"Không thể diễn giải luật pháp quốc tế theo lợi ích của mình"

Tuệ Minh |

Tại Hội thảo về Phát triển và An ninh biển, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý cho rằng việc diễn giải nền tảng của luật pháp quốc tế theo lợi ích của mình là điều không nên.

Nguy cơ an ninh biển ngày càng lớn

Sáng nay, 9/6, Hội thảo Quốc tế về Phát triển và An ninh biển: Hợp tác Quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á - Âu đã được khai mạc tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh. Hội thảo do Học viện Ngoại giao và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam kết hợp tổ chức.

Hội thảo lần này có sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp lý và an ninh hàng đầu của Châu Á và Châu Âu trong đó có sự tham gia của GS. Erik Franckx, thành viên Toà Trọng tài Thường trực; TS. Markus Gehring, Trung tâm Luật Quốc tế Lauterpacht, Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh...

Về phía Việt Nam có sự tham dự của TS Đặng Đình Quý, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát Biển VN; TS.Trần Trường Thuỷ, Giám đốc quỹ nghiên cứu Biển Đông...

Không thể diễn giải luật pháp quốc tế theo lợi ích của mình - Ảnh 1.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý tại Hội thảo (Ảnh: Tuấn Nam)

Phát biểu tại Hội thảo, TS Đặng Đình Quý cho rằng nguy cơ an ninh biển ngày lớn hơn và chính vì vậy nó đe doạ nỗ lực hợp tác và lòng tin giữa các dân tộc trong bảo vệ an ninh và không gian biển hiện nay.

Ông Quý khẳng định: "Để giải quyết những vấn đề an ninh, đặc biệt là an ninh biển thì chúng ta cần phải có hai điều: Quyết tâm hợp tác của các quốc gia hay nói cách khác là ý chí chính trị và cơ sở để hợp tác là luật quốc tế. Nếu không có hai điều đó thì không thể làm được.

Trên thực tế, từ khi UNCLOS có hiệu lực đến nay, có nhiều trường hợp, có nhiều vụ việc được giải quyết thành công bởi vì có cách hiểu, sự tôn trọng giống nhau đối với khuôn khổ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật Biển".

Đặc biệt, Thứ trưởng Quý nhấn mạnh: "Chúng ta không thể biện hộ những chuyện khác biệt, phức tạp về địa lý, lịch sử hay trình độ phát triển để lý giải cho việc diễn giải luật khác nhau, tôn trọng luật khác nhau. 

Luật phải là luật. Không thể diễn giải nền tảng của luật pháp quốc tế theo lợi ích của mình, đó là điều không nên".

Đánh giá về vai trò của Châu Âu đối với Châu Á trong vấn đề an ninh biển, TS. Quý cho rằng có thể làm được rất nhiều việc cho châu Á.

Châu Âu tiếp tục là tấm gương, là một đối tác có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc áp dụng và xây dựng luật.

Trong việc gánh vác những vấn đề chung của luật quốc tế đối phó với những thách thức trên biển của nhân loại, Châu Âu cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Và Châu Âu là cổ đông quan trọng nhất trong việc xây dựng và duy trì trật tự biển quốc tế.

"Châu Âu có nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ trong việc áp dụng luật như thế nào, giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật như thế nào, đối phó với thách thức phi truyền thống thế nào, quản trị biển thế nào...?", ông Quý nói tiếp.

Với những công việc mà Hội thảo lần này sẽ thực hiện, TS. Đặng Đình Quý cũng bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ trở thành một "Đối thoại Shangri-La" thứ 2.

Diễn đàn tham vấn trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế

Trong thời gian 2 ngày, 9-10/6, Hội thảo đề ra mục tiêu là tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, học giả, các nhà hoạch định chính sách Châu Á và Châu Âu cùng trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và tham vấn về những thực tiễn tốt nhất trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Qua đó để tìm ra những chính sách đối phó hiệu quả đối với các thách thức an ninh biển truyền thống và phi truyền thống...

Hội thảo này cũng nhằm tăng cường năng lực của quốc gia và khu vực trong việc ứng phó các vấn đề an ninh biển.

Hội thảo này diễn ra cùng lúc với cuộc họp lần thứ 12 giữa các quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố ứng xử Biển Đông (DOC) ở TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Đây cũng là thời điểm có nhiều sự kiện liên quan đến Biển Đông được dư luận quan tâm, đặc biệt là việc Philippines đã đệ đơn lên PCA, kiện "đường lưỡi bò" phi lý mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông để phục vụ cho tham vọng chủ quyền quá đáng của mình.

Và vụ kiện này sắp có phán quyết.

Trong khi đó,Bắc Kinh kiên quyết không tham gia vụ kiện, phớt lờ yêu cầu tranh tụng của PCA, và tuyên bố không thừa nhận thẩm quyền xét xử của tòa án quốc tế do Liên Hợp Quốc bảo trợ này.

Khi PCA tuyên bố sẽ ra phán quyết cuối cùng trong tháng 6, Trung Quốc đã tìm cách làm suy yếu giá trị của phán quyết bằng cách phát động một chiến dịch ngoại giao và vận động hành lang gần như trên khắp thế giới để thuyết phục các nước ủng hộ hành động ngang ngược của họ.

Theo Reuters, trong Đối thoại Shangri-La vừa diễn ra ở Singapore, các quan chức quân sự Trung Quốc đã thẳng thừng tuyên bố rằng nước này sẽ không tuân thủ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) – một cơ quan của Liên Hợp Quốc – về vấn đề Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại