Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19 bắt đầu diễn ra từ hôm nay 18/10 tại Bắc Kinh. Để tạo ra một bầu không khí quốc tế thuận lợi, các hạng mục ngoại giao của Bắc Kinh đã sớm được tiến hành.
Theo giới quan sát, cho dù là cuộc hội đàm cấp cao tại Florida giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump hay giải quyết đối đầu Trung-Ấn... dụng ý của Bắc Kinh đều đã rất rõ ràng.
Một số ý kiến cho rằng, dù là tình hình quốc tế hay các điểm nóng xung quanh, Trung Quốc đều đã tích cực sắp xếp ổn thỏa theo chiều hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Tuy nhiên, vấn đề xấu nhất có thể xảy ra là tình hình Đông Bắc Á leo thang căng thẳng. Ngày 16/10, trước thềm Đại hội 19 của Trung Quốc, hai nước Mỹ-Hàn đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận chung ở khu vực bán đảo Triều Tiên.
Vấn đề Triều Tiên có thể trở thành sự cố ngoài ý muốn
Cuộc tập trận này dự tính kéo dài đến ngày 20/10. Nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu ngầm hạt nhân Michigan có thể chở một đơn vị đặc nhiệm SEAL tới Đông Bắc Á tham gia tập trận, một động thái được cho nhằm đe dọa Bình Nhưỡng.
Đồng thời với sự căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, các máy bay chiến đấu Mỹ gần đây hoạt động với tần suất dày đặc tại Đông Bắc Á.
Ngàu 10/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cùng các thành viên Hội đồng an ninh quốc gia đã tập trung tại Phòng Tình huống (hay còn gọi Phòng Chiến tranh) để họp thảo luận, chỉ đạo biên đội máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1B - nhóm máy bay đang được triển khai ở bán đảo Triều Tiên.
Ngày 16/10, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In Ryong cảnh báo, tình hình bán đảo Triều Tiên đang rất căng thẳng, có thể bùng nổ chiến tranh hạt nhân bất cứ lúc nào.
Trước đó, giới quan sát dự đoán, Triều Tiên có thể chuẩn bị bắn một loạt tên lửa tầm ngắn nhân dịp Đại hội 19 của Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định rằng, đằng sau hành động quân sự mới của Mỹ-Triều là biểu hiện thất bại của loạt các cuộc hòa giải ngoại giao.
Cụ thể, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân, ngoài lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, các bên liên qaun đều tiến hành chuỗi động thái hòa giải ngoại giao.
Sau chuyến thăm Bình Nhưỡng vào cuối tháng 7 vừa qua của Đại sứ lưu động của Nga Oleg Burmistrov thì Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cũng dần đầu đoàn đại biểu Bình Nhưỡng tới thăm Nga vào cuối tháng 9.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho mới đây tuyên bố, tuyệt đối không chấp nhận dùng vũ khí hạt nhân làm điều kiện để tiến hành đối thoại và yêu cầu Mỹ ngừng thi hành chính sách đối địch với Triều Tiên là tiền đề đối thoại.
Trong khi đó, ngày 1/10, Tổng thống Mỹ phát biểu trên Twitter rằng, Mỹ đang lãng phí thời gian để đối thoại với Triều Tiên. Đến ngày 14/10, trả lời báo chí, ông Trump khẳng định, Washington đã "chuẩn bị đầy đủ mọi thứ" về vấn đề Triều Tiên và thế giới sẽ thấy "những điều sắp xảy ra".
Hiện cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn từ chối đề nghị tiến hành các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề Triều Tiên của Bắc Kinh. Đồng thời, vấn đề về việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng.
Ngày 12/9, Mỹ đã triển khai xong sáu bệ phóng thuộc tổ hợp THAAD tại Hàn Quốc và chúng được cho đã đi vào hoạt động.
Ngày 10/10, Nga-Trung đã tiến hành hội nghị tham vấn tình hình Đông Bắc Á lần thứ 8, đây là cuộc đối thoại khẩn cấp lần thứ ba trong năm nay giữa hai nước về vấn đề Triều Tiên. Ngày 12/10, bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Nga-Trung đã tổ chức cuộc họp báo về phòng thủ chống tên lửa.
Ngày 16/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận, tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay đang ở thời khắc vô cùng nhạy cảm và căng thẳng.
Giới quan sát hiện vẫn đặt ra câu hỏi, trước bối cảnh hiện nay, Triều Tiên sẽ đưa ra phản ứng như thế nào hoặc liệu nước này có động thái gây leo thang căng thẳng hay không?
Các đại biểu Trung Quốc về Bắc Kinh dự Đại hội 19