Ưu thế vượt trội, Sa'ar 5 sẽ đánh bại Buyan-M tại Việt Nam?

Hải Dương |

Sa'ar 5 của Israel cùng với Buyan-M do Nga sản xuất đang được xem như những ứng viên sáng giá cho vị trí tàu hộ vệ tên lửa 1.000 tấn thế hệ mới của Hải quân Việt Nam.

Sa'ar 5 là lớp tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ (phân loại corvette) tiên tiến của Hải quân Israel, được chế tạo dựa trên người tiền nhiệm Sa'ar 4.5 để thực hiện nhiệm vụ tuần tra xa bờ, bảo vệ lãnh hải cũng như vùng đặc quyền kinh tế, thiết lập sự hiện diện chủ quyền tại những vùng biển xa. Ngoài ra nó còn sẵn sàng tham gia tác chiến chống tàu mặt nước, chống ngầm và phòng không.

Mặc dù là một thiết kế hoàn toàn của Israel nhưng Sa'ar 5 lại được đóng tại cơ sở Huntington Ingalls Industries trên đất Mỹ. Tàu có thiết kế góc cạnh nhằm tán xạ sóng radar, cấu trúc thượng tầng làm bằng vật liệu composite nhẹ giúp giảm tiêu hao nhiên liệu cũng như độ bộc lộ hồng ngoại.

Bên cạnh đó, thân tàu còn chia làm nhiều khoang độc lập để vẫn có thể nổi trong trường hợp bị trúng đạn, vây giảm lắc cũng được bổ sung nhằm tạo độ ổn định cao khi hoạt động.

Ưu thế vượt trội, Saar 5 sẽ đánh bại Buyan-M tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Tàu hộ vệ INS Eliat (số hiệu 501) lớp Sa'ar 5 của Hải quân Israel

Sa'ar 5 có lượng giãn nước tiêu chuẩn 1.065 tấn và lên tới 1.275 tấn khi đầy tải; chiều dài 88,64 m; chiều rộng 11,88 m; mớn nước 3,45 m; thủy thủ đoàn 74 người (10 nhân viên hàng không).

Tàu được trang bị hệ thống động lực hỗn hợp gồm 2 động cơ diesel MTU V12 1163 TB82 (6.600 mã lực) và 1 động cơ turbine khí General Electric LM2500 (30.000 mã lực), cho tốc độ tối đa 22 hải lý/h (37 km/h khi sử dụng động cơ diesel) hoặc 33 hải lý/h (61 km/h khi dùng động cơ turbine khí), tầm hoạt động 3.500 hải lý (6.500 km).

Hệ thống điện tử của Sa'ar 5 được đánh giá rất cao, bao gồm radar điều khiển hỏa lực EL/M-2221, sonar gắn liền thân Elta Type 796 cùng với sonar dạng kéo do Rafael sản xuất. 

Radar trinh sát đường không nguyên bản của lớp chiến hạm này là EL/M-2218S nhưng mới đây đã được nâng cấp bằng loại EL/M-2248 MF-STAR gồm 4 mảng radar quét điện tử chủ động (tầm xa trên 250 km), có chức năng tương tự như hệ thống Aegis của Mỹ, đây là điểm nhấn cực kỳ đáng chú ý.

Vũ khí trang bị của Sa'ar 5 rất toàn diện gồm 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, 6 ngư lôi hạng nhẹ Mk 46 cỡ 324 mm, 1 module pháo bắn nhanh Phalanx, 64 tên lửa phòng không tầm ngắn Barak 1 (nguyên bản) hoặc 16 tên lửa phòng không tầm trung Barak 8 (sau nâng cấp), sàn đáp và nhà chứa máy bay phía sau cho phép tiếp nhận 1 trực thăng hạng nhẹ AS565 Panther.

Ưu thế vượt trội, Saar 5 sẽ đánh bại Buyan-M tại Việt Nam? - Ảnh 2.

INS Lahav với hệ thống radar mảng pha chủ động EL/M-2248 MF-STAR trên phần thượng tầng

Khi so sánh với một ứng viên tàu hộ vệ tên lửa 1.000 tấn thế hệ mới trong vai trò thay thế Molniya 1241.8 của Việt Nam là Buyan-M do Nga chế tạo thì rõ ràng Sa'ar 5 tỏ ra ưu việt hơn hẳn nhờ tính đa năng rất cao, hiếm có một chiếc corvette 1.000 tấn nào đủ khả năng lập ô phòng không hạm đội cũng như mang theo trực thăng trong các chuyến hải trình dài ngày như nó.

Mặc dù Nga quảng cáo rằng Buyan-M bản xuất khẩu sẽ được trang bị sonar Anapa nhưng từ bản vẽ đến thực tế luôn có một khoảng cách dài, kể cả vậy thì năng lực chống ngầm của Buyan-M vẫn thua kém Sa'ar 5 có cả sonar dạng kéo lẫn trực thăng hỗ trợ.

Lợi thế đáng kể nhất của Buyan-M nằm ở tên lửa chống hạm Klub-N có uy lực cũng như tầm bắn xa hơn Harpoon, nhưng Israel lại là chuyên gia tích hợp vũ khí khác hệ lên cùng một nền tảng, họ thừa khả năng đưa tên lửa KCT 15 do Việt Nam sản xuất trong nước lên tàu khi có yêu cầu, điều này sẽ khắc phục đáng kể nhược điểm trên.

Với mối quan hệ hợp tác quốc phòng ngày càng sâu rộng, nếu Việt Nam thực sự có nhu cầu thì gần như chắc chắn phía Israel sẽ đồng ý bán, thậm chí chuyển giao công nghệ để chúng ta tự đóng Sa'ar 5 trong nước (điều rất khó đàm phán với Nga). Đây là hướng đi nên được cân nhắc để triển khai trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại