Hải quân và Đặc công Việt Nam - Những chuyến xuất quân ấn tượng

Bài, ảnh: NGUYỄN HÒA |

Năm 2016, Hải quân nhân dân Việt Nam và lực lượng Đặc công đã có những chuyến công tác để lại ấn tượng và thành công.

Kỳ 1: Trong hành trình diễn tập đa quốc gia

Lần đầu tiên tàu chiến Hải quân và lực lượng Đặc công Việt Nam tham gia Diễn tập đa quốc gia trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) về An ninh hàng hải và Chống khủng bố 2016, do Bru-nây và Xin-ga-po đồng tổ chức.

Trong một chuyến đi khác, Tàu 011 Đinh Tiên Hoàng có chuyến hành trình xuyên Thái Bình Dương, qua eo biển Ma-lắc-ca tới Ấn Độ Dương dự Lễ duyệt binh tàu Hải quân quốc tế, tại Ấn Độ. Những chuyến đi đánh dấu bước trưởng thành mới của Hải quân, Đặc công của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phóng viên may mắn

So với nhiều đồng nghiệp, chúng tôi là những phóng viên may mắn khi được chứng kiến những "lần đầu tiên" quan trọng mà lực lượng Hải quân và Đặc công Việt Nam, khi hai lực lượng này tham dự các sự kiện lớn của khu vực.

Chúng tôi được cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia các hoạt động với thủy thủ đoàn của hai tàu Hải quân (tàu 011 Đinh Tiên Hoàng và tàu 381) trong hai chuyến hành trình từ Việt Nam tới Xin-ga-po, rồi xuyên qua eo biển Ma-lắc-ca để tới Ấn Độ Dương mênh mông...

Được may mắn chứng kiến nhiều cung bậc "cảm xúc", khi thì êm ả, khi thì dữ dội của Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương trong hành trình hơn 10.000km. Được may mắn đi qua eo biển Ma-lắc-ca tấp nập.

Những cảnh đẹp kỳ vĩ của biển, của mặt trời, của mây hòa trong những nụ cười thân thiện, mến khách của những con người nơi bến cảng, thành phố, những căn cứ tàu buông neo...

Hải quân và Đặc công Việt Nam - Những chuyến xuất quân ấn tượng - Ảnh 1.

Xuồng cao tốc của đặc nhiệm áp mạn tàu tấn công khủng bố.

Không chỉ được trải nghiệm cuộc sống trên tàu chiến, chúng tôi còn may mắn được trải nghiệm cuộc sống với những người lính Đặc công Việt Nam và đặc nhiệm của nhiều quốc gia như: Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc... ở Trại huấn luyện đặc nhiệm Pasir Ris Camp ở Xin-ga-po.

Tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan khi đã vào đây đều có "tiêu chuẩn" như nhau: Ăn cơm tập thể, ngủ không điều hòa, tắm ở nhà tắm công cộng... Ở Trại huấn luyện này, việc chụp ảnh bị nghiêm cấm. Sĩ quan chỉ huy ở đây cho biết, các thiết bị luyện tập là độc quyền.

Thứ hai, tất cả những lính đặc nhiệm khi tham gia lực lượng chống khủng bố sẽ không được phép chụp ảnh mà chưa hóa trang. Đây là vấn đề rất quan trọng trong quá trình chiến đấu sau này, cũng như bảo đảm an ninh cho cá nhân và gia đình các thành viên tham gia các đội chống khủng bố.

Chúng tôi rất tự hào khi chứng kiến vị ngọt ngào, hương vị thân thuộc của bát phở Việt Nam nấu tại Căn cứ Hải quân Changi được những người lính Hải quân Xin-ga-po cảm nhận, chia sẻ, xuýt xoa, tấm tắc khen.

Đó là giây phút lắng lòng khi tàu 011 Đinh Tiên Hoàng cùng thủy thủ đoàn đón Giao thừa ở vùng biển Vi-xa-kha-pát-nam của Ấn Độ.

Một miếng bánh chưng, một lễ chào cờ đầu năm mới giữa Ấn Độ Dương, trong nắng mới, trong bảng lảng sương khói vùng Vi-xa-kha-pát-nam, giữa hàng trăm tàu chiến lớn là cảm giác vô cùng đặc biệt, không phải ai cũng may mắn được chứng kiến, được tham dự.

Hải quân và Đặc công Việt Nam - Những chuyến xuất quân ấn tượng - Ảnh 2.

Sĩ quan Hải quân Xin-ga-po rất vui khi được ăn phở Việt Nam do các đầu bếp của Hải quân nhân dân Việt Nam nấu ngay tại Căn cứ Hải quân Changi, Xin-ga-po.

Giữa cái nắng đầu hè, cái gió biển mặn mòi của hành trình dài dằng dặc trên biển, trong những bức ảnh chụp được, vẫn còn đó những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán những khuôn mặt trẻ măng của cánh lính đặc nhiệm đến từ Nga, từ Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia... khi họ tham gia luyện tập tình huống tấn công khủng bố trên tàu, giải cứu các con tin.

Những động tác dứt khoát, những tiếng hô đanh gọn, tiếng xé sóng rèn rẹt của xuồng cao tốc, tiếng trực thăng sầm sập, quạt tung một vùng nước biển. Bóng lính đặc nhiệm thoăn thoắt chiếm lĩnh từng khoang tàu... trong mịt mù khói nước.

Vẫn còn đó, lâng lâng, bâng khuâng, tự hào cảm giác ngồi xuồng cao tốc với lực lượng đặc nhiệm hải quân đa quốc gia xé sóng ở vận tốc tới 80km/giờ trên biển. Chiếc xuồng như muốn bay khỏi mặt nước trong khi cánh lính đặc nhiệm vẫn vui đùa sau màn diễn tập. Gió biển vun vút, loang loáng, giần giật.

Chiếc máy ảnh trên tay tôi rung lên bần bật, chực bay ra khỏi tay. Chân tôi đứng không muốn vững khi muốn chụp vài bức hình ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này. Một sĩ quan đặc nhiệm người Nga đã đỡ lấy thân để giúp tôi có "trụ" vững hơn mà chụp ảnh.

Cái cảm giác "ghê ghê" đầy thích thú khi xuồng "vào cua" trên đoạn bờ biển ở Bru-nây thật khó tả. Một vệt nước hình cánh cung hất lên cao. Ba chiếc đi sau cũng "vào cua" tạo thành ba vệt sóng hình cánh cung, tung bọt trắng xóa, lung linh dưới ánh mặt trời trên bến cảng Muara (Bru-nây ).

Diễn tập xuyên quốc gia

Cuối tháng 4-2016, chúng tôi có mặt trên tàu 381, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. Tất cả cán bộ, sĩ quan, thủy thủ đoàn ai cũng xúc động, tự hào, bởi đây là lần đầu tiên Quân chủng Hải quân được phép đưa tàu chiến đi tham gia diễn tập quốc tế.

Sau những hồi còi da diết chào tạm biệt quân cảng Cam Ranh, Tàu 381 chở theo đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân hành trình tới Bru-nây và Xin-ga-po tham gia Diễn tập thực địa ADMM+ về An ninh hàng hải và Chống khủng bố 2016, do Bru-nây và Xin-ga-po đồng tổ chức, theo lời mời của Bộ Quốc phòng Bru-nây và Bộ Quốc phòng Xin-ga-po.

Chương trình diễn tập kéo dài 10 ngày đầu tháng 5-2016 chia làm hai phần tại hai nước. Tại Bru-nây, các nước ADMM+ tham gia diễn tập triển khai nội dung diễn tập an ninh hàng hải, chống khủng bố thâm nhập tàu, giải cứu con tin...

Phần này, các lực lượng thuộc Quân chủng Hải quân tham gia diễn tập với Hải quân và lực lượng chống khủng bố thuộc Hải quân các nước ADMM+. Còn tại Xin-ga-po là triển khai nội dung diễn tập chống khủng bố trên bờ, khu vực cảng và vùng bờ biển. Phần nội dung này có sự tham gia của lực lượng Đặc công của Việt Nam.

Hải quân và Đặc công Việt Nam - Những chuyến xuất quân ấn tượng - Ảnh 3.

Lực lượng Đặc công Việt Nam đột kích khủng bố.

Tham dự cả hai cuộc diễn tập có hàng chục tàu hải quân, máy bay các loại, lực lượng đặc công, đặc nhiệm...

Trong đó, tại cuộc diễn tập an ninh hàng hải có 19 tàu, 15 máy bay quân sự của các nước ADMM+ hợp thành lực lượng an ninh hàng hải hỗn hợp đa quốc gia TF 383, được chia làm 3 nhóm chiến thuật.

Nhóm chiến thuật TG 383.1, bao gồm tàu Hải quân các nước: Bru-nây, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Mỹ. Nhóm chiến thuật TG 383.2, bao gồm tàu Hải quân các nước: Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Nga, Thái Lan, Việt Nam.

Nhóm chiến thuật TG 383.3, bao gồm 2 máy bay tuần thám biển: Máy bay P3C Orion của Australia và P8 Poseidon của Mỹ...

Còn tại diễn tập chống khủng bố, các đội đặc nhiệm, đặc công của các nước thành viên ADMM+ sẽ phối hợp với nhau theo kịch bản đã thống nhất, phối hợp sử dụng lực lượng trấn áp khủng bố, giải phóng con tin, tàu hàng... đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu, người và khu vực biển...

Hải quân và lực lượng Đặc công Việt Nam tham dự hầu hết các nội dung hoạt động của hai cuộc diễn tập. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử tàu chiến tham dự diễn tập quốc tế, vì vậy công tác chuẩn bị đã được làm tốt để chuyến công tác đạt được kết quả theo mong đợi.

Nhấn mạnh ý nghĩa của lần tham gia diễn tập này, Đại tá Lê Xuân Thủy, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cho biết: Việt Nam tham gia Diễn tập thực địa ADMM+ về An ninh hàng hải và Chống khủng bố 2016 không chỉ nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng song phương với hai nước Bru-nây và Xin-ga-po, mà hoạt động còn là việc thể hiện trách nhiệm quốc gia của Việt Nam trong xây dựng lòng tin, tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước thành viên ADMM+. Tham gia diễn tập thực địa ADMM+ về An ninh hàng hải và chống khủng bố còn là cơ hội để Quân đội nhân dân Việt Nam học hỏi, tham khảo công tác tham mưu, phương thức tiến hành các chiến dịch An ninh hàng hải và chống khủng bố đa phương.

Thông qua các hoạt động diễn tập, các thành viên ADMM+ tiếp tục duy trì hợp tác thiết thực về an ninh hàng hải và chống khủng bố trong khuôn khổ ADMM+; tăng cường khả năng tương tác, chia sẻ thông tin và phản ứng với thách thức an ninh hàng hải và chống khủng bố hiện nay.

Diễn tập thực địa ADMM+ năm 2016 có sự góp mặt của lực lượng hải quân và đặc nhiệm hùng hậu của 18 quốc gia trong khuôn khổ ADMM+. Hoạt động diễn tập diễn ra với ba nội dung chính: Diễn tập chỉ huy tham mưu tại bờ; diễn tập thực binh trên bờ và diễn tập thực binh trên biển.

Hai chủ đề của diễn tập là An ninh hàng hải và chống khủng bố trên vùng biển của lãnh thổ hai nước Bru-nây và Xin-ga-po. Đây là hai nội dung được đánh giá là rất thực tế và là một bước tiến vượt bậc trong việc hợp luyện kỹ chiến thuật giữa các lực lượng quân sự các nước và được hỗ trợ bởi các công cụ điều hành, phục vụ diễn tập hiện đại.

Cuộc diễn tập đã mang tới những kinh nghiệm quý báu cho các nước trong việc vận hành sở chỉ huy tác chiến, hiệp đồng tác chiến cả trên biển và trên bộ; quan trọng nhất là thể hiện được sự đoàn kết, thống nhất cao độ của các nước ADMM+ trong việc bảo vệ an ninh trên biển và đối phó với thách thức khủng bố.

Hải quân và Đặc công Việt Nam - Những chuyến xuất quân ấn tượng - Ảnh 4.

Động tác điêu luyện của lực lượng chống khủng bố các nước ADMM+.

Kịch bản của cuộc diễn tập lần này, cũng được các đoàn nhận định là khoa học, bí mật từng giai đoạn, do vậy có nhiều tình huống bất ngờ, có sự liên kết liền mạch, phản ánh được sát thực tình hình an ninh trong khu vực hiện nay.

Nội dung của từng giai đoạn kịch bản năm 2016 được sĩ quan chỉ huy các nước đánh giá cao và đang được bàn thảo, rút kinh nghiệm để trở thành kịch bản chuẩn mang tính khuôn mẫu cho các kịch bản sẽ xây dựng sau này phục vụ các cuộc diễn tập chung giữa các nước trong khu vực trong thời gian tới.

Diễn tập thực địa ADMM+ chính là bước tiến lớn không chỉ trong lĩnh vực hợp tác quân sự mà còn sâu rộng hơn trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, góp phần thúc đẩy quyết tâm đoàn kết, hợp tác cùng nhau phát triển lâu dài giữa các nước thành viên.

Tại tổng kết chuyến công tác nhiệm vụ tham gia Diễn tập thực địa ADMM+ về An ninh hàng hải và Chống khủng bố 2016 tại Bru-nây và Xin-ga-po, đại diện các nước khi tham gia các nội dung đã đánh giá đây là một trong những cuộc diễn tập chung đa quốc gia lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á xét về quy mô, tính chất và khả năng.

Diễn tập diễn ra trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh hàng hải, khủng bố trong khu vực ngày một gia tăng. Diễn tập ADMM+ năm 2016 là một lời khẳng định đanh thép của các nước trong quyết tâm cùng nhau xóa sạch những mối nguy hại đối với các quốc gia này.

Cuộc diễn tập có nội dung đa dạng, tình huống sát thực, tính đối kháng cao; đối tượng diễn tập, khả năng liên kết các lực lượng và mức độ khó tăng cao theo từng giai đoạn, xứng tầm với một cuộc diễn tập đa quốc gia.

Đánh giá riêng về đoàn Việt Nam, Ban tổ chức tại Bru-nây và Xin-ga-po đều đánh giá cao Việt Nam trong lần đầu tiên cử tàu chiến và lực lượng đặc công tham gia diễn tập quốc tế. Đoàn Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Kỳ 2: Những bài học lớn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại