TIN TỐT LÀNH 30/10: Cứ 40 người dân phải nuôi 1 công chức, sẽ thắt chặt "bầu sữa" ngân sách

Hoàng Anh Tú |

Đây là một lộ trình quyết liệt từ nay đến năm 2030 với sự cắt giảm công chức cùng 58.000 cơ quan công lập, thắt chặt "bầu sữa" ngân sách và bắt "ra riêng- tự lập" 100%. Thủ tướng nói sẽ tiết kiệm triệt để chi tiêu và bắt đầu sắp xếp lại giáo dục từ mầm non đến đại học.

Đưa 2,5 triệu công chức lên "bàn giải phẫu"

Cả nước đang có khoảng 58.000 đơn vị công lập với hơn 2,5 triệu công chức trong biên chế hưởng lương từ ngân sách. Con số này cao hơn cả nước Mỹ dù dân số Việt Nam chỉ bằng ¼ dân số Mỹ, diện tích Việt Nam chỉ bằng 1/30 diện tích nước Mỹ.

Nếu như bộ máy đó hoạt động tốt thì có lẽ nước Mỹ phải xếp sau Việt Nam nhiều bậc. So sánh vui vậy thôi chứ trong số 2,5 triệu công chức Việt hẳn có nhiều người đang làm việc bằng tất thảy tâm huyết và năng lực họ có.

Chỉ có điều rằng cũng trong số 2,5 triệu công chức ấy nhiều vị chỉ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Các vị chẳng làm việc vì những kẻ tâm huyết kia làm hết phần việc của các vị rồi.

Các vị không làm gì nhưng vẫn hưởng lương vì để vào được biên chế nhà nước sau khi phải chiến đấu với ít nhất 40 người dân khác để vào được biên chế. Vào rồi thì 40 người dân bị các vị đánh bật ra sẽ phải kéo cày nuôi các vị.

Trong số 2,5 triệu vị, trừ đi những vị đang dốc sức ngày đêm "vác tù và hàng tổng" vì lòng tự trọng của mình khi nhận lương từ tiền thuế của dân, bao nhiêu vị khác mất hết lòng tự trọng rồi? Những suất mua biên chế vài trăm triệu chỉ để hưởng lương vài triệu là một nghịch lý ở Việt Nam.

Thậm chí có nhiều người còn bán cả thân để có chỗ trong biên chế như những vụ cô giáo tiểu học tố lãnh đạo trường ép buộc mình làm nô lệ tình dục vì lời hứa "vào biên chế".

Bị tố là vì lãnh đạo hưởng xong thì xù nên mới tố. Chứ nếu không bị xù thì chắc gì đã tố???

Tôi có nhiều người bạn trong số 2,5 triệu vị kia. Trong những cuộc trà dư tửu hậu với nhau, nhiều người bạn của tôi đã buồn thật buồn khi họ bị xã hội lên án là "ăn bám".

Nếu ai đã từng thấy những công chức mẫn cán hẳn sẽ thấy đôi khi chúng ta đã quá khắt khe với công chức. Chỉ là số người thấy những công chức mẫn cán thì ít mà thấy những vị công chức hạnh hoẹ người dân thì nhiều.

Lại cả những đơn vị công lập quanh năm chẳng làm gì ngoài viết báo cáo và tổ chức họp hành. Chưa kể những nơi cả họ làm quan. Những suất biên chế chỉ đặc quyền dành cho người thân với lãnh đạo.

Thậm chí, như báo cáo mới nhất của Thanh tra Chính phủ trình Quốc hội vừa rồi thì nhiều nơi, số lãnh đạo còn nhiều hơn cả số công chức. Tức là trong 2,5 triệu vị kia, nhiều vị hưởng lương cao hơn nữa. (đọc tin chính).

Trước những thực trạng đó, nghị quyết số 19 của Trung Ương Đảng ra đời quả thực là một Tin Tốt Lành khi mà nghị quyết nhắm tới việc cắt giảm 5.800 đơn vị công lập - tối thiểu 250.000 công chức trong 4 năm tới.

Bên cạnh việc cắt giảm ấy là phấn đấu tăng 10% số lượng các đơn vị công lập tự chủ tài chính, giảm 10% các khoản chi trực tiếp từ ngân sách.

Lượng hoá đến năm 2025 sẽ cắt tiếp 10% đơn vị công lập và 10% số biên chế so với năm 2021, phấn đấu có 20% đơn vị tự chủ tài chính, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế sẽ chuyển hoá sang công ty cổ phần. Tiếp tục giảm 10% khoản chi trực tiếp từ ngân sách so với giai đoạn 2016-2020.

Và đến năm 2030, giảm tiếp 15% khoản chi trực tiếp từ ngân sách và hoàn tất công tác cắt giảm số đơn vị công lập cũng như số biên chế nhà nước thêm 10% nữa so với năm 2025.

Một lộ trình quyết liệt vừa cắt giảm vừa thắt chặt "bầu sữa" ngân sách, vừa bắt "trưởng thành- tự lập" cho thấy sự quyết tâm rất cao của Trung ương Đảng. (đọc tin chính)

Cùng với lộ trình quyết liệt với 2,5 triệu biên chế của 58.000 đơn vị công lập, mảng giáo dục cũng được nghị quyết số 19 "mổ xẻ" chi tiết.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016-2017, cả nước có hơn 14.880 trường mầm non (ngoài công lập gần 2.300); hơn 15.000 trường tiểu học (113 trường ngoài công lập); gần 11.000 trường THCS (55 trường ngoài công lập); hơn 2.800 trường THPT (55 trường ngoài công lập); 235 trường đại học (ngoài công lập là 65).

Ngoài ra, còn chưa tính đến hệ thống đông đảo trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý. Sự "bùng nổ" của giáo dục gây lãng phí khủng khiếp mà không đạt hiệu quả xứng tầm

Lần này, Trung ương chỉ đạo kiên quyết sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả.

Trung ương cũng khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, giao quyền tự chủ cho trường đại học; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Các doanh nghiệp được khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Doanh nghiệp cũng sẽ được tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng của Nhà nước và của doanh nghiệp khác; tham gia xây dựng chương trình đào tạo và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên.

Từ sự quyết tâm của Trung Ương Đảng, trong báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thay mặt Chính phủ cam kết triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là hội họp, sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài; gắn bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực; khoán chi hành chính... (đọc tin chính)

TIN TỐT LÀNH 30/10: Cứ 40 người dân phải nuôi 1 công chức, sẽ thắt chặt bầu sữa ngân sách - Ảnh 1.

Không quà cáp - Chiêu đãi

Một trong những thứ dễ gây bức xúc dư luận nhất là chuyện chi hàng chục triệu, trăm triệu, thậm chí có nơi lên đến hàng tỷ, chục tỷ cho các chương trình lễ lạt kỷ niệm thành lập, ngày truyền thống.

Kể cả khi những khoản tiền đó không trực tiếp lấy từ ngân sách mà chỉ là xã hội hoá hoặc được tài trợ.

Bởi ai cũng biết đằng sau cái gọi là "xã hội hoá" hay "tài trợ" là không ít những cuộc "đi đêm" doanh nghiệp lấy lòng chính quyền thông qua việc tổ chức lễ lạt. 

Khi mà số tiền tổ chức ấy có một phần quy đổi ngầm thành quà tặng- chiêu đãi. Tham nhũng cũng bắt đầu từ đó mà ra.

Bản thân tôi cũng có doanh nghiệp riêng của mình, những ngày truyền thống, tôi cũng nhận được không biết bao nhiêu lời mời tài trợ mà ẩn chứa trong đó cả những lời "cảnh báo" về việc nên đóng góp.

Thậm chí còn chưa kể nhiều chương trình mượn tên Bộ này ngành nọ để gây sức ép. Thế nên việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương thực sự là một Tin Tốt Lành.

Dự thảo gồm 4 chương, 15 điều quy định về thẩm quyền, trình tự công nhận ngày truyền thống cũng như việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương. (đọc tin chính)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại