ĐH Fulbright - giấc mơ của trí thức hay giấc mơ của học sinh?

TS Trần Vinh Dự |

Tôi hầu như không thấy sự quan tâm đáng kể nào từ phía các em học sinh cấp 3 – những khách hàng tiềm năng của ĐH Fulbright.

Hồi còn trẻ, tôi chỉ mong sau này được làm một giáo sư, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học, cống hiến trí tuệ cho đất nước, đào tạo những thế hệ trẻ. Khi đó là năm 22 tuổi, mới tốt nghiệp Đại học, còn mộng mơ hoang đường nhiều.

Vì ước mơ này nên tôi cố gắng cày cuốc, rốt cuộc cũng xin được một học bổng đi học tiến sĩ ở Mỹ. Đến lúc sắp tốt nghiệp tiến sĩ, bắt đầu nghĩ, tốt nghiệp làm ở đâu? 

Cảm giác rất gay go. Vì về dạy Đại học ở Việt Nam thu nhập thấp quá. Nghiên cứu ở Việt Nam thì khó, vì ít nguồn tài trợ, lại không có cộng đồng nghiên cứu mạnh để cọ sát về ý tưởng (cái này rất rất cần cho nghiên cứu).

Lúc đó chỉ ước nếu Việt Nam có những trường Đại học quốc tế, trả lương cao, văn phòng đẹp, giảng dạy vừa phải, lại có tự do học thuật, tự do nghiên cứu, có cộng đồng những người cùng mặt bằng trình độ, không phải lo đến chuyện cơm áo gạo tiền. 

Nhưng tiếc là khi đó ở Việt Nam không có chỗ nào như vậy.

ĐH Fulbright ra đời có lẽ khiến nhiều người giống như tôi hồi trước rất mừng rỡ. 

Lương giáo viên ở Fulbright ngay từ hồi trước (khi còn là chương trình Fulbright chứ chưa lên đại học như bây giờ) đã cao hơn hẳn mặt bằng ở các cơ sở đào tạo khác (cả công lập và tư thục) trong thành phố HCM. 

Nguồn tài chính mạnh đến từ Mỹ, đất thành phố HCM cho không. Việc tự do học thuật được chính phủ Việt Nam nhượng bộ. Đây thực sự là một giấc mơ đã thành hiện thực của những người làm giáo dục và nghiên cứu (và là nỗ lực lớn của những người đã vận động cho dự án này).

Chính vì vậy mà có lẽ là, theo quan sát nho nhỏ của tôi, sự hào hứng cũng như các cuộc tranh luận về Fulbright vừa qua chủ yếu là trong cộng đồng các trí thức, cả những người học trong và ngoài nước, các nhà giáo...

Điểm thú vị là tôi hầu như không thấy sự quan tâm đáng kể nào từ phía các em học sinh cấp 3 – những khách hàng tiềm năng của ĐH Fulbright. Điều này xem ra cũng không quá khó hiểu:

ĐH Fulbright có thu học phí không? Có chứ, thậm chí rất cao là khác.

ĐH Fulbright có tốt không? Cái này chưa biết, vì vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị.

ĐH Fulbright có alumni mạnh (các cựu sinh viên thành đạt) không? Chưa có, vì giờ mới thành lập.

Học ở ĐH Fulbright có vui hay không? Môi trường có trẻ trung, năng động, có gần gũi với lớp trẻ hay không? Hay sẽ mang màu sắc kinh viện? Cái này cũng chưa biết. Chỉ biết các thầy cô trong nhóm sáng lập thì đều đã trung tuổi, thậm chí già (như bác Bob Kerrey).

Bằng cấp của ĐH Fulbright là loại gì? Là bằng Việt Nam chứ không phải bằng Mỹ, vì Fulbright là trường của Việt Nam, Mỹ chỉ hỗ trợ tiền.

Vì nhiều cái còn chưa rõ như thế, dễ hiểu là các khách hàng của ĐH Fulbright xem ra còn thờ ơ với ngôi trường này. 

Vì thế, bỏ qua một bên chuyện lùm xùm quanh vụ bác Bob Kerrey, ĐH Fulbright sẽ còn rất nhiều việc phải làm để trở thành một lựa chọn có ý nghĩa cho các bạn học sinh tốt nghiệp phổ thông. 

Những việc các thầy cô làm vừa qua, dường như hướng nhiều vào môi trường làm việc mà các thầy cô muốn tạo dựng cho mình, chứ chưa tập trung nhiều lắm vào việc nghiên cứu xem khách hàng của mình có quan tâm không, quan tâm nhiều đến mức nào.

Điều này làm tôi hay băn khoăn. Có lẽ vì tôi làm doanh nghiệp. Doanh nghiệp tính đến sản phẩm có bán được không, khách hàng có quan tâm hay không, có bỏ tiền mua không. Những chuyện khác là chuyện thứ yếu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại