Ô nhiễm không khí do tắc đường tổn hại nặng nề đến trẻ em

Ly Hồ |

Kết quả nghiên cứu mới này củng cố bằng chứng trước đó cho thấy, ô nhiễm không khí gây ra mất cân bằng oxi hóa làm hư hại lipid, protein và DNA.

Một báo cáo nghiên cứu trên Tạp chí Y học Lao động và Môi trường (Hoa Kỳ) cho thấy, trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi mức độ ô nhiễm không khí liên quan đến giao thông có dấu hiệu hư hại DNA được gọi là sự rút ngắn telomere (telomere shortening).

Telomere là những trình tự lặp lại của DNA ở các đầu mút của nhiễm sắc thể. Mặc dù cũng được cấu thành từ các đơn phân nucleotide, nhưng telomere không mã hóa cho protein.

Ngoài chức năng trên, chúng còn bảo vệ các nhiễm sắc thể trong quá trình phân bào, giữ cho các nhiễm sắc thể không dính vào nhau.

Nghiên cứu sơ bộ được John R. Balmes (ĐH California) và các đồng nghiệp tiến hành. Báo cáo viết: "Những kết quả của chúng tôi cho thấy độ dài telomere có tiềm năng sử dụng như là một dấu hiệu sinh học của sự hư hại DNA do phơi nhiễm với môi trường và/hoặc viêm mãn tính".

Cuộc nghiên cứu bao gồm 14 trẻ em và thanh thiếu niên sống ở Fresno, California - thành phố ô nhiễm thứ hai ở Mỹ. 

Các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá mối quan hệ giữa các hydrocacbon thơm polynuclear PAH - chất gây ô nhiễm không khí phổ biến gây ra bởi khí thải xe cơ giới và sự rút ngắn telomeres - một loại tổn thương ADN thường liên quan đến sự lão hóa.

Tiếp xúc với PAH tăng lên tỉ lệ thuận với sự giảm chiều dài telomere. Trẻ em và thanh thiếu niên bị hen suyễn cũng phơi nhiễm với mức PAH cao hơn những trẻ không bị hen.

Mối quan hệ giữa mức PAH và sự rút ngắn telomere vẫn còn đáng kể sau khi các nhà khoa học tiến hành kiểm soát bệnh hen suyễn và các yếu tố khác (tuổi tác, giới tính, chủng tộc, dân tộc) liên quan đến chiều dài telomere.

Ô nhiễm không khí do tắc đường tổn hại nặng nề đến trẻ em - Ảnh 1.

Trẻ em và thiếu niên dễ bị tổn thương hơn trước những tác động gây hại của ô nhiễm không khí - Ảnh: Fotolia

Nghiên cứu củng cố thêm bằng chứng trước đó cho rằng, ô nhiễm không khí gây ra mất cân bằng oxi hóa, có thể hư hại lipid, protein và DNA.

Nghiên cứu đã gợi ý, trẻ em có thể có quy trình rút ngắn telomere khác người lớn, điều này khiến chúng dễ bị tổn thương hơn trước những tác động gây hại của ô nhiễm không khí.

Tiến sĩ Balmes và các đồng tác giả kết luận: "Kiến thức sâu hơn về tác động của ô nhiễm không khí ở mức độ phân tử rất cần thiết để thiết kế các can thiệp hiệu quả".

Với các nghiên cứu sâu hơn, telomere có thể cung cấp một công cụ đánh giá sinh học mới để phản ánh những ảnh hưởng của phơi nhiễm ô nhiễm không khí. Telomere cũng có thể cung cấp những hiểu biết mới về ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người như thế nào.

Nguồn: Science Daily

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại