Chuyên gia Nga: Nhật sẽ xuất khẩu quốc phòng cho Việt Nam

Chúc Sơn |

Theo nhận định của Sputnik News, Nhật Bản sẽ trở thành người khổng lồ về xuất khẩu vũ khí và Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng của vũ khí Nhật.

Tiềm năng xuất khẩu quốc phòng của Nhật Bản

Nhận định về tiềm năng xuất khẩu quốc phòng Nhật Bản được trang Sputnik News đăng tải bài phân tích của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Evseev.

Theo phân tích, Nhật hiện có tổng cộng hơn 1.000 doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm công nghiệp quân sự.

Trên 90% vũ khí trang bị của Lực lượng Phòng vệ do 12 doanh nghiệp trụ cột như Tập đoàn công nghiệp nặng Ishikawajima-Harima, Mitsubishi, Kawasaki, ShinMaywa… cung cấp.

Trong lĩnh vực hải quân nói chung và ngành đóng tàu nói riêng, hiện nước này có khả năng đóng được tất cả các loại tàu chiến hiện đại từ hạng nhẹ đến hạng nặng và đã đạt những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này.

Nhật có năng lực đóng được các tàu sân bay chở máy bay chiến đấu, tàu sân bay trực thăng, tàu đổ bộ tấn công, tàu khu trục Aegis kiểu Mỹ cùng với các tàu ngầm AIP, tàu hộ vệ, tàu tuần tiễu…

Các chiến hạm do nước này chế tạo luôn được đánh giá thuộc loại hàng đầu thế giới.

Nhật Bản cũng có đủ khả năng chế tạo các máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới kể cả các máy bay chiến đấu F-15, F-16 của Mỹ (F-16 tức là F-2 của Nhật).

Thậm chí là cả các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 như F-35 của Mỹ và ATD-X Shinshin của Nhật (có thể được định danh là F-3).


Máy bay P-1 do Nhật Bản phát triển.

Máy bay P-1 do Nhật Bản phát triển.

Các chuyên gia của Tokyo cũng đã phát triển những dòng máy bay bảo đảm hiện đại hàng đầu thế giới.

Ví dụ như thủy phi cơ trinh sát US-2 ShinMaywa hay máy bay tuần tiễu chống ngầm P-1 Kawasaki hoặc một loại máy bay cảnh báo sớm hiện đại được chế tạo trên nền tảng P-1, thay thế cho E-2C Hawkeye của Mỹ.

Về vũ khí tên lửa, Tokyo cũng đã tự sản xuất được nhiều loại tên lửa, thuộc đủ các chủng loại khác nhau.

Bao gồm: tên lửa chống hạm phóng từ máy bay thế hệ mới nhất ASM-3, tên lửa đất đối không tầm trung tiên tiến Type 03, tên lửa bờ đối hạm thế shệ mới nhất thuộc Type 12…

Ngoài ra Nhật còn có loạt tên lửa chống hạm Type 88 SSM-1 (phóng trên mặt đất), Type 90 (phóng từ chiến hạm), Type 91/ASM-1C và Type 93/ASM-2 (sử dụng trên máy bay).

Trong đó Type 91 chủ yếu trang bị cho máy bay tuần tra chống ngầm P-3C “Orion” và máy bay chống ngầm P-1.

Hiện nay, chương trình hợp tác nghiên cứu chế tạo lớn nhất của Nhật-Mỹ là tên lửa phòng không hạm của các tàu Aegis là SM-3 Block2A.

Nhật Bản đã đảm đương nghiên cứu phát triển các cấu kiện cốt lõi như đầu dẫn đường hồng ngoại, đầu đạn sát thương động năng, động cơ tên lửa...

Nhật cũng có hàng loạt vũ khí lục quân chất lượng cao, trong đó xe tăng Type 10 luôn được xếp vào top 5 xe tăng tiên tiến nhất thế giới. Ngay cả xe tăng thế hệ trước là Type 90 cũng có sức mạnh đáng nể.

Xe bọc thép chở quân Type 96 của Nhật không hề kém các dòng xe đồng hạng như Boxer của Đức, BTR-80 của Nga, Stryke của Mỹ, mà hiện nay Mitsubishi còn đang phát triển một dòng xe 8x8 còn mạnh hơn.

Hãng này cũng đã phát triển thành công xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới MCV rất hiện đại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật có thể phát triển một số hệ thống thiết bị, vũ khí khác dành cho lục quân, ví dụ như các robot quân sự của Nhật Bản có trình độ tự động hóa cao nhất thế giới.

Ngoài ra, các hệ thống thông tin liên lạc và radar của nước này cũng không mấy nước sánh kịp.

Ngay từ cuối thập niên 1980, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nhật Bản đã từng tiến hành đánh giá tiềm năng của nước này khi tham gia xuất khẩu vũ khí.

Theo đó, nước này ít nhất có thể chiếm lĩnh 45% thị phần xe tăng và pháo tự hành quốc tế, 40% sản phẩm điện tử quân dụng, 60% thị phần tàu chiến.

Tuy nhiên theo nhận định của ông Yevseyev, có một số lĩnh vực buôn bán vũ khí mà Nhật Bản sẽ không tham dự.

Trước hết, đó là hệ thống phòng thủ tên lửa chủ yếu do Mỹ nắm sản xuất kinh doanh, bởi trong lĩnh vực này, Nhật Bản có vai trò của người mua hơn là người bán.


Chiến đấu cơ, tàu tuần tra và xe tăng sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nhật Bản.

Chiến đấu cơ, tàu tuần tra và xe tăng sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nhật Bản.

Mặc dù, một số hệ thống giám sát kể cả giám sát không gian đang được chế tạo tại Nhật Bản, nhưng có rất ít khả năng những hệ thống này được đem ra thị trường vì đó là sản phẩm được thiết kế chung.

Như vậy, các hệ thống phòng thủ tên lửa đã bị gạt khỏi cơ chế kinh doanh vũ khí của Tokyo.

Lĩnh vực thứ hai mà Nhật Bản không thể giành vị trí đáng kể là sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Nước này có các tên lửa đẩy đủ khả năng hoán chuyển thành các ICBM, nhưng việc kinh doanh là không thể được bởi hiệp định kiểm soát xuất khẩu công nghệ tên lửa.

Nhật Bản đã viện trợ cho Đông Nam Á dùng thử

Không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu quốc phòng, Chính phủ Nhật Bản cũng đang đẩy nhanh các gói viện trợ cho một số nước láng giềng tại Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Việt Nam.

Cụ thể, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Manila, Philippines tháng 11/2015 vừa qua, Nhật Bản cam kết sẽ cấp tàu và máy bay tuần tra cho Philippines.

Theo nguồn tin này, đầu tiên Nhật có thể cấp 3 máy bay Beechcraft TC-90 King Air, tiếp đó, Nhật có thể cấp máy bay tuần tra biển săn ngầm P3-C (phiên bản do Nhật sản xuất) cho Philippines.

Trước đó, tờ Bưu điện Hoa Nam có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) đưa tin cho hay, Nhật Bản đã lên kế hoạch "cho không" Philippines tàu tuần tra biển có giá 11 triệu USD một chiếc nhưng không nói rõ số lượng.


Tàu BRP Corregidor Nhật Bản viện trợ cho Philippines từ nhiều năm trước.

Tàu BRP Corregidor Nhật Bản viện trợ cho Philippines từ nhiều năm trước.

Hiện nay, Nhật Bản đã hỗ trợ Philippines hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát biển của mình từ những năm 1990 và Tokyo cũng từng cho không Manila tàu cứu hộ BRP Corregidor từ 15 năm trước.

Chính con tàu này đã cùng 1 tàu khác tham gia đối đầu với Hải giám Trung Quốc cả tháng trời ngoài Scarborough hồi tháng 4/2014.

Hồi năm 2012, Nhật Bản tiếp tục lên tiếng cam kết sẽ giúp đỡ Cảnh sát biển Philippines nâng cao năng lực đối phó với Hải giám, Ngư chính Trung Quốc.

Không chỉ Philippines nhận được viện trợ mà Việt Nam cũng đang nhập được sự viện trợ cần thiết của Nhật Bản.

Theo tờ Japan Times hồi đầu tháng 11/2015, Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đã tiếp nhận 2 tàu tuần tra trọng tải 600 do chính phủ Nhật Bản viện trợ.

Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã cam kết sẽ viện trợ cho Việt Nam 6 tàu đã qua sử dụng trong một thỏa thuận năm 2014.

Tính đến nay, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam 4 tàu. Theo kế hoạch, hai tàu còn lại dự kiến sẽ được bàn giao nốt vào cuối năm 2015.

Ngoài ra, phía Nhật Bản cũng đã đồng ý cung cấp trang thiết bị và tư vấn kỹ thuật liên quan đến các tàu trên cho Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam.

Thông qua chương trình viện trợ này, chính phủ Nhật Bản muốn giúp Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam củng cố an ninh hàng hải trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không ngừng leo thang, Japan Times còn cho biết thêm.

Ngoài 6 chiếc tàu viện trợ cho cảnh sát biển, hồi tháng 9/2015 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng công bố kế hoạch viện trợ nhiều tàu hơn cho Việt Nam trong một cuộc họp với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Tokyo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại