Vũ khí cổ lỗ có thể "xơi tái" hàng loạt tàu Mỹ nếu cản đường TQ

Hải Vy |

Kể từ thế chiến II, số tàu chiến của Hải quân Mỹ bị đánh chìm hoặc phá hoại bởi thủy lôi đã cao hơn 4 lần mức độ thiệt hại do các loại vũ khí khác gây ra.

Nếu dùng vũ lực với Đài Loan, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sử dụng mìn hải quân (thủy lôi) trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập để ngăn Mỹ can thiệp.

Đó là nhận định do chuyên gia Lyle Goldstein (Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc, thuộc Trường Chiến tranh hải quân Mỹ) đưa ra trong một bài viết trên tạp chí National Interest.

Trong Thế chiến II, ngoài máy bay ném bom B-29, thủy lôi là loại vũ khí lợi hại giúp Mỹ phong tỏa và làm kiệt quệ nền kinh tế cũng như nhuệ khí của Nhật Bản.

Sau này, Triều Tiên đã sử dụng hiệu quả thủy lôi để chống lại liên quân do Mỹ đứng đầu. Trong Chiến tranh vùng Vịnh, 2 tàu chiến Mỹ cũng bị hư hại nghiêm trọng do thủy lôi của quân Iraq.

Theo Goldstein, có một điều mà các phân tích quốc phòng của Mỹ đều không để ý đến, đó là thủy lôi vẫn là một thành phần nòng cốt trong học thuyết hải quân của Trung Quốc.

Thủy lôi và các loại vũ khí tiền thân của nó đã được sử dụng từ thời Nhà Minh vào thế kỷ thứ 14.

Mặc dù không gây chú ý như những loại tên lửa đạn đạo chống tàu tiên tiến, tên lửa hành trình chống hạm siêu âm và vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc, thủy lôi vẫn là thứ vũ khí có khả năng được sử dụng như một chiến thuật then chốt.


Tàu USS Samuel B Roberts từng bị hư hại do thủy lôi của quân Iraq vào năm 1988.

Tàu USS Samuel B Roberts từng bị hư hại do thủy lôi của quân Iraq vào năm 1988.

Vài năm trước, một vị giáo sư thuộc Học viện tàu ngầm Qingdao của Hải quân Trung Quốc đã phát biểu rằng thủy lôi vẫn đóng vai trò quan trọng trong tư tưởng tác chiến hải quân của Trung Quốc.

Nhắc lại vụ việc tàu hộ vệ USS Samuel B Roberts (lớp Oliver Hazard Perry) của Mỹ bị hư hại nặng do thủy lôi của Iraq vào năm 1988, vị giáo  sư này cho biết thậm chí một chiếc tàu cá nhỏ với những cải tiến đơn giản cũng có thể tiến hành phong tỏa bằng thủy lôi.

Để chứng minh năng lực phong tỏa bằng thủy lôi của Bắc Kinh trong trường hợp tấn công Đài Loan, chuyên gia Goldstein tiếp tục dẫn chứng một bài viết trên tạp chí "Modern Ships" của Trung Quốc hồi tháng 8/2015.

Theo đó, trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công (có thể kéo dài 4-6 ngày), Trung Quốc có thể triển khai 5.000 - 7.000 quả thủy lôi trong vùng biển xung quan hòn đảo này.

Sau đó, nước này sẽ tiếp tục triển khai thêm 7.000 quả thủy lôi nữa trong giai đoạn 2 của cuộc chiến. Điều đó có nghĩa, hơn 10.000 quả thủy lôi sẽ được rải xuống biển chỉ trong vòng 10 ngày.

Để so sánh, chuyên gia Goldstein cho biết vào năm cuối thế chiến II, trong chiến dịch "Operation Starvation", Mỹ đã rải 12.135 quả thủy lôi xuống các vùng biển xung quanh Nhật Bản.

Trước đó, bài viết trên tạp chí Popular Science (PopSci - Mỹ) năm 2014 cho biết, loại vũ khí đã gây nhiều thiệt hại cho tàu chiến Hải quân Mỹ trong vòng 60 năm qua không phải là ngư lôi, pháo hạm, tên lửa chống hạm hay các vụ tấn công khủng bố, mà đó là thủy lôi.

Theo PopSci, kể từ thế chiến II, đã có 15 tàu chiến của Hải quân Mỹ bị đánh chìm hoặc phá hoại bởi thủy lôi, nhiều hơn 4 lần mức độ thiệt hại do bất cứ loại vũ khí nào khác gây ra.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ lại nhanh chóng quên đi những bài học về thủy lôi trong quá khứ và cắt giảm lực lượng quét mìn một cách nhanh chóng.

Điều này đẩy họ vào một mối nguy hiểm không hề nhỏ, bởi cho đến nay, dù tên lửa dẫn đường là vũ khí tiên tiến để tấn công tàu chiến nhưng thủy lôi và ngư lôi vẫn đóng vai trò quan trọng trong kho vũ khí của hải quân các nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại