Lạnh gáy với các hủ tục rùng rợn hầu như không còn tồn tại

Thu Trang |

Những hủ tục này là một phần của lịch sử nhưng thật may là cho tới giờ chúng không còn tồn tại nữa.

1. Giết người tế thần

Giết người tế thần là một tập tục mang màu sắc tôn giáo có từ lâu đời, xuất phát từ các nền văn hóa cổ xưa như Mayan và Aztec.

Người ta tin rằng nghi lễ hiến tế sẽ làm hài lòng các vị thần hoặc các lực lượng siêu nhiên để các vị thần phù hộ, ban phước lành cho họ.

Nạn nhân của các cuộc hiến tế thường là tù nhân, trẻ sơ sinh và các trinh nữ. Những nạn nhân xấu số này thường bị đem ra thiêu, chặt đầu hoặc chôn sống.

Theo thời gian, tập tục dã man này đã mai một và hầu như không còn tồn tại nữa. Giờ đây, hầu hết các tôn giáo đều coi đó là hành động tội ác.

Tuy nhiên, nghi lễ này thỉnh thoảng vẫn được phát hiện ở các nước kém phát triển, nơi con người vẫn có niềm tin ngu muội vào thần thánh.

2. Sati (Tự thiêu)

Sati là một hủ tục của các tín đồ đạo Hindu. Theo đó, người vợ phải nhảy vào giàn hỏa thiêu để chết theo chồng nhưng tập tục này hầu như không còn tồn tại và được coi như một hành động vi phạm pháp luật ở Ấn Độ.

Hành động tự thiêu được cho là dựa trên sự tự nguyện nhưng trên thực tế hầu hết các góa phụ bị ép buộc phải thực hiện hủ tục kinh hoàng này.

Người ta tin rằng nếu góa phụ thực hiện sati thì người nhà cô ta sẽ gặp may mắn đến bảy thế hệ sau. Ngược lại, những góa phụ không tự thiêu sẽ phải đối mặt với sự khinh thường của người đời.

3. Tự mổ bụng

Tục mổ bụng hay còn gọi là Seppuku (Hara-Kiri) là một nghi lễ tự tử của các võ sĩ đạo, các chiến binh samurai. Các chiến binh sẽ tự mổ bụng mình để bảo toàn danh dự nếu rơi vào tay kẻ thù hoặc để chuộc tội theo lệnh của lãnh chúa.

Riêng các samurai nữ chỉ được phép thực hiện nghi lễ này khi có chỉ thị.

Trước khi tự mổ bụng, các samurai được tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ trắng, ăn bữa ăn yêu thích cuối cùng. Khi bữa ăn kết thúc, dao mổ bụng được đặt ngay trên đĩa. Các samurai thường để lại di bút (thường là một bài thơ) trước khi tiến hành nghi lễ tự mổ bụng.

4. Tự ướp xác

Sokushinbutsu là cách gọi các nhà sư tự ướp xác mình. Theo tư liệu, tục tự ướp xác hầu hết diễn ra ở các ngôi chùa cổ ở tỉnh Yamagata, miền Bắc Nhật Bản. Khoảng 16 đến 24 xác ướp đã được tìm thấy tại đây.

Để tự ướp xác mình, các nhà sư phải trải qua một quá trình khổ luyện đau đớn. Trong vòng 3 năm, các nhà sư phải tuân theo chế độ ăn uống vô cùng khổ hạnh chỉ có các loại hạt để loại bỏ mỡ trong cơ thể.

Ba năm tiếp theo, họ chỉ ăn vỏ và rễ cây, kết hợp uống trà độc chế từ nhựa cây Urushi thường dùng để sơn bát. Loại trà này gây nôn mửa và làm mất dịch cơ thể và quan trọng nhất, độc chất trong trà sẽ giết chết tất cả các sinh vật có thể gây thối rữa cơ thể sau khi chết.

Giai đoạn cuối cùng, nhà sư tự ướp xác sẽ nhốt mình trong một nhà mồ bằng đá không lớn hơn cơ thể mình là mấy và ngồi thiền. Thứ duy nhất kết nối họ với thế giới bên ngoài là chiếc ống thở và một chiếc chuông.

Mỗi ngày, nhà sư sẽ rung chuông để những người bên ngoài biết mình còn sống. Khi không nghe thấy tiếng chuông rung nữa thì điều đó đồng nghĩa với việc nhà sư đã chết, ống thở sẽ được bỏ đi và nhà mồ được bịt kín lại.

5. Tục thiên táng ở Tây Tạng

Thiên táng là một tục lệ mai táng rùng rợn tồn tại lâu đời ở Tây Tạng. Thi thể người chết sẽ bị xả ra làm nhiều mảnh nhỏ và mang lên đỉnh núi làm mồi cho các loại động vật, đặc biệt là các loài chim ăn xác thối như kền kền.

Những phần cứng còn lại như xương sẽ được đập nhỏ, nghiền ra trộn với mạch nha cho lũ quạ và diều hâu ăn. Người Tây Tạng coi kền kền là “thần điểu” nên họ tin rằng người chết sẽ sớm được siêu thoát nếu thi thể được kền kền ăn hết.

Chính phủ Trung Quốc đã cấm hủ tục này vào những năm 1960.

6. Bó chân

Bó chân được xem là nét văn hóa của người Trung Quốc. Tục lệ này có từ khoảng 1.000 năm trước, bắt đầu từ thế kỷ 10 cho tới tận đầu thế kỷ 20. Các bé gái tầm 6 tuổi hoặc nhỏ hơn sẽ được mẹ hoặc bà bó chân trước khi khung xương chân của đứa trẻ có cơ hội phát triển.

Trước tiên, bé gái sẽ sẽ được ngâm từng chân trong nước lá dược thảo và máu động vật ấm nhằm ngăn ngừa sự hoại tử. Sau đó, tất cả móng chân sẽ bị cắt càng sâu càng tốt để tránh đâm vào thịt và gây nhiễm trùng sau đó.

Những dải băng bằng lụa hoặc cotton dài khoảng 3m và rộng 5cm dùng để bó chân cũng được ngâm vào hỗn hợp dược thảo và máu động vật tương tự.

Từng bàn chân sau đó sẽ bị bẻ gãy và cuốn gọn vào trong những dải băng ướt này, nén thật chặt đến kiệt nước,kéo giật mạnh về phía gót chân. Đôi khi người ta còn tạo ra những vết cắt sâu ở lòng bàn chân để công việc này được dễ dàng.

Bệnh phổ biến nhất thường gặp sau khi bó chân là nhiễm trùng. Móng chân sẽ mọc dài ra, đâm vào thịt làm rữa thịt, đôi khi làm rụng cả ngón chân.

Căn bệnh này có thể dẫn đến tử vong. Khi trưởng thành, người bó chân có thể gặp nguy hiểm với những vấn đề về sức khỏe.

7. Đấu súng hoặc đấu kiếm

Tục lệ đấu súng hoặc đấu kiếm xuất hiện tại các xã hội phương Tây từ thế kỷ 15 cho tới tận thế kỷ 20. Tục lệ này chỉ xảy ra giữa cánh đàn ông với nhau.

Ban đầu, đấu tay đôi chỉ phổ biến trong tầng lớp quý tộc nhưng về sau đã lan sang các tầng lớp xã hội khác. Khi bạn xúc phạm một ai đó trong xã hội phương Tây lúc bấy giờ thì bạn sẽ phải tham gia một trận đấu tay đôi bằng kiếm hoặc bằng súng.

Các trận đấu tay đôi thường được diễn ra với mục đích bảo tồn danh dự, bằng cách chứng minh rằng họ sẵn sàng chết để bảo vệ danh dự của mình.

8. Tịnh thân

Tịnh thân để trở thành thái giám phục vụ trong cung cấm là một tập tục có từ lâu đời ở Trung Quốc. Theo tư liệu, cuối đời nhà Minh có tới 70.000 hoạn quan phục vụ trong Tử cấm thành.

Dưới các triều đại phong kiến Trung Quốc, một số hoạn quan được sủng ái trao cho quyền hành lớn tương đương với thủ tướng bây giờ.

Các thái giám thường được tuyển vào cung từ khi còn là một bé trai khi chưa tự ý thức được về giới tính một cách rõ ràng. Khi chế độ phong kiến lụi tàn ở Trung Quốc, số lượng thái giảm đã giảm rõ rệt xuống còn có 470 người năm 1912.

9. Thê thiếp

Khái niệm thê thiếp dùng để chỉ những phụ nữ trẻ có quan hệ tình cảm không chính thức với một người đàn ông có chức có quyền và đã có vợ.

Những người thê thiếp này có quyền hành hạn chế hơn người vợ cả, thậm chí con cái của họ cũng không được coi trọng bằng con của người vợ chính thất.

Trong xã hội cũ, thê thiếp thường là tự nguyện (do chính bản thân cô gái hoặc gia đình cô gái sắp xếp) vì làm thiếp của những người đàn ông giàu có, họ sẽ không phải lo về kinh tế. Cũng có trường hợp, người phụ nữ không tự nguyện mà bị ép buộc làm nô lệ tình dục.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại