Hôm 10/12, khi tham dự hội nghị an ninh khu vực tổ chức tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Manama, Bahrain, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter thông báo Mỹ đã thông qua thỏa thuận cung cấp cho Qatar loại radar cảnh báo sớm tầm xa do tập đoàn Raytheon chế tạo.
Washington cho biết, quyết định này là nhằm giúp Qatar "đối phó với mối đe dọa tên lửa đạn đạo trong khu vực".
"Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận cho phép Qatar mua radar cảnh báo sớm với tầm hoạt động 5.000km để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa" – ông Carter nói.
Giới quan sát bên ngoài suy đoán, "mối đe dọa" ở đây chính là tên lửa của Iran.
Radar AN/FPS-132 mà Mỹ bán cho Qatar là loại radar phòng thủ tên lửa rất mạnh.
Mặc dù giá trị hợp đồng ước tính lên tới 1,1 tỷ USD (bao gồm thiết bị đi kèm, huấn luyện, phụ tùng) nhưng đổi lại Qatar lại có được mẫu radar nguyên bản, thay vì phiên bản thu nhỏ mà một số nước mua, vì vậy tính năng của nó càng mạnh.
Radar này có khả năng theo dõi nhiều mục tiêu và tính đoán điểm va chạm của đầu đạn.
Theo tờ Khaleej Times của UAE, trước đây, Mỹ mới chỉ cung cấp radar AN/FPS-132 cho các quốc gia đồng minh, nhưng lần này Washington đã phá lệ để bán cho một quốc gia phi đồng minh, có mối quan hệ hữu nghị.
Điều này cho thấy Qatar cũng sẽ trở thành thành viên quan trọng trong kế hoạch phòng thủ tên lửa đạn đạo toàn cầu của Mỹ. Đây cũng là hệ thống radar mà Mỹ triển khai tại nước ngoài.
Để đáp trả lại động thái này của Mỹ và Qatar, theo Khaleej Times, Iran có thể đề nghị mua tên lửa chống radar của Trung Quốc.
Nếu Tehran lựa chọn phương án này thì đây sẽ là một điều rất có lợi với Bắc Kinh, bởi họ có thể nhân cơ hội đó mở rộng hơn nữa thị trường vũ khí tại quốc gia Trung Đông.