Đề xuất cải cách chữ cái tiếng Việt: Đưa ra là việc của nhà nghiên cứu - xin đừng mạt sát!

HUYÊN NGUYỄN |

Đề xuất giảm ký tự bảng chữ cái tiếng Việt từ 38 xuống 31 chữ của PGS-TS Bùi Hiền - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy - học phổ thông - đang gây làn sóng phản đối gay gắt.

Nhiều chuyên gia nhận định đề xuất này khó có thể áp dụng. Nhưng không vì thế mà mạt sát hay vùi dập ngay từ “trứng nước”. Hãy khuyến khích các ý tưởng, sáng kiến mới.

Đừng vùi dập ngay từ “trứng nước”

PGS-TS Bùi Hiền - tác giả đang “gây bão” dư luận với đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt - cho biết, ông đã nhen nhóm ý tưởng này trong suốt 20 năm qua.

Đến thời điểm hiện tại, công trình nghiên cứu mới xong một nửa và vừa chỉ giới thiệu trong một hội thảo ngôn ngữ hồi tháng 9.

Theo ông Hiền, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. Hiện tại, chúng ta sử dụng hai, ba chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu.

Ví dụ, C - Q - K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr - Ch (tra, cha), S - X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng hai chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh.

Đó là hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm.

Từ đó, ông đề xuất bộ chữ cái tiếng Việt chỉ còn 31 ký tự. Dùng ngôn ngữ cải tiến này, theo ông Hiền, sẽ tiết kiệm thời gian, vật tư, sức lực tới 8%.

“Đứng về mặt thẩm mỹ, nhìn bảng chữ theo đề xuất của tôi đúng là hơi rối mắt và gây cảm giác khó chịu. Có người sẽ thấy đề xuất này là vô lý, kệch cỡm và khó được chấp nhận.

Người có tâm lý “ngại sự thay đổi” thậm chí sẽ phản ứng gay gắt. Đó là điều bình thường. Bởi lẽ chúng ta đã quá quen với cách dùng chữ hiện nay” - PGS-TS Bùi Hiền nói.

Đề xuất này ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối gay gắt, thậm chí là mạt sát của dư luận. Không đồng tình bởi cách tranh luận, tiếp cận khoa học đó, TS Lương Hoài Nam cho rằng: “Tại sao lại phản ứng trước đề xuất mới như vậy? Phải có hàng trăm, hàng nghìn đề xuất cải tiến may ra mới có một đề xuất dùng được.

Vì thế, nên hoan nghênh mọi sáng kiến, đặc biệt là những sáng kiến không dùng đến ngân sách, chứ sao lại vùi dập?”.

Đồng quan điểm, nhà văn Nguyễn Một bày tỏ, đưa ra đề nghị là việc của nhà nghiên cứu, còn được áp dụng hay không lại là chuyện khác. Ký âm tiếng Việt bằng chữ Latinh từ khi ra đời ở thế kỷ XVII đến nay đã thay đổi nhiều lần.

Trong đó, đã từng có nhiều cách ký âm nhiều từ khác hôm nay như tiếng “trời” ông ký âm “blời”, “dối trá” ký âm là “dối blá”, “Vua” ký âm là “Bua”...

Đến đầu thế kỷ XX vẫn còn nhiều người ký âm theo cách của ông như tiếng “dùng” ký âm là “zùng”... Dần dần, việc ký âm tiếng nói người Việt bằng chữ viết thay đổi theo thời gian và phổ biến như hôm nay.

Nhà văn Nguyễn Một nhìn nhận ký âm hiện nay chưa hoàn thiện và chưa đáp ứng tính biểu cảm như khi nói trực tiếp. Bằng chứng là thế hệ 9X đã nghĩ ra cách ký âm để thể hiện biểu cảm của họ.

Khi nhắn tin thay vì viết “Anh đang làm gì vậy?” thì họ viết “Anh đang làm zì vạiii?”. Khi đọc kiểu viết này ta hình dung ra khẩu hình của người viết.

Tất nhiên, cách viết đó người lớn không chịu được, nhưng đành phải thừa nhận thực tế là việc ký âm tiếng nói bằng chữ viết có thể sẽ thay đổi theo thời gian.

“Dù PGS-TS Bùi Hiền có đưa ra công trình nghiên cứu nào thì tôi nghĩ việc mạt sát ông là không nên!” - ông Nguyễn Một nhấn mạnh.

Ý tưởng hay nhưng khó áp dụng

Thực tế, đây không phải đề xuất đầu tiên về cải tiến chữ quốc ngữ. Hàng chục năm nay, đã có nhiều đề xuất tương tự.

Gần đây nhất, vào năm 1998, có kiều bào ở Pháp sốt sắng gửi thư cho Thủ tướng lúc bấy giờ là đồng chí Phạm Văn Đồng đề nghị Nhà nước ta cải tiến chữ quốc ngữ cho hợp lý hơn.

Văn phòng Chính phủ đã có gửi công văn hỏi ý kiến một số cơ quan về đề xuất này và sau đó không nhận được sự đồng ý.

Có nhiều lý do được đưa ra như vì thói quen sử dụng, chưa cần thiết, nếu thay đổi sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, làm đảo lộn nhiều thứ...

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nguyên Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho hay: Việc chữ viết sau một vài trăm năm thực hiện có độ vênh với ngữ âm là chuyện bình thường.

Ngữ âm như cơ thể luôn phát triển, còn chữ viết như cái áo không thể phát triển theo cơ thể, do đó sẽ trở nên chật chội, bất hợp lý ở chỗ này, chỗ kia. Muốn xây dựng một thứ chữ hoàn hảo thì rất khó.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, những đề xuất về cải tiến chữ quốc ngữ là không cần thiết, nó sẽ tạo ra nhiều hệ lụy.

Đánh giá đây là một nghiên cứu khoa học rất hay, rất mới mẻ, sáng tạo nhưng TS Vũ Thu Hương - Khoa giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội - cũng đặt ra khó khăn nếu áp dụng.

Đặc biệt, việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt hiện tại đã khá phức tạp với người dân tộc, người Việt sống ở nước ngoài. Nếu áp dụng nghiên cứu này vào cuộc sống, chắc chắn sẽ còn khó học hơn.

Thậm chí, còn phải tính đến chi phí học, tập huấn cho cán bộ làm việc với văn bản, với các tài liệu cũ và trong ngành giáo dục, có thể nói là tốn kém cực lớn mà quan trọng nhất là không cần thiết.

“Nghiên cứu xã hội học đòi hỏi tính thực tế phải rất cao. Nghiên cứu này mới mẻ nhưng tính thực tiễn thì còn kém” - TS Hương đánh giá.

Là người biên tập chính và đã đồng ý cho in bài tham luận của PGS-TS Bùi Hiền vì tôn trọng ý kiến cá nhân, PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền dựa trên cơ sở riêng của ông.

Chúng ta nên ghi nhận tinh thần, thái độ của ông đối với tiếng Việt. Không nên thấy quá lạ, quá khó mà ra sức chỉ trích, phản bác.

Khoa học là phải có nghiên cứu, trao đổi và đề xuất. Vì thế không nên lo lắng bởi đây chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học nói chung, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước áp dụng cho tiếng Việt hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại