Người Trung Quốc "đổ mồ hôi" trước tình trạng chạy đua bằng cấp của tham quan

Thủy Thu |

Các tham quan Trung Quốc đã bị chỉ trích là đối tượng xây dựng nên nhóm lợi ích "quyền học đồng mưu" khiến chính trường và nền giáo dục nước này bị ô nhiễm.

Kể từ Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 (2012) đến nay, tính áp đảo của cuộc chiến chống tham nhũng đã hình thành khiến hàng loạt quan chức bị "ngã ngựa".

Tạp chí "Bán nguyệt đàm" do Tân Hoa xã chủ quản hồi cuối tháng 1/2018 đã thống kê và phát hiện hàng loạt đặc điểm đáng ngờ từ học lực của 142 quan tham nước này.

Học thêm chuyên ngành

"Trong số những quan chức 'ngã ngựa" vẫn còn tồn tại tình trạng học văn bằng hai hay theo học ở những trường danh tiếng. Trong số 48 quan chức cấp cao có học vị Tiến sĩ thì có 26 người học văn bằng hai, chiếm 54%. Trong 66 Thạc sĩ có 33 người học văn bằng hai, chiếm 50%", Bán nguyệt đàm cho biết.

Báo Tân Kinh (Trung Quốc) cho rằng, việc một quan chức làm giả học lực không phải là điều mới lạ, chỉ một số ít trong họ có học lực chính quy thật sự.

Tờ này dẫn lời chuyên gia giáo dục cho biết, nhiều quan chức nắm trong tay việc phân bổ nguồn lực nên một số trường đại học sẵn sàng chấp nhận trao đổi nguồn lực giáo dục, liên tục tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ và "mắt nhắm mắt mở" trong các kỳ thi, kỳ tốt nghiệp.

Nói cách khác, văn bằng của các quan chức không phải do nhà trường trực tiếp "in" ra mà các quan chức cũng cần thông qua các kỳ thi xét tuyển, chỉ là họ được nương nhẹ trong các kỳ thi, thậm chí luận văn tốt nghiệp còn có sự giúp sức của các giáo sư.

"Tốc độ này khiến không ít sĩ tử ngày đêm dùi mài kinh sử đổ mồ hôi", Tân Kinh nhận xét.

Không chỉ học thêm chuyên ngành, nhiều tham quan còn mang trên mình nhiều học hàm, học vị danh giá như Viện trưởng, Giáo sư, Kỹ sư cao cấp, Giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ v.v...

Ví vụ, nguyên Phó chủ tịch chính hiệp kiêm Giám đốc Sở Công an Thiên Tân Vũ Trường Thuận chưa từng rời khỏi ngành trong 40 năm công tác nhưng lại có loạt bằng Thạc sĩ quản lý doanh nghiệp công thương, Tiến sĩ ngành công nghiệp, Kỹ sư công trình cao cấp, trong đó, văn bằng Tiến sĩ về Lý luận và Thiết kế cơ khí được đánh giá thuộc lĩnh vực có tính chất chuyên môn cao.

Hay Phó Chủ tịch tỉnh Vân Nam Thẩm Bồi Bình tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngữ văn nhưng sau thời gian theo học nghiên cứu sinh tại chức, ông này trở thành Tiến sĩ quản lý chuyên ngành Địa lý tự nhiên tại một trường đại học nổi tiếng ở Bắc Kinh vào năm 2007. Đặc biệt, chỉ 5 tháng sau khi nhận bằng Tiến sĩ, ông này tiếp tục được phong danh hiệu Giáo sư của Học viện tài nguyên trực thuộc trường này.

Bán nguyệt đàm còn phát hiện, không ít tham quan có nền tảng học lực thấp, thậm chí không có không có học lực cơ bản nhưng trong thời gian ngắn lại đã có được bằng cấp liên quan, trong thời gian hai năm có thể nhận bằng thạc sĩ và ba năm cho tấm bằng tiến sĩ. Đáng chú ý, không có quan chức nào không nhận được bằng tốt nghiệp vì vấn đề khó khăn liên quan đến luận văn hay bảo vệ luận văn.

Ví dụ, trường hợp nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Sơn Đông Lý Tương Kỳ bị bắt vì nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng đầu năm 2018, ông này tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản lý doanh nghiệp công thương tại một trường đại học trong nước vào tháng 1/2005 và chỉ 5 tháng sau đó, ông này nhận học vị Thạc sĩ cũng tại ngôi trường trên.

Hay nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Chu Bản Thuận, không chỉ là Tiến sĩ kép chuyên ngành Quản lý và Pháp luật mà chỉ mất một năm để lấy được bằng Tiến sỹ Luật của trường đại học nổi tiếng trong nước.

Người Trung Quốc đổ mồ hôi trước tình trạng chạy đua bằng cấp của tham quan - Ảnh 2.

Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Sơn Đông Lý Tương Kỳ. Ảnh: Sina

Đa ngành, nhiều văn bằng

Nguyên Phó Chủ tịch Thiểm Tây Phùng Tân Trụ - người đang bị điều tra do nghi liên quan đến hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng hồi tháng 1/2018 - trong thời gian công tác tại Cục quản lý điện nông thôn tỉnh Thiểm Tây đã theo học nghiên cứu sinh tại chức chuyên ngành Tài chính.

Đồng thời trong thời gian là Thị trưởng Đồng Xuyên, ông này tiếp tục tham gia cùng lúc hai lớp nghiên cứu sinh tại chức về Triết học tại một trường đảng và Quản lý doanh nghiệp công thương tại một trường đại học khác ở khu vực Tây Bắc; thời gian học trùng nhau tới 2 năm.

Tương tự, nguyên Trưởng ban Mặt trận khu ủy Nội Mông Vương Tố Nghị trong thời gian công tác tại thành phố Huvhot và Basanzhar đã cùng lúc theo học hai chuyên ngành Lý luận pháp luật và Quản lý doanh nghiệp công thương, thời gian học trùng nhau là hơn 1 năm.

"Quyền học đồng mưu"

"Tuổi tác là báu vật, văn bằng không thế thiếu, quan hệ tối quan trọng", nguyên Viện phó Học viện Kiểm tra kỷ luật Trung Quốc Lý Vĩnh Trung cho biết, đối với một số quan chức do tuổi tác không dễ sửa đổi nên việc giành văn bằng dễ dàng hơn nên họ chỉ cần "khai thông quan hệ với các trường đại học".

Về vấn đề này, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Thế kỷ 21 (Trung Quốc) Hùng Bính Kỳ cho rằng: "Rất nhiều quan chức nắm quyền phân phối tài nguyên trong khi một số trường đại học lại sẵn sằng dùng tài nguyên giáo dục ra trao đổi, nhiệt tình tuyển sinh - đối tượng là các quan chức - đến nhận bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng như "mắt nhắm mắt mở cho qua" trong mỗi kỳ thi".

Theo Bán nguyệt đàm, việc hình thành nên nhóm lợi ích "quyền học đồng mưu" hiện nay ở Trung Quốc xuất phát từ nguyên nhân: Quan chức cần bằng cấp để phục vụ cho việc thăng tiến còn các các nhà trường sẽ dễ dàng giải quyết công việc khi có học viên là quan chức theo học.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại