4 điểm yếu chết người của tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc

Thiên Nam |

Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc đã tới đảo Hải Nam, chuẩn bị hoạt động ở khu vực Biển Đông. Vậy năng lực tác chiến của chúng như thế nào?

Biên chế của Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh

Ngày 25/12 vừa qua, Cục Cục Phụ tá Giám sát (tương đương Bộ tổng tham mưu) của Bộ quốc phòng Nhật Bản cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc đã lần đầu tiên đi xuyên qua eo biển Miyako vào phía tây Thái Bình Dương tiến hành một cuộc huấn luyện viễn dương thực thụ.

Người phát ngôn của hải quân Trung Quốc là Lương Dương cho biết, đây là lần đầu tiên biên đội tàu sân bay Liêu Ninh mang theo các chiến hạm hiện đại nhất của Trung Quốc và số lượng lớn tiêm kích hạm J-15 xuyên phá qua “Chuỗi đảo Thứ nhất”, do đó, đích thân Tư lệnh Hải quân, Ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã trực tiếp đi theo chỉ huy biên đội.

Hành quân từ Bột Hải đến Hoàng Hải và xuống Đông Hải, Liêu Ninh đã vừa đi vừa huấn luyện theo phương châm “hợp thành, hệ thống và thực chiến hóa”, hiệp đồng chỉ huy tác chiến giữa biên đội tàu hộ tống và nhóm không quân hạm, đồng thời kiểm tra khả năng tiếp tế trên biển.

Trước đó, vào ngày 15/12, tại căn cứ hải quân bí mật trên biển Bột Hải, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã tổ chức diễn tập các khoa mục chiến đấu không đối không, không đối hạm, hạm đối hạm, với sự tham gia của các lực lượng hải quân Hạm đội Bắc Hải.

Trong chuyến hành quân ra Thái Bình Dương, tàu sân bay Liêu Ninh được cho là mang theo một biên đội hộ tống đầy đủ cả tàu ngầm và tàu mặt nước và tiến hành huấn luyện các khoa mục chiến đấu và thử nghiệm một số thiết bị ở Tây Thái Bình Dương.

4 điểm yếu chết người của tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc  - Ảnh 1.

Tàu sân bay Liêu Ninh và tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc bị coi là có năng lực kém

Sau đó, những ngày cuối năm 2016, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã di chuyển tới đảo Hải Nam, chuẩn bị xuống huấn luyện ở khu vực Biển Đông. Vậy sức mạnh thực sự của nó là như thế nào, đứng ở đâu nếu so sánh với biên đội hàng không mẫu hạm của Nga, Mỹ?

Trong lĩnh vực quan trọng nhất đối với một biên đội tàu sân bay là cơ cấu lực lượng không quân hạm, giới chức lãnh đạo hải quân Trung Quốc cho biết, CV 16 Liêu Ninh có thể mang được tổng số 36 máy bay chiến đấu cánh cố định và máy bay trực thăng các loại.

Cụ thể gồm có: 24 chiếc tiêm kích hạm J-15 (có khả năng tiếp dầu đồng đội, nâng cao thời gian lưu không và phạm vi tác chiến trên biển, trên đất liền), 4 chiếc trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 hoặc Z-18J; 6 chiếc trực thăng chống ngầm Z-18F; 2 chiếc trực thăng tìm kiếm-cứu hộ Z-9C.

Theo tạp chí “Tàu thuyền thế giới”, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh được biên chế 03 tàu khu trục tên lửa làm nhiệm vụ phòng không hạm đội, 03 tàu hộ vệ tên lửa làm nhiệm vụ hộ tống và chống ngầm. Ngoài ra, biên đội được sự bảo đảm hậu cần, nhiên liệu từ 1 tàu bổ trợ tổng hợp viễn dương.

Cụ thể, biên đội tàu hộ tống Liêu Ninh gồm có: 03 tàu khu trục tên lửa là 173 Trường Sa (Type 052D) và 151 Trịnh Châu, 171 Hải Khẩu (đều thuộc Type 052C); 03 tàu hộ vệ tên lửa là 538 Yên Đài và 547 Lâm Nghi (đều thuộc Type 054A, nhiệm vụ hộ tống) và 01 tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ 594 Chu Châu (Type 056, chống ngầm); cùng với 01 tàu hậu cần tổng hợp 966 Cao Bưu Châu.

Các tàu mặt nước đều được trang bị các hệ thống tên lửa phóng thẳng đứng, 3 tàu có thể mang tổng cộng tới 200 tên lửa phòng không tầm xa.

Ngoài ra, biên đội này sẽ được biên chế một tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng, có thể mang tên lửa hành trình chống hạm/tấn công mặt đất. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thể xác định cụ thể tên tàu này, những có thể dự đoán chúng thuộc Type 093, vì Type 091 đã quá cũ và năng lực hạn chế.

Như vậy, về tổ chức, biên chế của nhóm tàu hộ tống cơ bản là dập khuôn theo mô hình Mỹ thu nhỏ, tuy nhiên, biên đội này vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết.

4 khiếm khuyết lớn của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh

Thứ nhất là điểm yếu về khả năng tấn công mặt đất

Khả năng tấn công mặt đất tầm xa bằng tên lửa hành trình vẫn còn hạn chế bởi sự phát triển của tên lửa hành trình “Đông Hải 10” (DH-10), một phiên bản hải quân của tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và phóng từ trên không là “Trường Kiếm 10” (CJ-10) vẫn còn rất “tù mù”.

Các tên lửa DH-10 chỉ được biên chế trên các khu trục hạm Type 052D vừa mới trình làng, còn lại 2 chiến hạm Type 052C đều không được thiết kế cho khả năng này. Do đó, khả năng tấn công mặt đất tầm xa để tiêm kích hạm rảnh tay kiểm soát trên không của Trung Quốc còn rất yếu.

Hơn nữa, các phiên bản CJ-10 đã hiện diện được vài năm nhưng hiện vẫn chưa có thông tin về các vụ thử nghiệm chính thức với tên lửa DH-10. Do đó, rất có thể là loại tên lửa này vẫn chưa phát triển hoàn thiện, còn chưa qua giai đoạn thử nghiệm phóng thực tế.

Thứ 2: Khả năng của tên lửa phòng không HHQ-9

Giới chức lãnh đạo quân đội Trung Quốc tuyên bố hệ thống phòng không hạm Hải Hồng Kỳ 9 (HHQ-9), là phiên bản trên hạm của hệ thống phòng không tầm trung-xa trên mặt đất là Hồng Kỳ 9 (HQ-9) có tính năng rất tiên tiến với tầm phóng lên tới 200km.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đang nghi ngờ về tầm phóng thực sự của nó, khi HQ-9 là phiên bản nội địa, được coi là nhái của S-300 Nga mới chỉ có tầm phóng 150km, nên rất khó để Trung Quốc tăng tầm phóng của HQ-9 trên hạm, với kích cỡ tên lửa nhỏ hơn.

Để làm được điều này, Bắc Kinh phải sở hữu công nghệ chế tạo vật liệu siêu nhẹ cho vỏ tên lửa (làm giảm trọng lượng) và công nghệ nén nhiên liệu (tăng tầm xa tên lửa) hàng đầu thế giới, mà trong lĩnh vực này, Trung Quốc vẫn còn kém xa Nga về công nghệ.

Thứ 3: Tiêm kích hạm số lượng ít, chất lượng kém

Một vấn đề rõ ràng là do Liêu Ninh có lượng giãn nước hơn 60.000 tấn, thuộc loại tàu sân bay kiểu cầu bật, không có máy phóng nên số lượng tiêm kích hạm ít, trọng lượng chất tải vũ khí thấp, do đó, năng lực tác chiến của nhóm hàng không tàu sân bay rất thấp.

4 điểm yếu chết người của tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc  - Ảnh 3.

Các tàu trong biên đội hộ tống Liêu Ninh có tính năng chưa hoàn thiện

Về mặt chất lượng, do J-15 là phiên bản nhái của Su-33 Nga đã sản xuất theo công nghệ cũ từ thập niên 80 của thế kỷ trước, hơn nữa nó lại sử dụng động cơ Trung Quốc tự sản xuất là WS-10A Thái Hàng nên tốc độ, khả năng linh hoạt và mức độ tin cậy rất kém.

Trên thực tế, tàu sân bay Liêu Ninh chỉ mang được tối đa 24 tiêm kích hạm J-15, trong đó mỗi chiếc nếu mang đầy nhiên liệu (hơn 9 tấn) thì chỉ mang được hơn 2 tấn vũ khí, chưa bằng một nửa so với các tiêm kích hạm dòng F/A-18 E/F Super Hornet của Mỹ.

Thứ 4: Khả năng chỉ huy-cảnh báo sớm, khả năng tác chiến điện tử kém

Cũng do hạn chế cố hữu của tàu sân bay kiểu cầu bật, không có máy phóng nên Liêu Ninh không thể mang được máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm và máy bay trinh sát-tác chiến điện tử cánh cố định (do các loại máy bay này tốc độ thấp, khả năng gia tốc kém nên không tích lũy đủ tốc độ cất cánh).

Do đó, cũng như Nga, Trung Quốc buộc phải sử dụng máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 hoặc Z-18J, không có máy bay chiến điện tử. Do đó, không thể mở rộng phạm vi quan sát, hạn chế đến khả năng tác chiến tầm xa của biên đội tàu và các tiêm kích hạm.

Trong tác chiến chiếm lĩnh ưu thế trên không cường độ cao, việc không có máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không sẽ làm giảm khả năng tác chiến hiệp đồng của các tiêm kích hạm, khó khăn trong việc đối phó với các phương tiện tác chiến tầm xa, số lượng đông đảo của kẻ địch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại