Tình hình biển Đông: TQ hối hận vì tự tay "lôi" Nhật Bản vào cuộc

Long Nam |

Nguyên nhân then chốt để một đồng minh mạnh của Mỹ ở châu Á hiện diện ngày càng rõ rệt trên biển Đông xuất phát từ sai lầm của chính Bắc Kinh.

Trung Quốc đẩy Nhật xoay trục sang Đông Nam Á

Trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật trở nên căng thẳng, Tokyo đã và đang củng cố quan hệ kinh tế, chính trị và quốc phòng với Đông Nam Á nhằm tăng cường vị thế của Nhật Bản trong khu vực.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á, đã chú trọng phát triển quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á xuyên suốt giai đoạn sau năm 1945.

Nước này là nhà cung cấp viện trợ ODA lớn cho khu vực và các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào Đông Nam Á để tận dụng chi phí lao động thấp ở đây.

Bên cạnh đó, Đông Nam Á từ lâu đã đóng vai trò làm nhà cung cấp nguyên liệu thô quan trọng cho Nhật Bản, đặc biệt là khí đốt từ Brunei, Indonesia, and Malaysia và than từ Indonesia.

Đáp lại, các doanh nghiệp Nhật Bản đã nỗ lực tăng cường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang khu vực, với kim ngạch thương mại song phương giữa nước này và ASEAN lên đến 248 tỷ USD vào năm 2011.

Mặc dù quan hệ gần gũi này đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, mối liên kết giữa hai bên còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012.

“Thủ tướng Abe đã cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của khu vực với Nhật Bản bằng việc chọn Đông Nam Á là điểm đến cho chuyến công du ra nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông,” James D. J.Brown, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Temple ở Tokyo cho biết.

Bước ngoặt từ Trung Quốc

Theo các chuyên gia, nhân tố then chốt tạo nên bước ngoặt trên là cuộc bạo loạn chống Nhật Bản ở Trung Quốc vào cuối năm 2012, phát sinh bởi tranh chấp lãnh thổ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông mà cả hai nước cùng tuyên bố chủ quyền.

Sau sự kiện này, các công ty đa quốc gia của Nhật Bản nhận ra rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu của mình nếu phụ thuộc quá nhiều vào cơ sở sản xuất ở Trung Quốc và bắt đầu chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, đồng thời nhắm đến khu vực ASEAN như một đối tác lý tưởng.


Quan hệ Nhật Bản-ASEAN đã được đẩy mạnh kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền. Ảnh: Reuters

Quan hệ Nhật Bản-ASEAN đã được đẩy mạnh kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền. Ảnh: Reuters

“Các cuộc bạo loạn chống Nhật ở Trung Quốc đã làm tăng sự hấp dẫn của Đông Nam Á như là địa chỉ thay thế cho cơ sở sản xuất của Nhật Bản,” Rajiv Biswas, Trưởng ban kinh tế phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương của công ty phân tích toàn cầu IHS cho biết.

Nếu tính như một thể thống nhất thì ASEAN là nền kinh tế lớn thứ ba ở Châu Á và có dân số 620 triệu người.

Các yếu tố thúc đẩy nhiều công ty đa quốc gia Nhật Bản hướng tới các nền kinh tế có lương nhân công thấp như Việt Nam và Indonesia là chi phí sản xuất gia tăng và kinh tế giảm tốc tại Trung Quốc.

Đó là vì nếu tăng trưởng của Trung Quốc ngừng lại, tác động tiêu cực lên kinh tế Nhật Bản có thể được bù lại bằng quan hệ kinh tế mạnh mẽ với ASEAN.

Biển Đông có lợi ích quan trọng của Nhật Bản

Nhưng lý do đằng sau quá trình xoay trục của Nhật Bản không chỉ nằm ở kinh tế. Tokyo tỏ ra quan ngại về sự hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ không chỉ ở biển Hoa Đông mà còn ở biển Đông.

“Nhật Bản tin rằng Trung Quốc đang muốn bành trướng chủ nghĩa bá quyền ở biển Hoa Đông và biển Đông,” Stephen R. Nagy, phó giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Đại học International Christian (ICU) ở Tokyo cho biết.

Chuyên gia này cho rằng tranh chấp ở biển Hoa Đông không chỉ là về những hòn đảo mà còn là quyền tiếp cận Châu Á-Thái Bình Dương trong khi tranh chấp biển Đông lại liên quan đến vấn đề thương mại và an ninh năng lượng cho cả Trung Quốc và Nhật Bản.

“Trung Quốc xem biển Đông là ao nhà cần được canh phòng trong khi Nhật Bản xem khu vực này là tuyến vận tải biển quốc tế quan trọng,” Nagy nhấn mạnh.

Tokyo đánh giá vấn đề biển Đông có vai trò trọng yếu đối với an ninh quốc gia Nhật Bản bởi khối lượng thương mại lớn của nước này, bao gồm nguồn năng lượng thiết yếu mà Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Đông, được vận chuyển qua các khu vực Trung Quốc chiếm đóng trái phép, .

Trong bối cảnh đó, sự hung hăng của Bắc Kinh “đóng vai trò chủ yếu đẩy Nhật Bản xích gần lại các quốc gia Đông Nam Á,” Kristen Gunness, chuyên gia về quân sự Trung Quốc và là CEO của Vantage Point Asia LLC nhận định.

Tăng cường quan hệ quân sự

Việc Trung Quốc tiếp tục hoạt động cải tạo đảo, đá phi pháp ở Biển Đông đã làm nhiều quốc gia Đông Á và Đông Nam Á quan ngại và một trong những cách hữu hiệu nhất để kiềm chế động thái trên là tăng cường hiện diện hàng hải.

Điều này lý giải tại sao Nhật Bản đang tích cực củng cố quan hệ với ASEAN, và đặc biệt là những quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự gây hấn của Trung Quốc.

Một trong những bước tiến đáng kể nhất của Tokyo khiến Bắc Kinh "đau đầu" trong năm 2015 chính là việc Thượng viện Nhật thông qua Luật an ninh mới, cho phép quân đội nước này sử dụng vũ lực ở phạm vi rộng hơn (bao gồm ở nước ngoài) cũng như nới lỏng các hạn chế về xuất khẩu vũ khí.


Nhật Bản và Philippines tổ chức cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên trên biển Đông vào tháng 5/2015. Ảnh: Reuters

Nhật Bản và Philippines tổ chức cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên trên biển Đông vào tháng 5/2015. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, Nhật cũng đang nỗ lực củng cố hợp tác quốc phòng và an ninh và cung cấp viện trợ cho các nước ASEAN để xây dựng năng lực an ninh hàng hải cho khối.

Cụ thể là, Nhật Bản và Philippines đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino hội kiến với Thủ tướng Shinzo Abe ở Tokyo vào tháng 6/2015.

Nội các của ông Abe cũng đồng ý cung cấp 10 tàu tuần tra đa nhiệm cho Philippines để củng cố an ninh hàng hải. Gần đây vào tháng 5/2015, Nhật Bản và Philippines đã tiến hành cuộc tập trận chung lần đầu tiên ở biển Đông.

Trong một động thái gây tranh cãi, vào tháng 11/2015 Thủ tướng Abe tuyên bố cân nhắc khả năng Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) tiến hành tuần tra ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức "giãy nảy" và chỉ trích Tokyo "can thiệp vào khu vực mà Bắc Kinh xem là lợi ích cốt lõi".

Đôi bên cùng có lợi

ASEAN sẽ hưởng lợi thế nào từ sự đối đầu Trung-Nhật? Quan hệ kinh tế và an ninh gần gũi hơn với Nhật Bản rõ ràng là đem lại nhiều lợi ích cho các nước ASEAN.

Nhiều nước Đông Nam Á có quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ với Trung Quốc nhưng đang ngày càng lo lắng về sự bành trướng quân sự của nước này. Do đó, củng cố quan hệ với Nhật Bản được xem là một giải pháp để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ngoài ra, các chuyên gia đánh giá, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Trung Quốc để giành hợp đồng trong khu vực cũng cho phép chính phủ các nước Đông Nam Á có được nhiều điều khoản thuân lợi hơn từ các bên đấu thầu.

Về quan hệ quốc phòng, mặc dù tiềm năng hoạt động quân sự của Nhật Bản vẫn còn bị hạn chế bởi hiến pháp, nhưng tăng cường hợp tác an ninh giữa Nhật Bản với ASEAN được kỳ vọng là giúp giảm thiểu quan ngại về an ninh hàng hải trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh.


Mặc dù thuộc phe chiến thắng trong Thế chiến II, song Trung Quốc chưa từng được thừa nhận là chiến thắng trước Nhật Bản trong hơn 1 thế kỷ qua. Ảnh: AFP

Mặc dù thuộc phe chiến thắng trong Thế chiến II, song Trung Quốc chưa từng được thừa nhận là chiến thắng trước Nhật Bản trong hơn 1 thế kỷ qua. Ảnh: AFP

Con đường phía trước

Theo Kristen Gunness, Nhật Bản sẽ tiếp tục kết hợp cả hỗ trợ quân sự và kinh tế để củng cố ảnh hưởng lên ASEAN trong tương lai gần.

“Về kinh tế, Nhật sẽ tăng cường đầu tư và viện trợ ODA để tăng tầm hiện diện và ảnh hưởng,” bà nhận định.

Khi khu vực Đông Nam Á phát triển hơn về kinh tế, sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Nhật xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao và tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Bên cạnh đó, với tình trạng thiếu hụt lao động đang gia tăng ở Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp Nhật sẽ cân nhắc đặt cơ sở sản xuất ở các nước ASEAN.

Bà Gunness dự đoán sẽ có nhiều chuyến thăm cấp cao của các lãnh đạo dân sự và quân sự, cùng với hoạt động tập trận chung giữa Nhật Bản và các thành viên ASEAN.

Tokyo cũng sẽ xem xét hỗ trợ năng lực giám sát hàng hải và chia sẻ tình báo cho quân đội và lực lượng phòng vệ bờ biển của các nước trong khối.

Sự kết hợp các yếu tố này đã khiến nhiều nước hoan nghênh quyết định tăng cường vai trò của Nhật Bản ở Đông Nam Á, kể cả các nước trung lập như Indonesia.

Các yếu tố địa chính trị, kinh tế và kỹ thuật là những tác nhân thúc đẩy động thái xoay trục chiến lược của Nhật Bản sang Đông Nam Á. Trên tất cả, sự hung hăng của Trung Quốc vẫn là nguyên nhân thuyết phục và quan trọng nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại