Ông Trump gài bẫy ngoạn mục, Iran "lọt lưới" mà không hề hay biết?

Hải Võ |

Học giả người Mỹ lý giải nỗ lực của chính quyền Trump nhằm trừng phạt Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) có liên quan chặt chẽ với thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Quân đội Iran mạnh lên sau thỏa thuận hạt nhân

Ông Oubai Shahbandar, nhà nghiên cứu của Chương trình an ninh quốc tế thuộc Trung tâm Hoa Kỳ Mới (New America), cựu cố vấn cấp cao Bộ quốc phòng Mỹ, cho rằng cần nhìn lại mối liên hệ giữa thỏa thuận hạt nhân Iran (viết tắt là JCPOA) đạt được năm 2015 với IRGC cùng các hoạt động và lợi ích của lực lượng này trong khu vực.

Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố vào năm 2015, nói về những lo ngại khi hàng tỉ USD tài sản của Tehran ngay lập tức được dỡ bỏ phong tỏa sau thỏa thuận, cùng các lệnh cấm vận được dỡ bỏ dần: "Không có kịch bản nào cho thấy việc dỡ cấm vận sẽ biến Iran thành một thế lực thống trị ở khu vực."

"Điều đó không có nghĩa là việc dỡ bỏ cấm vận sẽ không mang lại lợi ích cho quân đội Iran...," ông nói. "Chúng tôi không ảo tưởng về chính phủ Iran, hay về vai trò của IRGC và lực lượng Quds (lực lượng đặc biệt thuộc IRGC)".

Thông điệp mà ông Obama muốn chuyển tải đến dư luận Mỹ và quốc tế là chính quyền của ông vẫn sẽ nỗ lực kìm hãm các hoạt động của IRGC ở khu vực, mà Washington cáo buộc là "bảo trợ khủng bố", và thỏa thuận hạt nhân sẽ không ngăn cản Mỹ chống lại IRGC.

Shahbandar đánh giá, khi Obama nói "nếu chúng ta nghiêm túc về đối đầu các hành vi gây bất ổn của Iran thì khó mà tưởng tượng một cách tiếp cận tồi tệ hơn việc phong tỏa thỏa thuận hạt nhân", ông muốn thuyết phục những người phản đối thỏa thuận rằng bên cạnh ngăn chặn Tehran đạt được sức mạnh hạt nhân - ít nhất là trong ngắn hạn, JCPOA còn kiềm chế hiệu quả các hoạt động bí mật của Iran tại Trung Đông.

Ông Trump gài bẫy ngoạn mục, Iran lọt lưới mà không hề hay biết? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Trump phát biểu về chính sách đối với Iran tại Nhà Trắng, ngày 13/10/2017 (Ảnh: AP/Evan Vucci)

Nhưng những nhà phê bình sau đó chỉ ra rằng tình hình trên thực địa trái ngược với nhận định của cựu tổng thống.

Hãng Arab News cho biết hoạt động của IRGC đã gia tăng đáng kể từ năm 2015. Chỉ huy lực lượng Quds, tướng Qassem Soleimani, nắm giữ vai trò trực tiếp và rõ ràng hơn nhiều so với trước đó trong nhiệm vụ mở rộng cơ sở tác chiến trên khắp Syria, và tăng tài trợ cho các nhóm được IRGC bảo trợ tại vùng Vịnh.

Bằng cảnh báo đưa toàn bộ IRGC vào danh sách khủng bố và đóng băng tài sản của lực lượng này ở nước ngoài, tổng thống Donald Trump sẽ còn nhiều hành động hơn là chỉ đe dọa.

Theo ông Shahbandar, các công ty tuyến đầu của IRGC, hay các công ty bị nghi là cơ sở IRGC đặt ở các nước châu Á, vùng Vịnh cho đến châu Âu, sẽ bị đóng cửa.

Nhằm vào IRGC, ông Trump muốn khích Iran tự phá thỏa thuận?

Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ nói rằng chiến lược của ông Trump với Iran gồm 4 bước: Vô hiệu hóa IRGC và các hoạt động mà Mỹ xác định là gây bất ổn; Tấn công các mục tiêu mà Mỹ cho là "huyết mạch" tài chính của IRGC; Khắc chế đe dọa đến từ tên lửa đạn đạo của Iran mà IRGC đóng vai trò quan trọng; Cuối cùng là chặn mọi khả năng Iran vũ khí hóa hạt nhân.

"Thay vì tự mình phá vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Donald Trump có thể thách thức Tehran bằng cách nhằm vào 'vương miện' của họ - lực lượng Vệ binh cách mạng," học giả Oubai Shahbandar bình luận.

Theo ông, bước cuối cùng trong chiến lược 4 bước của Mỹ là phần trọng yếu vì nó bảo đảm Iran tuân thủ JCPOA và ngăn Tehran mượn thỏa thuận này để "câu giờ", nhằm phục vụ quá trình mua sắm vật liệu thiết yếu, chuẩn bị các cơ sở nghiên cứu/sản xuất để xúc tiến phát triển vũ khí hạt nhân sau khi thỏa thuận hết hạn.

Xét từ góc nhìn này, không có gì ngạc nhiên khi ông Ali Akbar Velayati, cố vấn của lãnh tụ tối cao Iran, nói rằng "mọi phương án sẽ được cân nhắc" nếu Mỹ định danh IRGC là một tổ chức khủng bố.

Ông Trump gài bẫy ngoạn mục, Iran lọt lưới mà không hề hay biết? - Ảnh 2.

Các thành viên IRGC (Ảnh: Reuters)

Shahbandar cho rằng ông Trump đã ra một đòn ngoạn mục vào Tehran trong vấn đề này. Nếu ông tuyên bố rút hoàn toàn khỏi JCPOA, hình ảnh Washington trong mắt đồng minh/đối tác sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và Mỹ cùng chính quyền Trump trở thành những người bội tín. Kết quả này sẽ là thắng lợi ngoại giao lớn với Iran.

Nhưng thay vì làm như vậy, ông Trump chỉ tuyên bố không tiếp tục xác nhận với Quốc hội Mỹ rằng Iran đang tuân thủ đầy đủ JCPOA, và trao "quả bóng" cho Quốc hội để quyết định có áp đặt trở lại lệnh cấm vận với Tehran hay không. Trong giai đoạn này, Mỹ vẫn tuân thủ thỏa thuận - theo lời Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Nikki Haley.

Trong khi đó, Nhà Trắng chuyển sức ép và sự chú ý của dư luận sang Vệ binh cách mạng của Iran.

Các quan chức cấp cao Mỹ tin rằng các đồng minh châu Âu sẽ phải thừa nhận Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân nếu nước này quyết định phá vỡ thỏa thuận trước để trả đũa việc Mỹ trừng phạt IRGC. Và việc hàng loạt tướng lĩnh Iran cảnh báo trả đũa quân sự Mỹ dường như đang làm nóng bầu không khí giữa hai nước, thúc đẩy kịch bản này trở thành hiện thực.

Phó chỉ huy lực lượng Quds, ông Esmail Ghaani, cảnh báo: "Việc ông Trump đe dọa Iran sẽ hủy hoại nước Mỹ. Chúng tôi đã chôn vùi nhiều nhân vật... như ông Trump và biết cách chống lại Mỹ."

Tư lệnh IRGC, tướng Ali Jafari ngày 8/10 cảnh cáo Iran sẽ coi lính Mỹ giống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nếu Mỹ xếp IRGC vào danh sách khủng bố.

Cố vấn chính sách đối ngoại dưới thời tổng thống Obama, ông Ben Rhodes cho rằng Iran hiện nay đã mạnh mẽ hơn và Mỹ đối đầu trực diện sẽ đẩy Tehran khỏi quỹ đạo của thỏa thuận hạt nhân 2016. Nhưng nếu đây là điều Mỹ đang hướng tới, thì có thể Tehran chưa đủ sẵn sàng để xử lý những nước đi của chính quyền ông Trump, với chiến thuật hoàn toàn khác với người tiền nhiệm.

[VIDEO] Một cuộc tập trận của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại