"Dù đã rất đau đớn, nhưng chúng tôi không lựa chọn thù hận với người Mỹ"

Mai Phạm |

Những người lớn trong gia đình chúng tôi đã lựa chọn để sự thảm khốc của chiến tranh và sự thù hận ở ngoài cửa, không cho phép chúng đầu độc cuộc sống của gia đình...

Ông bà ngoại tôi có 3 người con đi bộ đội, hòa bình chỉ một người trở về. Trong hai người hy sinh, một người vẫn chưa biết đang nằm đâu trên đất nước này.

Nhưng đó chưa phải là tổn thất duy nhất.

Năm 1972, khi Mỹ ném bom rải thảm tại Hà Nội, ông ngoại và vợ chồng bác ruột của tôi đã cùng ra đi một lúc vì một quả bom rơi đúng vào xóm.

Khi những người dân moi được cửa hầm ra, ông và hai bác tôi vẫn còn hồng hào, ấm áp, như đang ngủ.

Bà ngoại tôi, một phụ nữ hiền hậu chưa từng thấy, quá đau buồn vì mất mát nên bị tai biến và ra đi chỉ vài ngày sau khi nhận được giấy báo tử cậu út, đúng một năm sau khi đất nước được hòa bình và thống nhất.

Mất mát mà chiến tranh trực tiếp và gián tiếp gây ra cho gia đình chúng tôi có thể nói là rất to lớn.

Cuối năm 1972, bà (em của bà ngoại), mẹ và mấy anh em tôi quay trở về từ nơi sơ tán ở vùng núi. Tôi nhớ mang máng, khi ấy, nhà chúng tôi ở mặt đường nên đã dành chỗ để đón cả các đơn vị bộ đội đi ngang qua. Buổi tối 2 ngôi nhà đầy chật những chiếc giường.

Một ngày cuối tháng 12, bà ngoại bế anh họ tôi (con của hai bác) khi ấy mới hơn 1 tuổi từ nơi sơ tán trở về. Lúc ấy tôi mới lên ba.

Đến đêm thì có một điều rất khủng khiếp.

Anh họ tôi dứt khoát không ngủ mà cứ khóc ngằn ngặt rồi bắt bế anh đi khắp các giường, lật màn lên để anh nhìn vào người nằm bên trong, rồi khóc, rồi lại đến giường khác, lại lật màn lên để nhìn, để tìm ai đó…

Cứ thế cho đến khi các bà, mẹ tôi và anh đều mệt lử.

Những ngày sau đó, tôi dần dần nhận thức anh tôi đang đi tìm hơi ấm của cha mẹ, còn tôi sẽ không còn bao giờ được gặp ông ngoại nữa.

Tôi nhớ rõ ràng rằng, trong trái tim của đứa trẻ mới lên 3 đã trào lên một niềm uất hận không tưởng tượng được đối với những kẻ đã gây ra cái chết của ông ngoại và hai bác tôi.

Nhưng ký ức đau thương và uất hận của tôi chỉ dừng đến đó. Không còn thêm hình ảnh nào thêm nữa và theo thời gian, nó càng ngày càng mờ dần. Tới mức để viết lại những dòng này, tôi đã phải ngồi rất lâu để nhớ lại.

Sự lãng quên này không tự nhiên mà có, nó cũng không phải là do tác động của thời gian đã hơn 40 năm mang lại. Nó có một nguyên nhân rất cụ thể.

Những người lớn trong gia đình chúng tôi đã lựa chọn không để ký ức đau buồn về chiến tranh và sự thù hận hiện diện lâu trong gia đình.

Trong các câu chuyện, sự thảm khốc của chiến tranh gần như không xuất hiện. Sự thù hận đối với tội ác mà người Mỹ đã gây ra cho người thân chúng tôi cũng không bao giờ xuất hiện.

Trong những bữa giỗ kỷ niệm ngày mất của ông ngoại tôi, các bác và cậu út, những người lớn luôn nhắc lại kỷ niệm đầy yêu thương, trìu mến.

Những người lớn trong gia đình chúng tôi đã lựa chọn để sự thảm khốc của chiến tranh và sự thù hận ở ngoài cửa, không cho phép chúng đầu độc cuộc sống của gia đình và tâm hồn của những đứa trẻ.

 Anh tôi đã lớn lên cùng với gia đình tôi. Những năm đầu, anh (nay là em của tôi, do ba má anh mất nên cha mẹ tôi mang về nuôi, anh nhỏ hơn tôi 2 tuổi nên là em) luôn có đôi mắt buồn bã, rất hay nhìn xuống. 

Bà, bố mẹ và chúng tôi đã cố gắng không nhắc lại, không đề cập đến nỗi đau trước mặt em. để em có thể lớn lên và phát triển như bao đứa trẻ khác. Sau vài năm, đôi mắt em đã khác. Nhiều năm trôi qua, em tôi trở thành một thanh niên hiền hậu, với nụ cười dí dỏm và sự hài hước.

Mỗi lần giỗ ông bà ngoại và các bác là dịp để cả gia đình chúng tôi tụ tập, và luôn luôn chỉ có những kỷ niệm trìu mến về ông bà và các bác được ôn lại.

Tiếng cười luôn rộn rã, ấm áp trong những dịp như thế.

Gia đình chúng tôi đã lựa chọn quên đi, lựa chọn tha thứ, để có thể tìm cho mình sự thanh thản trong tâm hồn, để hướng tới tương lai và sống một cách tích cực.

Bởi như lời Phật đã dạy: "Một người nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho người khác thì lòng họ sẽ không bao giờ được thanh thản".

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm và những ký ức đau thương đã gần mờ hẳn. Tôi cũng đã gặp những người Mỹ, một vài trong số đó là cựu chiến binh tại Việt Nam, trong những buổi tiếp tân và chiêu đãi ngoại giao và chưa một lần nào nỗi căm hờn của tôi thức dậy.

Cách đây quãng 15 năm, một đồng nghiệp người Đan Mạch của tôi nói rằng, Việt Nam là nơi duy nhất mà một đại sứ Mỹ, thậm chí là một cựu chiến binh và tù nhân chiến tranh tại Việt Nam như ngài P. Petersen, có thể thoải mái đi xe máy một mình trên đường và đến ăn phở ở Lê Văn Hưu, thoải mái ngồi cạnh và nói chuyện, đùa vui với những người Việt mà cách đó không lâu còn coi người Mỹ là kẻ thù không đội trời chung.

Tôi đã vô cùng tự hào khi người đồng nghiệp Đan Mạch của tôi cứ nhắc đi nhắc lại: "Mai ơi, chị có thể khẳng định với em là không ở nước nào mà Đại sứ Mỹ có thể làm như vậy. Người Việt thật tuyệt vời, thật tốt bụng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại