Chuyện về Tổng Cục 2 - Kỳ VIII: Đột nhập cơ quan đầu não địch

Trần Xuân |

H67 là một trong những cụm điệp báo chiến lược quan trọng và hoạt động có hiệu quả của Phòng Tình báo Miền trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cụm được thành lập vào tháng 8/1962 tại căn cứ Bời Lời, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; hoạt động ở nội, ngoại thành Sài Gòn.

Xem phần 7: Chuyện về Tổng Cục 2 - Kỳ VII: Điệp vụ trong tù

Cụm tình báo H67 trong chiến dịch Mậu Thân tại nhà đồng chí Ba Lễ (điệp viên H3 - dân biểu Sài Gòn).
Cụm tình báo H67 trong chiến dịch Mậu Thân tại nhà đồng chí Ba Lễ (điệp viên H3 - dân biểu Sài Gòn).

Nhiệm vụ của cụm là chỉ đạo một số lưới điệp báo hoạt động trong lòng địch, thu thập tin tức, tài liệu phục vụ yêu cầu của trên, đồng thời đảm nhiệm việc bảo vệ, đưa đón cán bộ ra vào nội thành Sài Gòn hoạt động và tổ chức thu mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, trang bị kỹ thuật cung cấp cho căn cứ phục vụ đánh địch lâu dài.

Những thành tích, chiến công của cụm gắn liền với công lao của cụm trưởng Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh) - Anh hùng LLVTND.

Lập điện đài giữa sào huyệt Mỹ - ngụy

13 năm hoạt động và chiến đấu trong điều kiện hết sức gian khổ, ác liệt, cụm H67 được tuyên dương: lấy được nhiều tài liệu quan trọng và nhiều tin tức kịp thời, chính xác tầm chiến lược và chiến dịch; tích cực đánh địch, diệt gần 400 tên; phá huỷ hơn 20 xe tăng và nhiều xe bọc thép; bắn rơi 9 máy bay.

Ngày 3/6/1976, cụm H67 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tập thể H67 và các cá nhân còn được tặng thưởng nhiều Huân chương Chiến công các loại, danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Khi Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam, chiến trường căng thẳng, ác liệt. Năm 1966, trong trận đánh với một sư đoàn quân Mỹ, Cụm đã tiêu diệt 40 tên trong ngày đầu tiên, 2 ngày sau mỗi trận diệt 1 xe tăng.

Năm 1967, Sư 1 của Mỹ tổ chức càn quét căn cứ Bời Lời; Cụm H67 đã chiến đấu với địch 5 ngày liên tục, diệt hơn 100 tên Mỹ, 5 xe tăng và 2 chiếc trực thăng. Sau trận này, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Một thành tích đáng kể khác của Tình báo Miền nói chung, cụm H67 nói riêng là đã triển khai hai điện đài: Sài Gòn 1 và Sài Gòn 2 ngay trong thành phố để báo cáo tin tức địch về Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục, coi đây là hai con mắt của Trung ương Cục nhìn tận sào huyệt của Mỹ - ngụy.

Cán bộ của cụm đã anh dũng, mưu trí ra vào nội thành nhiều lần để điều tra các mục tiêu địch, nghiên cứu cách ém quân, cất giấu vũ khí trong quá trình chuẩn bị chiến trường.

Năm 1972, tin tức thu được về địch ngày càng nhiều, nhanh chóng, kịp thời và chính xác hơn.

Chỉ huy cụm H67 đã  tích cực, chủ động nắm địch, thu thập tin tức các đơn vị địch, tổng hợp báo cáo tình hình về cho cụm nghiên cứu, đánh giá, tìm ra kẽ hở của địch để chủ động tiến công hoặc luồn lách, di chuyển tránh địch, bảo toàn lực lượng tiếp tục hoạt động, chiến đấu lâu dài.

Đồng thời bám sát, theo dõi những ổ phục kích, biệt kích của địch để thực hiện các chuyến đưa đón cán bộ, vận chuyển tài liệu vào ra an toàn, góp phần bảo vệ thông suốt, an toàn các đầu mối bàn đạp tiếp nhận thông tin, đưa đón cán bộ từ nội đô Sài Gòn ra chiến khu cũng như từ chiến khu vào Sài Gòn hoạt động.

Đơn vị còn tổ chức bám sát, theo dõi chặt chẽ các cuộc hành quân càn quét, đánh phá của địch ở các tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho…, từ đó móc nối, liên kết với trinh sát kỹ thuật của tỉnh đội, thị đội, huyện đội, tỉnh ủy và huyện ủy Châu Thành cung cấp các tài liệu khóa mã thu được cho các đơn vị bộ đội địa phương tổ chức đánh lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam mùa xuân năm 1975, cụm H67 đã chuẩn bị tốt chiến trường phục vụ bộ đội ta tiến vào giải phóng thị xã và toàn tỉnh Phước Long, đồng thời lập kế nghi binh, chia lực lượng thành nhiều mũi buộc quân ngụy ở 10 đồn bốt và các chi khu quân sự hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện trước khi Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên sóng phát thanh lúc 11h45’ ngày 30/4/1975.

Phương thức sáng tạo trong chuẩn bị chiến trường

Đồng chí Lê Văn Vĩnh (tức Phạm Hữu Nghĩa, Bảy Vĩnh), Cụm trưởng Cụm H67, ba lần được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 6/11/1978.

Lê Văn Vĩnh sinh năm 1926, quê xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Sau khi nhập ngũ (tháng 9/1945), ông được biên chế vào đội biệt động làm nhiệm vụ diệt ác, trừ gian.

Bị địch bắt, tra khảo, ông một mực không khai báo, chúng buộc phải thả, ông trở về đơn vị tiếp tục nhiệm vụ...

Thời gian tập kết ra Bắc, ông được cử đi học trường Sĩ quan Lục quân, ra trường được điều về làm trưởng ban trinh sát một sư đoàn pháo binh.

Năm 1962, Bảy Vĩnh trở lại chiến trường miền Nam phụ trách cụm H67, làm nhiệm vụ xây dựng đường dây giao thông tình báo từ vùng giải phóng vào nội thành.

Địa bàn của cụm đứng chân luôn bị địch càn quét, máy bay đánh phá có ngày 20 lần, ông đã chỉ huy đơn vị chiến đấu bám trụ thắng lợi. Có lần bị thương, ông vẫn không rời vị trí, cùng 5 đồng chí liên tục 2 ngày đêm đánh địch.

Dũng cảm, mưu trí, khôn khéo, Bảy Vĩnh sống hợp pháp ở ngay những khu vực có địch để nắm tình hình kịp thời;  nhiều lần đột nhập những cơ quan đầu não của địch như  Bộ Quốc phòng, Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, lấy được nhiều tài liệu quan trọng, báo cáo cấp trên kịp thời, chính xác...

Trong cuộc đấu tranh cam go giữa lòng địch, ngoài việc chỉ huy đơn vị xây dựng thành công một cụm điệp báo hoàn chỉnh (H67), gồm lưới, giao thông, căn cứ; tổ chức đánh địch, chống càn; nổi tiếng là người chỉ huy gan góc, mưu trí, táo bạo, Bảy Vĩnh đã cùng với cơ sở điệp báo chiến lược làm bình phong, dùng cả máy bay của đối phương bay hàng giờ nghiên cứu, điều tra tỉ mỉ tiểu khu Phước Long và chi khu Phước Bình trong tháng 7/1967, phục vụ kịp thời chiến dịch tiêu diệt chi khu Phước Bình để thu hút địch, mở đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Hình thức kết hợp giữa cán bộ có trình độ quân sự tốt, có bản lĩnh vững vàng, mưu trí và linh hoạt như Bảy Vĩnh với cơ sở tình báo vững và khôn khéo làm bình phong, đã trở thành một phương thức sáng tạo trong công tác chuẩn bị chiến trường có hiệu quả cao của Tình báo Miền.

Xuân 1968, ngoài nhiệm vụ đưa đón cán bộ ra vào thành phố nghiên cứu tình hình, ông còn đột nhập Tổng nha Cảnh sát ngụy, Nha Cảnh sát Đô thành... lấy được nhiều tài liệu quan trọng, đáp ứng yêu cầu của trên. Sau tổng tiến công Mậu Thân 1968, địch phản kích quyết liệt, gây cho ta nhiều khó khăn.

Đơn vị mất liên lạc với trên, cạn nguồn tiếp tế, ông đã kiên quyết lãnh đạo anh em bám trụ đến cùng. Để có vũ khí chiến đấu, ông cùng đồng đội tìm bãi mìn của Mỹ để tháo gỡ lấy thuốc nổ và kíp mìn…

Sau một tháng chiến đấu bằng vũ khí tự tạo, đơn vị đã diệt 11 xe bọc thép của địch.

Chuyển vũ khí, đưa lực lượng lót sẵn trong nội thành

Nhà tình báo Lê Văn Vĩnh (trái) và Ba Lễ trong căn hầm chứa vũ khí.
Nhà tình báo Lê Văn Vĩnh (trái) và Ba Lễ trong căn hầm chứa vũ khí.

Nhằm phục vụ tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở Sài Gòn, đơn vị của Bảy Vĩnh được Chỉ huy Đoàn 22 (Tình báo Miền) giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, điện đài cất giấu vào nội đô để tăng cường lực lượng, phối hợp đánh vào những mục tiêu quan trọng của địch.

Chiều 29 Tết năm 1968, chiếc xe ô tô chở đầy ắp rau xanh che giấu vũ khí, đạn dược rời An Tịnh hướng về Sài Gòn. Bảy Vĩnh và một đồng chí đi xe máy bám sát đằng sau, vượt qua các trạm kiểm soát của địch một cách khá suôn sẻ.

Điểm tập kết vũ khí là một nơi mà có lẽ kẻ địch không bao giờ ngờ tới. Đó là nhà riêng của dân biểu Ba Lễ trên đường Triệu Đà.

Khi nhận nhiệm vụ tổ chức giao, Ba Lễ đã khéo léo bố trí cho vợ con đi nghỉ Tết ở Vũng Tàu. Một mình ông ở lại, vẫn đàng hoàng lái xe đi làm, họp hành như thường lệ.

Sáng mồng một Tết, Ba Lễ đi chúc Tết. Bảy Vĩnh và các đồng chí trong đội công tác ở lại trong nhà Ba Lễ, cất giấu vũ khí vào nơi an toàn.

Xung quanh ngôi nhà dày đặc cảnh sát dã chiến, biệt động, dân vệ đi lùng sục. Mấy anh em vẫn ở yên trên tầng lầu, giữ bí mật, an toàn kho vũ khí cũng như ngôi nhà của Ba Lễ để hoạt động lâu dài.

Sáng mồng 3 Tết, địch bất ngờ gõ cửa nhà Ba Lễ. Trong nhà lúc đó, ngoài tổ của Bảy Vĩnh còn có em rể của Ba Lễ là trung úy, bác sỹ quân y quân đội Sài Gòn, cũng là một cơ sở của ta trong lòng địch.

Bảy Vĩnh và người em rể của Ba Lễ bình tĩnh tiếp đón mấy tên địch. Giữa phòng khách của ông dân biểu là một cành mai rất đẹp được trang trí bằng những tấm thiếp chúc Tết của Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và nhiều quan chức có máu mặt của chính quyền Sài Gòn.

Bọn địch ra lệnh khám xét ngôi nhà, nhưng khi biết đây là nhà dân biểu, lại nhìn thấy mấy tấm thiếp, chúng đổi ý, chỉ kiểm tra giấy tờ. Bảy Vĩnh lúc này trong vai người nhà đến chúc Tết Ba Lễ, một đồng chí khác xưng là người làm công cho gia đình ông dân biểu.

Xem giấy xong, chúng bắt “người làm công” giải đi vì tội trốn quân dịch, Bảy Vĩnh thoát vì đã quá tuổi quân dịch. Mưu trí, bình tĩnh, ra đến cửa, thấy đông đồng bào, dân chúng kéo đến, đồng chí này lợi dụng sơ hở của địch, nhanh chóng trốn thoát.

Kho vũ khí, điện đài được bảo vệ an toàn trong nhà Ba Lễ và sau này phát huy tác dụng to lớn trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Trong chiến dịch lịch sử này, Bảy Vĩnh nhiều lần ra vào thành phố nghiên cứu các mục tiêu quan trọng, có nhiều sáng kiến chuyển vũ khí và đưa lực lượng lót sẵn trong nội thành.

Ông đã chỉ huy một tổ đột nhập Bộ Tổng Tham mưu ngụy, tạo điều kiện cho đơn vị bạn tiến công, hoàn toàn làm chủ mục tiêu.

(Viết nhân 70 năm ngày thành lập ngành Tình báo Quốc phòng)

(Còn nữa)

Đại tá, anh hùng LLVTND Lê Văn Vĩnh từ trần ngày 8/10/2008. Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 3; Huân chương Quân công hạng nhì, ba; Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, 3 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”;  Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại