Kỷ lục
Thực ra, kỷ lục sẽ được thiết lập không phải về độ giãn nước, mà về chiều dài của con tàu. Chiếc tàu ngầm nguyên tử dài nhất hiện nay là "Akula" thuộc đề án 941 với chiều dài 172,5m, nhưng "Belgorod" còn dài hơn 12m – tổng cộng 184m.
"Belgorod" là chiếc tàu ngầm được hoàn thiện của đề án nâng cấp các tàu ngầm "Antey" (đề án các tàu ngầm mang tên lửa hành trình 949A) sau khi nó bị tạm dừng vào năm 2006. Chiếc tàu khi đó đã hoàn thiện được gần 76%.
Lễ khởi đóng cho chiếc tàu ngầm mới sử dụng thân vỏ của chiếc chưa hoàn thiện đã diễn ra vào tháng 12/2012.
Trên các phương tiện thông tin chính thống của Nga, "Belgorod" được gọi là chiếc tàu ngầm hạt nhân phục vụ hoạt động nghiên cứu, chuyên chở các thiết bị lặn hoạt động độc lập và không độc lập. Khách hàng đặt mua cỗ máy này là Cơ quan nghiên cứu đáy biển (GUGI) thuộc Bộ Quốc phòng Nga.
Dự kiến "Belgorod" sẽ thực hiện công tác nghiên cứu đáy biển thềm lục địa Bắc Cực của Nga, tìm kiếm ở các độ sâu lớn những nguồn khoáng sản, cũng như lắp đặt các hệ thống ngầm. Cụ thể, với sự hỗ trợ của các máy lặn sâu, các modul nguyên tử ngầm dưới biển sẽ được lắp đặt nhằm mục đích nạp năng lượng cho các máy lặn hoạt động độc lập.
Đồ họa tàu ngầm Belgorod.
Chiếc tàu ngầm này sẽ đảm bảo công tác triển khai hệ thống kiểm soát dưới đáy biển toàn cầu mà quân đội Nga sẽ xây dựng dưới đáy các vùng biển ở Bắc Cực.
Tất cả chiến dịch này thường xuyên được các đại diện của Hải quân Nga né tránh trả lời trực tiếp theo kiểu: "theo một vài dữ liệu", "có cơ sở để phỏng đoán", "nhiều khả năng"…
Lý do chủ yếu của những câu trả lời quanh co - "Belgorod" cũng như một chiếc tàu ngầm khác thuộc đề án 09851 đang được đóng tại Severodvinsk với tên gọi "Khabarovsk", là những tàu ngầm được giữ bí mật nhất của Hạm đội Hải quân Nga.
Và Cơ quan nghiên cứu đáy biển không hề liên quan tới các tàu ngầm này. Điều này được chứng minh bằng việc không có bất cứ đại diện nào của GUGI tham dự lễ khởi đóng cho cả hai chiếc tàu ngầm nói trên.
Ngư lôi bí mật
Có căn cứ khá thuyết phục để phỏng đoán rằng, những tàu ngầm này sẽ mang các ngư lôi chiến lược không người lái sử dụng lò phản ứng hạt nhân làm động cơ, có tầm bắn đặc biệt, có trí tuệ nhân tạo và đầu đạn hạt nhân 100 megaton. Ngư lôi này có tên gọi là "Status-6".
Có hai minh chứng chính cho thấy sự tồn tại thực sự của ngư lôi Status-6.
Hồi cuối tháng 11 năm ngoái, phóng viên tờ Washington Free Beacon, ông Bill Gertz đăng tải bài viết sử dụng nguồn tin từ cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có đề cập tới việc các thủy thủ Nga đã tiến hành thử nghiệm thành công "tàu ngầm nguyên tử không người lái có khả năng mang đầu đạt hạt nhân sức công phá nhiều megaton".
Tham gia vào cuộc thử nghiệm nêu trên có chiếc tàu ngầm đặc nhiệm B-90 "Sarov". Ông Gertz gọi vũ khí này là mang tính cách mạng bởi vì các kỹ sư Mỹ và các quốc gia có trình độ công nghệ phát triển khác trên thế giới chưa hề nghĩ tới ý tưởng này.
Phóng viên Gertz chỉ khẳng định sự tồn tại của "Status-6". Lần đầu tiên nó được biết đến vào cuối năm 2015, khi trong chương trình truyền hình trực tuyến tổng thống Nga Vladimir Putin đã "lỡ để lộ thông tin tuyệt mật".
Không có gì phải nghi ngờ, đây là kế hoạch có chủ ý: Nhờ đó, tín hiệu đã được truyền sang bên kia bờ Đại Tây Dương liên quan tới việc loại vũ khí mới này có thể xuyên thủng vành đai phòng thủ Bắc Mỹ và có khả năng phá hủy với quy mô còn mạnh hơn gấp vài lần các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Một tàu ngầm nguyên tử của Nga. Ảnh minh họa.
Có nghĩa đây không chỉ là câu trả lời tương xứng đối với việc hệ thống phòng thủ chống tên lửa được xây dựng tại châu Âu, mà còn đối với quyết định triển khai các đơn vị của NATO tại Ba Lan và Cận Baltic, và đối với những hành động tiềm ẩn nhiều sự khiêu khích từ phía Washington nhằm vào Nga.
Việc các chuyên gia phương Tây giải mã bức ảnh xuất hiện trên 2 kênh truyền hình trung ương Nga cho thấy có đầy đủ thông tin để hiểu được thiết bị lặn không người lái "Status-6" do Phòng Thiết kế "Rubin" nghiên cứu chế tạo là gì.
Đã có một số tính năng được nêu ra: "Nhiệm vụ – tiêu diệt các cơ sở quan trọng về kinh tế của đối phương ở khu vực bờ biển và gây ra thiệt hại đáng kể cho lãnh thổ của đối phương bằng việc tạo nên những khu vực không thể triển khai các hoạt động quân sự, kinh tế - xã hội và những hoạt động khác trong một thời gian dài do bị nhiễm phóng xạ".
Ý tưởng siêu ngư lôi hạt nhân không phải mới. Vào thập niên 60, Liên Xô đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo T-15 với đầu đạn có sức công phá tương đương 100 megaton. Tuy nhiên, vào thời điểm đó không có vật liệu cũng như công nghệ cho phép biến ý tưởng này thành sản phẩm cụ thể.
Các động cơ điện chạy bằng ắc quy dung tích nhỏ chỉ có thể phóng được quả ngư lôi nặng 40 tấn với chiều dài 24m không quá 30km.
Có nghĩa là chiếc tàu mang T-15 phải vượt qua được hệ thống phòng thủ chống hạm dày đặc dọc bờ biển nước Mỹ - điều gần vô cùng khó khăn. Và việc quả ngư lôi đó sẽ kích nổ chỉ cách 30km có thể coi là tự sát đối với chiếc tàu phóng nó.
Từ đó tới nay, công nghệ đã tiến một bước dài. Như trong tấm ảnh được giải mã có thể thấy thiết bị lặn không người lái được trang bị lò hạt nhân công suất 8MW mà giúp cho nó có thể di chuyển không hạn chế khoảng cách. Có nghĩa là đối với "Status-6", khoảng cách giữa châu Âu và Mỹ không còn là vấn đề.
Thiết kế của Status-6.
Theo tính toán, kiểu thiết bị này có thể chỉ có thể bị phát hiện bằng máy dò âm nhạy nhất ở khoảng cách không xa hơn 2-3km. Có nghĩa là "Status-6" tạo ra tiếng ồn thấp hơn cả chiếc tàu ngầm Kilo tiếng ồn thấp nhất nhất trên thế giới "Varshavyanka".
Các động cơ giúp nó có thể đạt được vận tốc tối đa từ 100km đến 185km/h. Độ sâu hoạt động tối đa – 1000m. Và thêm một điểm ưu việt của "Status-6" - đó là robot ngầm này có trí tuệ nhân tạo và có khả năng hành động độc lập.
Căn cứ vào những tính năng tuyệt vời về vận tốc, khả năng khó bị phát hiện và độ lặn sâu, "Status-6" có thể vượt qua được hệ thống phòng thủ chống hạm của Mỹ.
Thậm chí trong trường hợp nó bị hệ thống thủy âm chống hạm SOSSUS, mà đang kiểm soát toàn bộ bờ biển nước Mỹ trước những cuộc xâm nhập ngầm dưới nước, phát hiện nó vẫn có thể dễ dàng tránh được mọi ngư lôi của NATO ở tốc độ tối đa.
Thêm vào đó, sở hữu trí tuệ nhân tạo, "Status-6" có khả năng thực hiện các thao tác chuyển động phức tạp.
Ngư lôi phóng nhanh nhất của Mỹ Mark-54 dù có vận tốc 74km/h nhưng cũng vẫn thua "Status-6" tối thiểu 26km/h. Ngư lôi phóng ở độ sâu nhất của châu Âu MU90 Hard Kill với vận tốc tối đa 90km/h cũng không thể bắn xa quá 10km.
Chiến lược sử dụng "Status-6" có thể được đa dạng hóa. Nó có thể sử dụng như một vũ khí tấn công hay vũ khí kiềm chế. Đối với khả năng thứ hai, nó có thể đi tới điểm tập kết và lặn sâu xuống đáy biển để chờ tín hiệu phóng đầu đạn.
Tín hiệu có thể được truyền theo kênh sóng siêu dài bởi vì chỉ có sóng siêu dài mới có thể vượt qua được chiều sâu của nước biển. Đó là vũ khí kiềm chế có khả năng khai hỏa tức thì mà không mất thời gian di chuyển tới nơi điểm tập kết.
Và đó sẽ là yếu tố kiềm chế đủ sức mạnh mà không thể không tính đến. Bởi vì đầu đạn của "Status-6" có thể biến cả một lãnh thổ rộng lớn nhiễm phóng xạ. Với vận tốc gió là 26km/h thì các đám mây mang chất phóng xạ có thể làm khu vực bờ biển diện tích 1700x300km bị nhiễm.
"Status-6" có khả năng tiêu diệt các căn cứ hải quân, những biên đội tàu sân bay tấn công, các căn cứ không quân trên đất liên. Tất cả những khả năng này đã được chính người Mỹ kiểm chứng. Vào năm 1946, Hải quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm một vụ nổ nguyên tử ngầm dưới đáy biển với sức công phá tương đương 23kiloton.
Kết quả là chiếc tàu sân bay mới cứng "Independent" vừa được hạ thủy của Mỹ vào năm 1943 đã bị hư hỏng và bắt buộc phải đánh chìm sau 4 lần nỗ lực hủy kích hoạt bất thành. Nhưng đầu đạn của "Status-6" còn có sức công phá lớn hơn gấp nhiều lần.