Tàu ngầm Hoàng Sa lại không được thử nghiệm trên biển

Châu An |

Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đang phải chờ đợi câu trả lời của phía cơ quan quản lý về việc cho thử nghiệm tàu ngầm Hoàng Sa trên biển.

Bị cấm vẫn không chán nản

Sau buổi thử nghiệm thành công tại hồ nước rộng 3ha tại Khu công nghiệp Vĩnh Trà, Thái Bình, ngày 30/11/2015, tàu ngầm mini Hoàng Sa đã được ông Hòa cùng với đội ngũ kỹ sư đưa ra thử nghiệm ở biển.

Ngày 13/2, ông Hòa đã đưa tàu ngầm ra vùng biển thuộc cảng Diêm Điền xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy (nằm cách thành phố Thái Bình 30 km) thử nghiệm.

Tuy nhiên, khi đưa ra tới nơi, lực lượng biên phòng ở địa phương đã không cho phép ông Hòa thử nghiệm tàu ngầm trên vùng biển này.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 17/2, ông Hòa cho biết: "Tôi đã lựa chọn ngày mùng 6 âm lịch (ngày 13/2 dương lịch) để đưa tàu ra thử nghiệm ở biển. Đây có thể là ngày đẹp theo quan niệm của nhiều người, nhưng không phải với tôi.

Khi vừa đưa tàu đến khu vực thử nghiệm thì lực lượng biên phòng có đưa ra lý do không có giấy phép chế tạo tàu ngầm Hoàng Sa, như vậy cũng đồng nghĩa với việc không có giấy phép thử nghiệm tàu.

Vì thế, tôi không được vào khu vực này để thử nghiệm. Bên cạnh đó, họ cũng hướng dẫn tôi nên làm văn bản đề nghị Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho phép vào thử nghiệm tại khu vực trên".

Chia sẻ thêm, bản thân ông Hòa cũng không có cảm giác chán nản, bởi vì, ông biết lực lượng biên phòng đã làm đúng vai trò và trọng trách của mình.

Ngay sau khi nhận được sự hướng dẫn, ông Hòa cũng đã viết đơn gửi lên các cấp lãnh đạo, mong muốn sẽ nhận được sự chấp thuận, để công cuộc tiến hành thử nghiệm trên biển được diễn ra trong thời gian sớm nhất.

"Giờ thì phải đành chờ đợi câu trả lời từ các phía lãnh đạo, trong lúc chờ đợi tôi đang có nhiều suy nghĩ, phương án và kế hoạch khác, nếu không được cho thử nghiệm ở biển thì tôi sẽ chuyển sang kế hoạch khác, nhưng chưa tiện chia sẻ.

Chuyện này đối với tôi cũng bình thường không có gì phải sốt ruột, trước đây tàu ngầm Trường Sa 01 bị gây khó khăn vì nó mới quá, là chiếc tàu ngầm đầu tiên, nên mọi người mới lúng túng.

Còn tàu ngầm mini Hoàng Sa thì khác, khi mọi người đã quá quen với việc này, tôi thấy không quá lo lắng", ông Hòa tâm sự.

Những hy vọng mới

Một thông tin đáng vui mừng được ông Hòa chia sẻ, đó là Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2015, ngày 3/9/2015, về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt, rất quan tâm đến việc đưa máy móc nghiên cứu khoa học vào khu vực biên giới biển.

"Tại khoản 3, Điều 3 của Nghị định có nêu rõ phương tiện đường thủy được hoạt động bao gồm: Tàu thuyền và các loại phương tiện có động cơ hoặc không có động cơ hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước; thủy phi cơ.

Bên cạnh đó, tại Điều 10, cũng nêu rõ: Người, phương tiện Việt Nam khi tiến hành hoạt động thăm dò, nghiên cứu khoa học...phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi tiến hành hoạt động trên trước 05 ngày làm việc.

Giờ đã có Nghị định nên tôi cứ căn cứ theo để làm, chắc chắn sẽ thành công, chỉ mong được tạo điều kiện", ông Hòa nói.

Tàu ngầm Hoàng Sa lại không được thử nghiệm trên biển - Ảnh 2.

Tàu ngầm mini Hoàng Sa

Nhưng có một điểm khiến ông Hòa băn khoăn, đó là nếu theo quy định tại Điều 6 của Nghị định, người điều khiển phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có bằng hoặc chứng chỉ Thuyền trưởng do cơ quan có thẩm quyền cấp.

"Đây là những yêu cầu sẽ gây khó khăn cho những nhà nghiên cứu khoa học, tự chế tạo như chúng tôi, nếu áp dụng đúng quy định này sẽ không ai có thể sáng tạo nữa.

Tàu ngầm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, chúng ta chưa có ai chế tạo và sản xuất thành công tàu ngầm, bây giờ đòi có bằng lái ngay thì làm sao có được.

Phải có một sự linh hoạt để vận dụng, cái quan trọng mục đích cuối cùng là đảm bảo an toàn cho người thử nghiệm, người có liên quan, yếu tố an ninh. Bây giờ, trong trường hợp thấy được có thể đảm bảo được an toàn, an ninh mà không cần những bằng cấp, giấy tờ đó thì vẫn nên cho thử nghiệm.

Còn nếu cứ chiếu theo Nghị định và tuân thủ hết thì không khác nào "đánh đố" các nhà khoa học tự sáng chế như chúng tôi", ông Hòa phân tích.

Theo ông, trong các cuộc thử nghiệm, chắc chắn sẽ có rủi ro, các nhà khoa học chấp nhận rủi ro đó để làm thí nghiệm khoa học, cũng như các bác sỹ họ cũng phải qua nhiều thí nghiệm mới đưa ra được một sản phẩm thuốc, hay vắc xin.

"Đừng có gây quá nhiều khó khăn mà hãy ủng hộ, khuyến khích các nghiên cứu khoa học", ông Hòa nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại