Cậu nhóc đáp xuống Quảng trường Đỏ - 309 sĩ quan Liên Xô mất chức

Đại tá Trần Danh Bảng |

Một vụ hy hữu: Mathias Rust, mới 19 tuổi, phi công nghiệp dư người Đức đã xuyên thủng được "lưới trời" tinh vi của Liên Xô để đáp máy bay xuống Quảng trường Đỏ, ngày 28/5/1987.

LTS: Lực lượng phòng không và phòng không vũ trụ của Nga đang có những bước tiến mạnh mẽ, được trang bị ngày càng nhiều hơn các loại vũ khí, khí tài hiện đại, trong đó có các hệ thống radar tiên tiến bậc nhất thế giới.

Tuy nhiên, để có được những bước tiến ấy, Lực lượng Phòng không - Không quân Liên Xô (sau này là Nga) đã phải "rút sợi dây kinh nghiệm" khá dài.

Trận trọng giới thiệu cùng bạn đọc tuyến bài: Vũ khí nào khiến Nga “nhìn thấy hết trên vòm trời” của Đại tá Trần Danh Bảng về vấn đề này.

KỲ 1: CẬU NHÓC ĐÁP XUỐNG QUẢNG TRƯỞNG ĐỎ - 309 SĨ QUAN LIÊN XÔ MẤT CHỨC

Sau ngày 13-5-2010, khi nắm được tin Mỹ thử nghiệm tên lửa siêu âm Minotaur IV, nguyên Tư lệnh Không quân Nga Anatoly Kornukov và nguyên Cục trưởng Cục Trang bị lực lượng vũ trang Nga Anatoly Sitnov khẳng định:

"Lực lượng phòng không và phòng không vũ trụ của Nga cho đến thời điểm ấy không còn đủ khả năng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho quốc gia".

Nhận định trên của các vị tướng nước Nga có cơ sở:

"Để có thể đánh chặn và tiêu diệt các loại vũ khí tấn công hiện đại này không thể sử dụng hệ thống phòng không thông thường, bởi vì thời gian tên lửa siêu âm bay diệt mục tiêu chỉ được tính bằng phút kể từ khi rời bệ phóng.

Do đó phía phòng thủ sẽ không kịp trở tay để đưa ra các biện pháp bảo vệ mục tiêu an toàn".


Mathias Rust, một “tên nhóc” 19 tuổi, phi công nghiệp dư người Đức đã xuyên thủng được hệ thống PK hiện đại để đáp xuống Quảng trường Đỏ, ngày 28-5-1987

Mathias Rust, một “tên nhóc” 19 tuổi, phi công nghiệp dư người Đức đã xuyên thủng được hệ thống PK hiện đại để đáp xuống Quảng trường Đỏ, ngày 28-5-1987

Từ vụ sơ xảy, 309 sỹ quan Liên Xô mất chức

Hệ thống phòng không Liên Xô thời chiến tranh Lạnh được khẳng định là vững chắc nhất thế giới.

Vậy mà một vụ hy hữu đã xảy ra khi Mathias Rust, một “tên nhóc” 19 tuổi, phi công nghiệp dư người Đức đã xuyên thủng được hệ thống kiểm soát này để đáp xuống Quảng trường Đỏ, ngày 28-5-1987.

Số là vào lúc 13h cùng ngày Mathias Rust điều khiển chiếc máy bay thể thao hạng nhẹ Cessna-172B Skyhawk cất cánh từ sân bay Henxinhki của Phần Lan.

Tới 14h10, Sở chỉ huy phòng không Liên Xô ở Moskva nhận được tin một chiếc máy bay xâm phạm không phận Liên Xô.

Tuy nhiên, đến 15 phút sau, Sở chỉ huy này vẫn chưa đưa ra quyết định xử lý chiếc máy bay như thế nào mặc dù lực lượng phòng không Moskva đã được lệnh vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1.

17h40, khi chiếc máy bay lạ chỉ còn cách Moskva 100 km, sỹ quan phụ trách mảng chiến dịch của lực lượng phòng không Liên Xô Gromi cấp báo lên Trung tâm chỉ huy Phòng không không quân.

Tuy nhiên, nhân viên trực ban đã không báo cáo Tư lệnh Phòng không không quân Koldulov và cũng không đưa ra bất cứ mệnh lệnh nào.

Lúc mạnh nhất, Liên Xô từng có hơn 10.000 đài radar, trên 4000 máy bay đánh chặn cùng mạng tên lửa phòng không dày đặc, họ đã từng bắn rụng máy bay do thám U-2 hiện đại của Mỹ.

Tại sao một lực lượng kiểm soát vùng trời như Liên Xô 1982, tại Viễn Đông đã “rắn mặt” bắn rơi chiếc máy bay 007 của Hàn Quốc khi nó bay vào không phận Liên Xô, mà lại để lọt một chiếc máy bay tư nhân của một chàng thanh niên trẻ tuổi?

Kết cục vụ này 309 sỹ quan quân đội trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Sokolov và Tư lệnh Phòng không - Không quân Koldulov mất chức.

Nặng nhất là Thượng tá Karpes, Sư đoàn trưởng sư đoàn Phòng không - Không quân biên giới của Liên Xô và thiếu tá Chenukh (viên trợ lý Sư đoàn trưởng), còn bị truy tố ra tòa án binh nhận mức án là 5 năm tù giam.

Bài học đau đớn về kiểm soát không lưu và xử lý tình huống này khiến người Nga còn nhớ không quên.


Radar khổng lồ Dnepr-M dù hiện đại đến mấy cũng không giúp được sự chủ quan của con người.

Radar khổng lồ Dnepr-M dù hiện đại đến mấy cũng không giúp được sự chủ quan của con người.

Nguy cơ vùng mù sóng radar

Vào thời điểm từ năm 2000 đến 2010, lĩnh vực phòng thủ không gian của Nga có thể có nguy cơ tăng vùng mù (không phủ sóng radar tầm xa) bởi lẽ, tại 2 địa điểm vốn trước kia có 2 trạm radar cố định công suất lớn, đặt khí tài khổng lồ "Dnepr-M" và "Daryal" buộc bị dỡ bỏ.

Trên hướng hướng tây bắc, Nga mất trạm radar tại Skrunda (Cộng hòa Latvia). Phía Tây nam, gần biển Caspien mất trạm radar Gaballa (vốn thuê đặt trên lãnh thổ của  Azerbaijan, do Bacu đòi giá quá cao, Nga khó chịu nổi).

Sức ép từ chương trình Chương trình ARRMD

“Nhìn thấy trước” đối phương luôn là khát vọng đau đáu của các nhà chỉ huy quản lý vùng trời, kiểm soát không gian vũ trụ.

Trong khi tên lửa Minotaur IV của Mỹ có khả năng tiêu diệt mục tiêu nằm ở bất cứ vị trí nào trên trái đất chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ!

Mẫu tên lửa hành trình siêu âm này là kết quả của Chương trình ARRMD (Affordable Rapid Response Missile Demonstrator sẵn sàng đáp trả nhanh bằng tên lửa) do Cơ quan Nghiên cứu dự án quốc phòng tiên tiến Bộ Quốc phòng Mỹ DARPA phát triển.


Hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ, Rust còn kịp ký tặng cho những người hiếu kỳ, một lúc sau mới bị câu lưu.

Hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ, Rust còn kịp ký tặng cho những người hiếu kỳ, một lúc sau mới bị câu lưu.

Chương trình ARRMD thiết kế và chế tạo tên lửa siêu âm có điều khiển không đối không và hạm đối bờ tầm xa. Cho dù Mỹ vẫn luôn tuyên bố rằng, vũ khí siêu âm mà họ nghiên cứu và chế tạo trước tiên là để khống chế và tiêu diệt khủng bố.

Nhưng theo đánh giá của Nga, Mỹ chế tạo vũ khí siêu âm với nhiều mục đích khác nhằm tiêu diệt các mục tiêu kiên cố của đối phương, (kể cả hầm ngầm ở sâu trong nội địa) cùng các hệ thống PK - phòng thủ tên lửa, giành ưu thế tuyệt đối trên không và trên vũ trụ.

Vũ khí này còn đánh chặn có hiệu quả tên lửa đạn đạo và tiêu diệt các phương tiện tấn công siêu âm của đối phương.

Nga cho rằng, sự xuất hiện của các loại vũ khí như Minotaur IV sẽ làm giảm thiểu ưu thế lá chắn tên lửa - hạt nhân của Nga.

Sườn Tây nước Nga, sát biên giới BaLan bây giờ là lãnh thổ NATO và Nga còn nhiều vùng “ nhạy cảm” khác nữa… Liên bang Nga thì quá rộng và quá dài, bao trùm 11 múi giờ, bao phủ 1 phần 9 diện tích lục địa. Hai điểm xa nhau nhất tại Nga cách nhau tới 8,000 km!

Mỹ lúc này còn đang tiếp tục tiến hành thử nghiệm tên lửa siêu âm có điều khiển X-51A Waverider với trọng lượng phóng 1,1 tấn, trọng lượng đầu đạn 110 kg, bán kính hoạt động 1.200 km, tốc độ bay đầu đạn hơn 2.400 m/giây.

Dự kiến sau năm 2015, Mỹ sẽ bắt đầu trang bị loại tên lửa hiện đại này cho quân đội của mình.

Làm sao để “nhìn thấy trước” đối phương, làm sao để đất nước không bị bất ngờ? Sức ép từ chương trình Chương trình ARRMD thật ngặt nghèo.

(Còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại