Chuyên gia Mathieu Duchatel - Phó giám đốc chương trình Châu Á và Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho rằng chính việc thiếu các cuộc thảo luận về kiểm soát khủng hoảng giữa các nước là yếu tố có thể đẩy những sự cố bất ngờ nhanh chóng leo thang thành xung đột.
Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để tránh được một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên vốn hoàn toàn có thể được kích hoạt bởi một quyết định tức thời do sự cố bất ngờ hoặc nhầm lẫn chứ không phải là một quyết định mang tính lý trí.
Theo ông Duchatel, việc thiếu các cuộc thảo luận nhằm quản lý khủng hoảng là một vấn đề rõ ràng trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên, nhưng vấn đề tương tự cũng tồn tại trong quan hệ Mỹ-Trung, khiến "phương trình" an ninh bán đảo Triều Tiên mang thêm yếu tố bất ổn.
Các cuộc đối thoại chính trị cấp cao vẫn diễn ra thường xuyên giữa Mỹ và Trung Quốc - gần đây nhất là cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ủy viên Quốc vụ đặc trách đối ngoại và vấn đề Đài Loan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận này không đề cập kế hoạch dự phòng cụ thể trong các tình huống khẩn cấp, vì vấn đề chính trị Triều Tiên quá nhạy cảm đối với Trung Quốc.
Hạn chế này chính là vấn đề, bởi sự hiểu nhầm và tính toán sai lệch do thiếu thông tin về cách các bên khác sẽ phản ứng là những nhân tố chính làm gia tăng khủng hoảng.
Sự thiếu vắng trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm gia tăng thêm nguy cơ leo thang khó lường trên bán đảo Triều Tiên một khi xảy ra sự cố bất ngờ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức ngày 8/7/2017. Ảnh: AP
Ba kịch bản trên bán đảo
Mathieu Duchatel cho hay, nhiều kịch bản cần được dự kiến một cách kỹ lưỡng và lập kế hoạch ứng phó cẩn thận, do nguy cơ có thể dẫn đến xung đột ở quy mô lớn hơn.
Kịch bản thứ nhất, xuất hiện sự cố trong một vụ thử của Triều Tiên. Nhận định đầu tiên về các cuộc thử nghiệm tên lửa Triều Tiên có vẻ như đã sai. Các vụ thử cho đến nay vẫn chưa gây ra bất kỳ thương vong cho người nước ngoài nào, ví dụ như cho tàu đánh cá và tàu thương mại ở Thái Bình Dương hoặc trên lãnh thổ Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, ông Itsunori Onodera trả lời tờ Financial Times rằng lựa chọn bắn hạ tên lửa Triều Tiên bay qua không phận nước này đã bị loại bỏ do nhận thức đúng đắn của chính phủ về Luật quốc phòng Nhật Bản.
Dù vậy, lựa chọn bắn rơi tên lửa Triều Tiên cũng có thể trở thành khả dĩ nếu Nhật cho rằng quỹ đạo tên lửa Triều Tiên gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với thường dân trên lãnh thổ nước này. Một sự cố như vậy không chỉ dẫn đến những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng của Tokyo, như việc mua tên lửa hành trình tấn công mặt đất, mà nó còn để ngỏ khả năng Nhật kêu gọi sự đáp trả theo các mức độ khác nhau từ đồng minh Mỹ, và rõ ràng sẽ làm căng thẳng leo thang nghiêm trọng.
Kịch bản thứ hai là chuỗi phản ứng có thể xảy đến sau khi Mỹ can thiệp vào một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Phương án bố trí lá chắn tên lửa đã được đưa ra thảo luận trong một thời gian dài và nhận được nhiều sự ủng hộ ở Mỹ hơn trong năm nay.
Nếu thành công, một cuộc đánh chặn sẽ đẩy lùi mục tiêu sở hữu sức mạnh răn đe hạt nhân mà Triều Tiên đang quyết tâm đạt được.
Nếu việc đánh chặn dẫn đến nhiều cuộc thử nghiệm hơn, điều này sẽ là cơ sở để có thể tin rằng Triều Tiên sẽ không trả đũa, bởi vì một cuộc đánh chặn không phải là một cuộc tấn công vào lãnh thổ Triều Tiên, và là một nước đang mong muốn sở hữu khả năng răn đe và tồn tại, Triều Tiên có lý do để tránh leo thang căng thẳng.
Nhưng phản ứng của Triều Tiên cũng sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá quan điểm của Trung Quốc và Nga. Và Trung Quốc luôn có xu hướng xem lá chắn tên lửa của Mỹ và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên như hai mối đe dọa đến an ninh quốc gia.
Kịch bản thứ ba, cũng là kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra. Đó là một hành động quân sự của Mỹ hoặc Hàn Quốc có thể làm Bình Nhưỡng hiểu nhầm là động thái đầu tiên trong cuộc tấn công quân sự.
Triều Tiên tuyên bố rõ ràng rằng nước này đang xem xét khả năng tấn công hạt nhân nhằm đáp trả ý định lật đổ của Mỹ - có thể là một cuộc tấn công nhắm vào lãnh đạo Triều Tiên hoặc một cuộc tấn công quy mô lớn để phá hủy các cơ sở quân sự của đất nước.
Tình báo Hàn Quốc gần đây tiết lộ rằng các radar phòng không của Triều Tiên đã thất bại trong việc phát hiện các máy bay ném bom Mỹ bay sát bờ biển bán đảo. Dù thông tin này có chính xác hay không, thì Seoul cho rằng sự yếu kém về tình báo, giám sát và trinh sát của Triều Tiên làm gia tăng tính bất ổn của cuộc khủng hoảng và có thể dẫn đến tính toán sai lầm.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tham gia cuộc tập trận với lực lượng đồng minh Hàn Quốc, ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Yonhap.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc
Ông Mathieu Duchatel nhấn mạnh, các cuộc đám phán nhằm kiểm soát khủng hoảng nên hướng đến mục tiêu giảm nguy cơ xung đột, ngăn chặn leo thang trong trường hợp xảy ra các sự cố. Để hoàn thành các mục tiêu này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trực tiếp.
Mỹ đã đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán đột xuất với Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua, tuy nhiên Trung Quốc vẫn từ chối lời đề nghị này vì hai lý do chính.
Thứ nhất là sự chia rẽ trong nội bộ của Trung Quốc liên quan đến việc đánh giá các nguy cơ gây mất an ninh quốc gia. Nhiều nhà hoạch định chính sách bảo thủ của Bắc Kinh luôn nhận thức rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đông Bắc Á là mối đe dọa chủ yếu, lâu dài đối với các lợi ích an ninh của nước này.
Mặc dù hầu hết các thành viên chính phủ đồng ý rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên phát triển đang làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc, nhưng sự thiếu niềm tin chiến lược đối với Mỹ vẫn luôn ngự trị. Điều này lý giải sự lưỡng lự của Bắc Kinh trong mở rộng hợp tác với Mỹ.
Nguyên nhân thứ hai thậm chí còn cơ bản hơn vì nó chạm đến niềm tin cốt lõi của Trung Quốc. Duchatel lập luận, nếu thảo luận về xử lý khủng hoảng với Washington, Bắc Kinh sẽ gián tiếp thừa nhận xem xét các khả năng thay đổi về chính trị trên bán đảo - điều đi ngược với lập trường đòi hỏi ổn định chính trị mà Trung Quốc giữ vững trong nhiều năm.
Nếu truyền thông hoặc Triều Tiên phát hiện Trung Quốc xúc tiến đối thoại về chủ đề "dàn xếp cục diện" với Mỹ, Bình Nhưỡng sẽ tin rằng Trung Quốc quay lưng với họ va kết thúc hoàn toàn bất kỳ triển vọng nào về việc Bắc Kinh có thể đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Triều Tiên.
Cánh cửa cho EU
Trung Quốc từ lâu đã tranh luận với Mỹ về sự cần thiết của một cuộc đàm phán kiểm soát khủng hoảng, và cho đến nay cách tiếp cận bảo thủ vẫn chiếm ưu thế.
Một bài báo mới đây của giáo sư Jia Qingguo từ Đại học Bắc Kinh đã đưa cuộc tranh luận đó vào trong sự chú ý của công chúng, cho thấy tranh luận đang đạt đến đỉnh điểm trong bối cảnh nguy cơ xung đột gia tăng.
Tình trạng này đã mở ra cơ hội cho các hoạt động ngoại giao kín kẽ hơn. Mỹ và Trung Quốc có đủ các kênh quân sự để tổ chức các cuộc hội đàm song phương, nhưng có một lựa chọn của các bên thứ ba sẽ giúp Trung Quốc ít lo ngại hơn. Đó chính là Liên minh châu Âu (EU).
Một mặt, EU chia sẻ với Mỹ nhận thức rằng căng thẳng trên bán đảo là kết quả của các hành động khiêu khích của Triều Tiên. Mặt khác, sự kêu gọi của châu Âu nhằm kiềm chế và đối thoại làm cho EU trở nên đồng điệu quan điểm với Bắc Kinh hơn là cách tiếp cận của Washington, vốn tập trung vào việc ngăn chặn, gây áp lực và đe doạ hành động quân sự.
Việc thiếu sót các kế hoạch dự phòng Mỹ-Trung sẽ làm suy yếu phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Sự chia rẽ và thiếu nhận thức về nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở rộng không gian chiến lược mà Triều Tiên có thể khai thác nhằm nâng cao năng lực và đạt được tham vọng của mình.
Các bên thứ ba như EU hay các quốc gia châu Âu nên là trung gian mở các cuộc hội đàm như vậy để góp phần kiểm soát khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Lễ diễu hành kỉ niệm ngày ra mắt của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un