"Đại biểu Quốc hội phát biểu hay như ca sỹ hát cùng một bài"

Hoàng Đan |

Theo ĐB Nguyễn Anh Sơn, có nhiều cử tri nêu ý kiến về thực tế, các ĐB Quốc hội phát biểu hay nhưng giống như mọi người đi xem ca nhạc, các ca sỹ hát cùng một bài.

Cần thể hiện bản lĩnh ĐBQH trước nhân dân

Góp ý về dự thảo Nội quy kỳ họp, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, quy định, công dân dự thính (khoản 5, Điều 8) trong dự thảo là nội dung mới, quan trọng.

Cá nhân ông Hùng bày tỏ sự tán thành nhưng đề nghị cần phải quy định theo hướng tạo điều kiện để công dân được dự thính các phiên họp Quốc hội (QH).

"Ba chữ tạo điều kiện phải ghi vào trong nội quy vì người dân có quyền giám sát hoạt động Quốc hội. Quốc hội cũng nên tiếp cận, phát huy và  để người dân đóng góp trí tuệ trực tiếp vào hoạt động Quốc hội ngày càng nhiều càng tốt.

Tôi cũng đề nghị bổ sung 3 nội dung là quy định tạo điều kiện cho công dân; không quy định kèm yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho QH trong điều này vì đó là yêu cầu chung cho cả kỳ họp và có vẻ như ngầm ý hạn chế.

Nên có quy định về cơ chế, hình thức để người dân đóng góp trực tiếp của mình vào hoạt động của QH như hộp thư, phòng trao đổi, bố trí người tiếp...", ông Hùng nêu.

Đồng thời, ông Hùng cũng nêu, nên quy định người được chất vấn nếu trả lời chưa hết phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản những nội dung chưa trả lời.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định về biểu quyết, trong các phiên họp của Hội đồng Dân tộc hoặc các uỷ ban, nếu nội dung cần thiết sẽ tiến hành cơ chế biểu quyết thay cho cơ chế kết luận, để tiến tới xu hướng theo đa số, dân chủ.

Còn đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cũng cho rằng, Quốc hội ta cơ bản là QH tham luận, chưa chuyển sang tranh luận, là vấn đề lớn nhất trong hoạt động QH hiện nay.

Ông Nguyễn Đình Quyền.
Ông Nguyễn Đình Quyền.

Tại Điều 16 về thảo luận chưa quy định để khắc phục chuyện này. Về điều hành phiên họp, có ý nghĩa quan trọng để ĐB phát biểu tham luận và tranh luận, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình. Do đó, cần phải có quy định về điều hành.

Ông Quyền cũng nhìn nhận, việc điều hành Quốc hội đã tốt rồi, nhưng ông vẫn băn khăn về tính không thống nhất của việc điều hành.

"Cần phải có điều quy định về điều hành phiên họp để khắc phục tính tham luận, đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn. Có hàng chục bài chuẩn bị sẵn tương đối trùng nhau", ông Quyền nói.

Vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cũng góp ý, về biểu quyết, QH cần công bố công khai danh tính các ĐBQH biểu quyết hay không biểu quyết, để họ  thể hiện rõ quan điểm của mình trước nhân dân, chịu trách nhiệm của mình... thể hiện bản lĩnh của ĐBQH.

"Điều này các nước làm lâu rồi nên quy định để nhân dân biết được vì biểu quyết là một trong những hoạt động quan trọng nhất của ĐBQH trong thể hiện quan điểm, chính kiến của mình.

Tôi cũng thấy hoạt động của đoàn thư ký kỳ họp lâu nay hoạt  động khá hình thức. Với thiết kế Tổng thư ký QH, tôi mong rằng có sự kết nối chặt chẽ giữa Tổng thư ký QH với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của QH để khắc phục", ông Quyền nhấn mạnh.

Một vấn đề cũng được ông Quyền đặt ra đó là ở nhiều nước có luật vận động hành lang, chúng ta có hợp thức hoá hay không?

"Lâu nay vẫn có cái vận động bên ngoài hành lang về vấn đề nọ, vấn đề kia.  Dù chúng ta có quy định hay không quy định thì đây là một tất yếu trong hoạt động chính trị.

Tôi nghĩ rằng cũng đến lúc chúng ta phải  hợp thức hoá  về vận động hành lang làm sao để nó minh bạch, công khai và trong sáng trong  thể hiện ý chí, nguyện vọng nhân dân", ông Quyền đề nghị.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng đánh giá, nếu cứ như dự thảo thì đương nhiên ĐBQH sẽ tự đánh giá mình là người không chấp hành quy định pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ của đại biểu.

"Phát biểu như ca sỹ hát chung một bài"

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp Hồ Chí Minh) cũng góp ý, việc nhân dân được dự thính được nêu trong Luật tổ chức Quốc hội nên không cần nêu trong Nội quy kỳ họp.

Bà Tâm cũng đề nghị, cần tăng các phiên họp được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để nhân dân theo dõi, giám sát, nhất là với các nội dung quan trọng để người dân theo dõi, giám sát sát chất lượng ĐB khi tham gia vào dự án luật.


ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm.

"Đề nghị QH cần phải dành thời gian để tranh luận. Phần tham luận cũng rất tốt, nhưng bên cạnh đó cứ tham luận như vậy, càng về sau có nội dung trùng.

Có ĐB chuẩn bị sẵn bài, dù ĐB trước đã phát biểu nhưng người sau không nói đồng tình hay không mà vẫn đọc hết bài.

Đề nghị ghi vào nội quy dành 1/3 thời gian để tranh luận, không quy định số lần tranh luận, đến hết thời gian thì thôi.

Tranh luận như vậy để các ĐB khác có thông tin, chắt lọc được vấn đề mình cần phải có chính kiến đẻ chất lượng kỳ họp tốt hơn", bà Tâm nêu ý kiến.

Đồng thời, bà Tâm cũng nhấn mạnh, với phần chất vấn câu hỏi và phần trả lời của người được chất vấn cần phải đúng trọng tâm, tránh trường hợp hỏi một chuyện, tranh thủ báo cáo hoạt dộng của đơn vị mình.

"Đề nghị ghi trong nội quy dành thời gian  (ít nhất 1 buổi) Thủ tướng trả lời chất vấn vì cử tri rất muốn nghe ý kiến của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp chuyện đại sự quốc gia, nói lên tiếng nói của Chính phủ.

Thời gian như hiện nay dành cho Thủ tướng Chính phủ là không thoả đáng", bà Tâm bày tỏ.

Còn đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng nêu, trong phiên họp toàn thể hiện nay có tình hình phổ biến là cử tri người ta nghe, nhất là trong truyền hình trực tiếp, ĐBQH phát biểu rất hay, bài hoàn chỉnh và hình như là cơ cấu giống nhau.

"Rất nhiều nhiều bài phát biểu rất giống nhau, chủ tọa kỳ họp nhiều khi đã nhắc nhở nhưng mà bài chuẩn bị sẵn cho nên vẫn phát. Vì thế cử tri người ta bảo, các bác ĐBQH phát biểu hay lắm nhưng giống như chúng em đi xem ca nhạc, các ca sỹ hát cùng một bài.

Có giọng nam, giọng nữ, giọng cao, giọng thấp, giọng bổng, giọng thanh nhưng toàn một bài cả, cho nên nghe một lúc là thôi tắt tivi vì biết ngay là sau một bác khác lại phát biểu như thế.

Cho nên chúng tôi đề nghị, cần quy định ở điểm c, khoản 3, đại biểu phát biểu tập trung ở điểm gì đó nhưng không trùng ý kiến người khác.

Tôi cũng có một suy nghĩ là nói điều này các đại biểu thông cảm cho tôi là tôi thấy ít đại biểu dũng cảm rút bài phát biểu của mình khi thấy nó gần giống người khác rồi.

Dũng cảm rút đi để cho người khác nói điều mới thì hay quá nhưng mà cơ hội đứng ở diễn đàn Quốc hội nói những điều canh cánh, điều cử tri gửi gắm cho mình thì ít lắm nên người ta nói rồi thì vẫn nói.

Có người nói với tôi, ngoài góp ý vấn đề cụ thể còn thể hiện hình ảnh của mình trước cử tri ở nhà không cử tri lại bảo ông đi họp quốc hội không nói gì cả...", ông Sơn nhấn mạnh.

 

Đại biểu Trần Du lịch
 
Chủ tịch tỉnh 6 tuần lễ ngồi ở hội trường, công việc vẫn trôi chảy, thể thì anh là người thừa. Tại sao không có cơ chế hoạt động đặc thù. Chúng ta minh bạch để cử tri không thắc mắc nay vắng người này, mai vắng người kia. Tại sao, Quốc hội cứ quá giờ một chút là phải về, giống như công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Mong rằng chúng ta đã đầu tư quá tốt, không nên hành chính hoá.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại