Gai mắt với thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Trump muốn "bỏ ván bài cũ, chơi ván mới"?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Washington muốn có một cuộc chơi với Iran mà Mỹ không bị ràng buộc bởi cam kết đa phương cũ, lại có thêm cớ để gây áp lực mới.

Cứ 90 ngày một lần, Tổng thống Mỹ Donald Trump phải xác nhận với quốc hội nước này là Iran tuân thủ hay không tuân thủ thoả thuận được ký kết năm 2015 giữa nước này với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran - với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).

Cái gọi là luật Corker-Cardin này được Quốc hội Mỹ thông qua để giúp phía lập pháp có quyền cùng quyết định chính sách của Mỹ đối với Iran, chứ không để cho phía hành pháp muốn làm gì thì làm.

Nếu ông Trump thông báo với quốc hội rằng Iran không tuân thủ JCPOA thì Quốc hội Mỹ có thời gian 60 ngày để quyết định áp dụng lại những biện pháp trừng phạt Iran mà Mỹ đã phải gỡ bỏ theo quy định của JCPOA. Hành động như thế đồng nghĩa với việc phía Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA.

Ngay từ khi còn vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ, ông Trump đã nhiều lần quả quyết rằng JCPOA là thoả thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay đối với Mỹ và có lợi cho Iran nhiều hơn cho Mỹ. Ông Trump không giấu diếm chủ ý rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA.

Từ khi lên cầm quyền cho tới nay, chính quyền của ông Trump luôn xác định Iran tuân thủ nghiêm chỉnh JCPOA nhưng bản thân ông Trump và một vài cộng sự thân cận cũng nhiều lần tuyên cáo sẽ lật ngược JCPOA.

Ngày 15.10 tới là thời hạn ông Trump lại phải thông báo cho Quốc hội Mỹ và ông Trump đã xa gần đề cập đến việc Mỹ sẽ công bố chiến lược mới đối với Iran vào thời điểm ấy, khiến bên ngoài hiểu thiên về khả năng ông Trump sẽ chấm dứt cam kết của Mỹ với JCPOA.

Bỏ ván cũ, chơi ván mới?

Cũng trong thời gian vừa qua, phía Mỹ áp dụng một số biện pháp trừng phạt mới đối với Iran nhưng chỉ liên quan đến việc Iran phát triển chương trình hạt nhân chứ không liên quan đến việc thực hiện JCPOA.

Có thể thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Iran hiện trong thời kỳ rất nhạy cảm về cả đối nội lẫn đối ngoại giữa hai nước, về cả chính trị lẫn an ninh đối với cả khu vực Trung Đông, Vùng Vịnh và Bắc Phi cũng như đang hướng tới một bước ngoặt mới với tác động rất mạnh mẽ và sâu sắc tới tất cả các đối tác liên quan và khu vực.

Mỹ rút khỏi JCPOA thì Iran trên nguyên tắc lại có thể khôi phục chương trình hạt nhân và chạy đua hạt nhân ở khu vực lại tiếp diễn.

Gai mắt với thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Trump muốn bỏ ván bài cũ, chơi ván mới? - Ảnh 1.

Các quan chức trong buổi đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ảnh: Dragan Tatic

Từ tất cả những động thái của phía Mỹ, có thể nhận thấy, ông Trump và cộng sự hiện vẫn chưa có được chiến lược mới rõ ràng, cụ thể và khả thi đối với Iran. Họ muốn xoá bỏ JPCOA nhưng lại chưa có lý do xác đáng lại, đồng thời chưa biết nên đối phó với hậu quả và hệ luỵ của quyết định ấy như thế nào.

Trên phương diện này và cho tới tận thời điểm hiện tại, họ bị chế ngự bởi tình cảm chứ không phải lý trí. Còn chưa xác định được chiến lược mới thì ông Trump và cộng sự sẽ vẫn còn tiếp tục như lâu nay, tức là vừa xác nhận Iran tuân thủ JCPOA, vừa cáo buộc nước này vi phạm JCPOA, vừa tiếp tục thực hiện JCPOA vừa tiếp tục theo đuổi ý định lật ngược JCPOA.

Việc vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên trở nên đặc biệt nổi cộm trong năm nay đã làm ông Trump và cộng sự thêm khó xử, không chỉ đối với Triều Tiên mà còn đối với cả Iran.

Thế giới bên ngoài nước Mỹ đều đánh giá cao JCPOA và cho rằng thoả thuận này giúp thế giới "an toàn hơn", đồng thời lấy đó làm một trong những mô hình khuôn mẫu cho giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Ông Trump vốn đã không ưa JCPOA thì làm gì có chuyện sử dụng mô hình giải pháp này cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, nên sẽ càng thêm bế tắc trong quan hệ của Mỹ với Triều Tiên.

Tuy cùng có tên gọi chung là chương trình hạt nhân và tên lửa, nhưng ở Triều Tiên và ở Iran có khác biệt rất lớn và rất cơ bản về nhiều khía cạnh, nên không thể có giải pháp cụ thể giống nhau được. Cái khó đặc thù này hiện phía Mỹ chưa khắc phục nổi.

Xem ra, thực chất ý đồ của ông Trump và cộng sự đối với Iran không phải đơn thuần là huỷ bỏ hay tiếp tục tham gia JCPOA mà nếu có thể được thì xoá sổ JCPOA để chơi ván bài khác với Iran, bao hàm cả chương trình hạt nhân lẫn chương trình tên lửa của nước này - vì JCPOA chỉ liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran; đến nỗ lực ngăn cản sự trỗi dậy của Iran về chính trị, quân sự, kinh tế, trở thành cường quốc khu vực; đến chuyện dân chủ và nhân quyền ở Iran.

Gai mắt với thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Trump muốn bỏ ván bài cũ, chơi ván mới? - Ảnh 2.

Nói theo cách khác, phía ông Trump muốn một cuộc chơi mới với Iran mà Mỹ không bị ràng buộc bởi cam kết đa phương cũ, lại có thể có được nhiều cớ và dịp làm găng, cũng như gây áp lực với Iran.

Từ đó, cũng có thể dự liệu thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Iran ở thời chính quyền của ông Trump ở Mỹ khó có thể được cải thiện, thậm chí còn có thể xấu đi.

Phía Iran phải rất khôn khéo và tỉnh táo để không sa vào cái bẫy này của Mỹ, phải chủ động và tích cực tranh thủ các đối tác khác, đặc biệt Trung Quốc, Nga và EU, để phía Mỹ không thể gây dựng được cuộc chơi mới cho riêng Mỹ và Iran mà sẽ bị cô lập hoàn toàn nếu tới đây quyết định xoá bỏ JCPOA.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại