Giải vây Deir ez-Zor: Khởi đầu cho hồi kết của nội chiến Syria và sự yếu thế của Mỹ

Thi Anh |

Chiến dịch Deir ez-Zor thành công là bước đột phá lớn nhất trong cuộc chiến chống IS kể từ khi nhóm khủng bố bắt đầu phong tỏa nơi này năm 2014.

Sau khi dỡ bỏ hàng rào phong tỏa quanh Deir ez-Zor, quân đội Syria sẽ tiến rất gần tới mục tiêu giải phóng con đường nối tới Iraq. Washington đang mất dần sức ảnh hưởng tại Syria, trong khi Moscow đẩy mạnh sự hiện diện của mình ở cả 3 mặt trận: Quân sự, ngoại giao và viện trợ nhân đạo. 

Bình luận về sự kiện phá vòng vây ở thành phố miền Đông Syria Deir ez-Zor, phó giáo sư Gevorg Mirzayan của Đại học Tài chính trực thuộc chính quyền Liên bang Nga đã chỉ ra ảnh hưởng tích cực của diễn biến mới đối với tình hình tại Syria. 

"Dỡ bỏ được hàng rào phong tỏa quanh Deir ez-Zor không chỉ là khởi đầu cho công cuộc giải phóng hàng trăm nghìn người khỏi sự chiếm đóng của IS mà còn là khởi đầu cho quá trình giải phóng các khu vực miền Đông Syria khỏi khủng bố", ông Mirzayan nói. 

Ông Mirzayan đã dẫn lời Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura khi nói rằng, chiến dịch giải phóng Deir ez-Zor là "khởi đầu cho hồi kết" của cuộc nội chiến Syria và phe đối lập Syria cần phải công nhận một thực tế: Họ không thể giành chiến thắng trước Tổng thống Syria Bashar al Assad. 

Dù bất mãn với quan điểm này nhưng nhiều trong số những bên đang tài trợ phe đối lập, đặc biệt là Ả Rập Saudi, đã bắt đầu thương thuyết với Nga, quốc gia giữ vai trò hòa giải, về các điều khoản liên quan tới đàm phán hòa bình. 

"Nhà Trắng đang lưỡng lự trước khả năng ngồi xuống bàn đàm phán với Moscow, đặc biệt là vì lập trường không thể hòa giải và một thực tế rằng: vị thế của Mỹ tại Syria hiện giờ quá yếu để có thể là một bên trong cuộc đàm phán", phó giáo sư Nga cho hay. 

Ông cũng nói thêm rằng, "Washington không muốn đàm phán khi mình đang ở thế yếu. Họ đang tìm cách khiến Assad suy yếu bằng cách cản trở ông ấy giành lấy một phần lãnh thổ ở Deir ez-Zor và ngăn cản những con đường nối Syria với Iran qua Iraq".

Đề cập tới những ảnh hưởng tiềm tàng của người Kurd, ông Mirzayan cho rằng, dù họ được cho là đã phát triển quan hệ đối tác với Mỹ nhưng chưa chắc người Mỹ đã sẵn sàng bảo vệ những người Kurd hiện đang hoạt động ở Deir ez-Zor. 

"Trong khi đó, cái bóng của Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã hiện diện phía sau liên minh Nga - Iran - Syria. Ankara khẳng định rõ rằng, người Kurd không được băng qua sông Euphrates. Tổng thống Erdogan đang triển khai binh lính tới khu vực biên giới với người Kurd và để khai chiến, ông ta cần sự chấp thuận của cả Nga và Mỹ". 

Mặc dù vòng vây phong tỏa thành phố Deir ez-Zor đã bị phá vỡ hồi tuần trước, cuộc giao tranh nhằm giải phóng hoàn toàn khu vực này vẫn đang diễn ra. 

Chiến dịch Deir ez-Zor thành công là bước đột phá lớn nhất trong cuộc chiến chống IS kể từ khi nhóm khủng bố này bắt đầu khởi động cuộc tấn công nhằm vào thành phố và phong tỏa nơi này năm 2014. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại