Hoang phế dự án tiền tỉ

Quang Nhật |

Nhiều hồ xử lý nước thải nuôi tôm ở Thừa Thiên - Huế được đầu tư hàng tỉ đồng, chưa sử dụng một lần đã xuống cấp, bỏ hoang.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản trên cát ven biển xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế được thực hiện mở ra triển vọng về xử lý môi trường, góp phần giúp người nuôi tôm trên cát ven biển phát triển bền vững.

Thế nhưng, người dân địa phương đã sớm thất vọng về dự án này.

Thành nơi chăn thả trâu, bò

Theo quyết định phê duyệt, dự án này có tổng mức đầu tư 59 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 40 tỉ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh và các nguồn khác.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 đến 2016, do Ban Đầu tư và Xây dựng Phong Điền làm chủ đầu tư.

Dự án nhằm xây dựng hệ thống cấp nước mặn với 2 trạm bơm nước từ biển vào, các trạm bơm và hệ thống ống dẫn dài 11 km lấy nước ngọt từ sông Ô Lâu đến các vùng nuôi tôm, các ao xử lý nước thải của từng tiểu khu (trong đó đáy và mái ao được lót bạt chống thấm PE), hệ thống dẫn nước thải ra biển bằng ống nhựa hoặc ống cống bê-tông ly tâm với tổng chiều dài 8,8 km...

Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ thu gom nước thải khu vực nuôi trồng thủy sản trên cát ven biển với diện tích hơn 267 ha để xử lý bằng các hồ lắng theo công nghệ vi sinh rồi thải thẳng ra biển nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm của vùng Điền Hương và cả khu vực lân cận.

Giai đoạn năm 2013-2014, hệ thống xử lý nước thải (các ao hồ trải bạt) do Công ty CP Xây dựng - Thương mại Hà Mỹ Hưng và Công ty CP Xây dựng Hoàng Thiên làm nhà thầu thi công. Sau khi làm xong 3 hồ xử lý nước thải, tháng 12-2014, đơn vị thi công được chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng, thanh toán với số tiền 5,4 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Huy - một hộ nuôi tôm ở thôn Trung Đồng Đông, xã Điền Hương - cho biết gia đình ông có đến 5 ha nuôi tôm cạnh một hồ xử lý nước thải của dự án với diện tích hơn 3.000 m3, hoàn thành thi công vào năm 2014.

“Cứ tưởng dự án làm xong sẽ là nơi xử lý nước thải hồ tôm của dân, chúng tôi không cần dùng đường thủy đạo tự nhiên để đưa ra biển, giảm nguy cơ dịch bệnh. Vậy nhưng, hồ xây xong rồi mà đến giờ chúng tôi cũng phải tự xử lý hồ nuôi, dịch bệnh liên miên” - ông Huy lo lắng.

Theo quan sát của chúng tôi, hồ xử lý nước thải của dự án hiện chỉ còn là một cái ao trơ đáy, cỏ mọc um tùm, bạt chống thấm trải dưới đáy rách tơi tả, đường ống dẫn nước bị cát nêm chặt.

“Thỉnh thoảng, mấy người buôn nhôm nhựa vào xé, trộm bạt nhưng tôi không thấy người bảo vệ của dự án đâu” - ông Huy thắc mắc.

Cách đó không xa, hồ thu gom nước thải nằm trên vùng nuôi trồng thủy sản của nhóm hộ ông Trần Tấn Thành (thôn Trung Đồng Đông) cũng bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Xung quanh hồ được lát tạm những tấm bê tông dằn bạt bên dưới. Do lâu ngày không sử dụng, lớp bạt bị rách, bong tróc loang lỗ. Trong hồ cỏ mọc dày, nhiều hộ chăn nuôi dùng để thả trâu, bò.

“Người dân không mặn mà”

Ông Tô Huy Phương, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Hà Mỹ Hưng, cho rằng hồ bị hoang hóa, hư hỏng là do thiết kế không phù hợp làm cát vùi lấp hết.

Trong khi đó, bạt chống thấm giá rẻ, chỉ hơn 10.000 đồng/m2, tuổi thọ khoảng 2 năm. Vì vậy, việc hư hỏng sau một thời gian là “chuyện bình thường”.

“Công ty đã bỏ kinh phí nhiều lần để làm đi làm lại rồi. Chúng tôi cũng gửi cho chủ đầu tư 140 triệu đồng để khắc phục” - ông Phương cho biết.

Trong khi đó, theo ông Trịnh Đình Nhu, Giám đốc Ban Đầu tư và Xây dựng huyện Phong Điền, cả 3 hồ nêu trên đều có diện tích khoảng 3.000 m2, sâu 3 m, xây dựng bằng cách đào đắp, phía dưới trải bạt chống thấm được cố định bằng những tấm bê-tông nhỏ bên trên.

“Người dân không mấy mặn mà trong việc đấu nối dẫn nước thải vào hồ sau khi hoàn tất xây dựng, hồ không có nước nên bạt bị ảnh hưởng thời tiết, lâu ngày hư hỏng. Ngoài ra, còn do nhiều người vào xé bạt mang đi bán” - ông giải thích.

Theo ông Nhu, bạt được phê duyệt có giá thành 14.000-16.000 đồng/m2, chất lượng tốt, 2 năm thay một lần nên không phải do chất lượng.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ dùng nguồn kinh phí ký quỹ bảo hành của Công ty CP Xây dựng - Thương mại Hà Mỹ Hưng để tiến hành sửa chữa lại hồ bằng cách nạo vét, hút cát bồi lấp và trải lại bạt chống thấm” - ông Nhu cho biết.

Hồ dự án cao hơn hồ của dân?

Theo thiết kế, nước thải từ hồ tôm của người dân sẽ chảy về hồ xử lý theo cách tự nhiên chứ không dùng máy bơm.

Tuy nhiên, người dân tại khu nuôi trồng thủy sản Điền Hương cho rằng lòng hồ của dự án thiết kế cao hơn mực nước ở một số hồ nuôi tôm của người dân nên dù đã có đường ống, nước không thể thu gom về xử lý.

Ông Trịnh Đình Nhu bác bỏ nhận định này. Theo ông, đó là sự nhìn nhận bằng cảm quan, thực tế hồ xử lý thấp hơn hồ nuôi tôm của dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại