Tổng thống Trump tới thăm DMZ: Nguy cơ khủng hoảng Triều Tiên tăng nhiệt?

Ngọc Nguyễn |

Chuyến thăm khu vực phi quân sự liên Triều (DMZ) của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bộc lộ rõ quan điểm của nước Mỹ đối với cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyến thăm này dự kiến nằm trong lịch trình của đợt công du 5 quốc gia châu Á kéo dài 12 ngày của Tổng thống Trump, nhằm gia tăng sức ép quốc tế lên chính quyền Bình Nhưỡng.

Đây không phải là chuyến thăm DMZ đầu tiên của 1 đương kim tổng thống Mỹ. Trong quá khứ, tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng tới thăm vĩ tuyến 38 trên bán đảo Triều Tiên hồi cuối năm 1983. Sau đó là Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993, và Tổng thống Obama vào năm 2012.

Mới đây, hồi tháng 4, Phó Tổng thống Michael Pence cũng đã tới thăm khu vực phi quân sự được canh gác nghiêm ngặt trong suốt hơn 6 thập niên, nằm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Chính quyền Mỹ đang phân vân liệu ông Trump có nên thực hiện một chuyến đi mang tính biểu tượng trong thời điểm này hay không. Theo tờ Washington Post, một số phụ tá lo ngại chuyến thăm có thể khiến tình hình càng trở nên căng thẳng hơn. Nhiều người lại lo lắng cho sự an toàn của cá nhân tổng thống.

Đó là chưa kể, chuyến thăm không nhận được sự ủng hộ từ chính phủ Hàn Quốc.

Các phụ tá của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae- in chia sẻ lo ngại rằng chuyến thăm của ông Trump tới DMZ sẽ làm gia tăng các hoạt động quân sự đối đầu giữa hai nước, hoặc tạo ra những hệ quả không mong muốn cho xứ kim chi như xáo trộn thị trường tài chính châu Á và gián đoạn kế hoạch đăng cai Olympics mùa đông của nước này vào tháng 2 năm sau.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã đánh giá những lo ngại của Nhà Trắng là không có cơ sở. Các quan chức chuyên về chính sách đối ngoại Châu Á dưới thời cựu tổng thống Obama và George W. Bush đều nhất trí rằng đây là một chuyến đi cần thiết.

Họ tin rằng chuyến thăm của đương kim tổng thống Mỹ tới DMZ sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng cho lực lượng quân đội của Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên rằng nước này vẫn cam kết duy trì hiệp ước phòng thủ song phương với Hàn Quốc.

Thậm chí theo nhận định của ông Evan Medeiros, cựu giám đốc hội đồng an ninh quốc gia khu vực châu Á dưới thời tổng thống Obama, hệ quả của việc không đi thăm DMZ có thể lớn hơn việc tới đây.

Hiện tại, phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận và thông báo chính phủ chưa sẵn sàng công bố lịch trình đầy đủ của chuyến công du, dự kiến diễn ra từ 3-14/11 tới.

Trong buổi họp báo mới đây, khi được hỏi về khả năng chuyến thăm làm gia tăng căng thẳng với chính quyền Bình Nhưỡng, ông Trump cho hay, chi tiết chuyến công du vẫn chưa thông qua và cũng nói thêm: "Tôi không nghĩ chuyến đi mang ý nghĩa khiêu khích nhưng chắc chắn tôi sẽ cân nhắc yếu tố này".

Tuy nhiên, một thực tế ai cũng biết là giới phóng viên sẽ theo sát ông Trump và chuyện ông bất ngờ đưa ra những phát ngôn táo bạo hoàn toàn có thể xảy ra.

Để tránh tình huống này, các chuyên gia gợi ý rằng đội an ninh của Tổng thống Trump nên sắp xếp sao cho chuyến thăm này chỉ bao gồm các hoạt động mang ý nghĩa biểu tượng như nói chuyện với binh lính, thăm đài quan sát và hạn chế sử dụng các từ ngữ khiêu khích nhằm vào Triều Tiên.

Chuyến thăm sẽ diễn ra trong bối cảnh giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản đang khá lo lắng khi Tổng thống Trump mới đây đã quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định TPP, lên án tình trạng thâm hụt thương mại giữa nước này với hai đồng minh và muốn đàm phán lại hiệp định thương mại song phương do cựu tổng thống Obama ký với Hàn Quốc hồi năm 2011.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại