Siết tặng quà, tổ chức lễ kỷ niệm linh đình

Nguyên Khánh |

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến xung quanh dự thảo Nghị định Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương; trong đó có những nội dung được quan tâm như “không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng và chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm”.

KHÔNG QUÀ CÁP, CHIÊU ĐÃI

Dự thảo Nghị định Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương gồm 4 chương, 15 điều quy định về thẩm quyền, trình tự công nhận ngày truyền thống cũng như việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương.

Theo đó, nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống đảm bảo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hoạt động lễ kỷ niệm đảm bảo “an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương hình thức gây lãng phí.

Không tổ chức kỷ niệm khi chưa có văn bản thành lập của cơ quan có thẩm quyền hoặc chưa được cấp thẩm quyền công nhận. Không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo) và chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm và lễ kỷ niệm”.

Chương 2 của dự thảo Nghị định quy định về công nhận ngày truyền thống.

Ngày truyền thống của bộ, UBND cấp tỉnh được xét khi đảm bảo đủ một số tiêu chí: Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập hoặc tài liệu lịch sử chứng minh sự ra đời, ngày diễn ra sự kiện đáng nhớ; Có tính kế thừa liên tục và phát triển ổn định từ 10 năm trở lên; Là sự kiện có ý nghĩa với đất nước, dân tộc, bộ, địa phương.

Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm thẩm định và trình Thủ tướng quyết định công nhận, hoặc có văn bản trả lời trường hợp không được công nhận.

Chương 3 quy định tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống phân chia thành năm tròn và năm khác. Với lễ kỷ niệm năm tròn, hoạt động đó được Bộ VH-TT&DL thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt.

Với năm khác chỉ tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua, gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống. Chương này cũng quy định chi tiết về nghi thức kỷ niệm, phần khánh tiết trang trí lễ kỷ niệm.

Một số quy định về khánh tiết: Hoa trang trí đặt ở phía dưới, trước tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; lẵng hoa do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng được đặt ở vị trí trang trọng; không đặt nhiều lẵng hoa, cây cảnh trên lễ đài.

SẼ CÂN NHẮC...

Bộ VHTT&DL tổ chức lấy ý kiến các sở VHTT&DL phía Bắc về nội dung dự thảo này tại TP Hải Phòng sáng 27/10, đồng thời gửi văn bản lấy ý kiến các địa phương phía Nam.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Phó cục trưởng phụ trách Cục Văn hoá cơ sở cho biết nội dung về không tặng quà, không tổ chức chiêu đãi nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Thời gian qua, một số lễ kỷ niệm ở địa phương gây xôn xao dư luận, chẳng hạn Vĩnh Phúc chi hơn 60 tỷ đồng mua quà tặng dịp thành lập tỉnh.

“Một số người cho rằng nếu quà tặng là quyển sách, logo chẳng hạn thì không nên cấm, chỉ quà tặng lớn và tốn kém mới nên cấm.

Về việc chiêu đãi, nhiều người cũng cho rằng tục lệ của người Việt Nam-khách đến chơi nhà phải có chút lòng thành tiếp khách.

Chúng tôi nghĩ rằng dù ít hay nhiều thì tặng quà cũng tốn kém, kể cả chuyện mời tiệc cũng không nên làm sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên chúng tôi tiếp thu ý kiến, nghiên cứu thêm để hoàn thiện Nghị định phù hợp với các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh”, bà Hương nói.

Đại diện Cục Văn hóa cơ sở cho biết tại buổi lấy ý kiến, một số đại biểu chưa rõ về số lượng khách mời và đã được giải thích cặn kẽ.

Theo đó, trong trường hợp BTC mời lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước thì chỉ mời một trong bốn đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Số lượng đại biểu khách mời không quá 100 đại biểu bao gồm đại biểu thuộc cơ quan Trung ương, bộ, ngành, địa phương và khách mời quốc tế.

Số lượng và thành phần đại biểu của bộ, UBND cấp tỉnh tham gia lễ kỷ niệm bao gồm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ công nhân viên và các khối quần chúng do đơn vị tổ chức lễ kỷ niệm xác định phù hợp với quy mô, điều kiện và vị trí tổ chức.

Một số đại biểu đề xuất nên đưa vào nghị định quy định giao quyền cho UBND cấp tỉnh về tổ chức lễ kỷ niệm cho cấp nhỏ hơn. Bà Ninh Thị Thu Hương cho hay các địa phương khá thống nhất về nội dung dự thảo.

Cơ quan xây dựng nghị định cho rằng nghị định này cần thiết bởi Nghị định 145 trước đó chỉ quy định nghi thức cho ngày lễ quốc gia, đồng thời kỳ vọng bộ quy chuẩn giúp phần nghi thức ở các địa phương đảm bảo trang trọng, tiết kiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại