưng bạn có thể giúp hàng triệu người đến gần hơn với tri thức.