“Cả họ làm quan” ở Mỹ Đức và câu chuyện “ngồi giữa đình”

Hà Văn Thịnh |

Hãy thử thống kê xem, trong một trường đại học bất kỳ, một sở nào đó, có bao nhiêu cán bộ được bố trí theo “công thức” dây mơ, rễ má họ hàng?

Những ai từng xem phim truyền hình loại cổ trang nhiều tập không thể không nghe – nhớ một trong những câu nói chứa đầy cái “chất” ích kỷ lạnh tanh: Tổ tiên để lại cho trẫm sơn hà, xã tắc, trẫm phải gắng giữ gìn…

Chuyện cách đây nhiều ngàn năm, cứ lặp đi lặp lại mãi hoài, đến mức, cái gọi là “mặc định” coi quê hương đất nước như của riêng của một dòng họ, là một trong những đặc thù của chế độ phong kiến trì trệ, tối tăm.

Nhưng giờ khác xưa - một trong những câu hát mang lại niềm tin rằng, mọi cái đã đổi thay, kể cả tàn dư quá vãng - cũng đã hết rồi!

Vậy mà, cái chuyện cũ thường ngày đó lại trở thành tâm điểm oi bức của dư luận trong những ngày thu này…

Không day dứt sao được khi “huyện của họ” là một thực tế hiển nhiên ngay giữa… Thủ đô?

Xin nhấn mạnh rằng, đây chỉ là một trong những trường hợp chứ không phải là cái đơn lẻ.

 

Tác giả Hà Văn Thịnh
Tác giả Hà Văn Thịnh

Ở bất cứ đâu trên đất nước, cái quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ” vẫn hiển hiện thường trực, mà huyện Mỹ Đức (HN) chỉ là giọt nước văng ra tức tưởi, bi hài.

Bằng chứng rành rành: 600 phó chủ tịch xã, nguyên là trí thức trẻ (tốt nghiệp ĐH chính quy) được tăng cường về miền núi cách đây 5 năm, tất cả đều trưởng thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thế nhưng, chỉ có 25% số cán bộ đó được bầu vào… cấp ủy (VNN, 19.9.2015)!

Vậy thì 75% chiếc ghế còn lại mà đáng lẽ đội ngũ này được ngồi, đang thuộc về cái ai?

Không thể không đặt câu hỏi: Liệu phần nhiều trong những chiếc ghế đó có thuộc về các dòng họ X, Y, Z nào đó ở 600 xã khắp cả nước, nên các phó chủ tịch trẻ hết cửa đi, về?

Ngay ở trường đại học, ai tin rằng không có chuyện đồng nghiệp “nhờ vả” cho con ngay từ năm thứ nhất để 4 năm sau, có đủ các “tiêu chí” để giữ lại trường?

Hãy thử thống kê xem, trong một trường đại học bất kỳ, một sở nào đó, có bao nhiêu cán bộ được bố trí theo “công thức” dây mơ, rễ má họ hàng?

Nghe, mới giật mình rằng, cụm từ “lợi ích nhóm” chỉ là một uyển ngữ y như phim "cổ trang":  Ở đâu đó, bộ máy hành chính được tân trang theo công thức thời nay, nhưng “chất liệu” huyết thống giống hệt ngày xưa!

Chẳng phải tự nhiên mà hàng triệu người, suốt hàng trăm năm, mãi mê say truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh: Voi chín ngà, gà chín cựa, làm gì có trong lòng sông, ruột biển?

Không thể biện minh trước cái trớ trêu của hiện thực: Con cháu, họ hàng của Bí thư Lê Văn Sang “chung sống hòa bình” để cùng người nhà Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hậu, “có mặt” ở gần hết mọi chức vụ màu mỡ của quyền và lực.

Trong một bộ máy mà cháu làm bí thư, chú là trưởng ban tổ chức, dù được giải trình là “làm quy trình hợp lý”, thì liệu người ngoài có dám phản biện nếu nhìn thấy sự sắp xếp nào đó có vấn đề?

Lần về cội nguồn, sẽ biết vì sao các nhà nước của văn minh phương Đông ra đời trước phương Tây hàng ngàn năm, nhưng đến thế kỷ XVI lại bị phương Tây vượt qua.

Sự phi lý đó bắt nguồn từ nhiều lý do, nhưng sẽ rất có “lý” khi ta nhận ra rằng căn nguyên chủ yếu chính là cách xếp, đặt quyền lực theo dòng họ, huyết thống từ làng xã đến chính quyền Trung ương, của xã hội phong kiến, đã kéo lùi mọi bước tiến của lịch sử.

Nhận xét về sự ra đời của nhà nước Athènes, sau cuộc cải cách năm 508 trước công nguyên của Clisthène, F. Engels nhấn mạnh:

“Nó phá bỏ dứt khoát, vĩnh viễn mọi ràng buộc huyết thống của tổ chức thị tộc cũ” (F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước).

Trong khi đó, phương Đông thiết chế nhà nước theo mô hình… làng. Dòng họ nào có thế lực nhất có quyền chiếm giữ vị trí quan trọng nhất (ngồi giữa đình).

Chính vì thế, nên suốt 5 ngàn năm, dẫu có hàng trăm nhà nước khác được dựng lên, thay thế, vẫn chỉ có một mô hình duy nhất là các vị vua chuyên chế với câu nói cửa miệng đã dẫn ở trên.

Cái cách thức nhức nhối của dòng họ nắm giữ mọi quyền hành đã dẫn đến vô số hệ lụy:

Chẳng hạn, lợi ích dòng họ luôn được đặt trên, trước lợi ích dân tộc; Mọi tài năng có nguy cơ tiềm tàng đe dọa đến sự độc tôn đều bị vô hiệu hóa hay loại trừ dần; Mọi ý tưởng cải cách đều được “phân tích” trên cơ sở có phá vỡ cơ cấu quyền lực của dòng họ hay không.

Vì thế, những thay đổi (nếu có) chỉ mang tính nửa vời (sự nửa vời của đổi thay còn nguy hại hơn cả việc không thay đổi); Giá trị của bách tính thực ra chỉ là công cụ phục vụ cho dòng họ.

Ngoài ra, sự đồng thuận trên thực tế chỉ là sự nhất trí cao của một dòng họ nắm quyền, được cụ thể hóa bằng vài người chủ chốt nắm thực quyền…

Nói như thế để thấy rằng, cái cơ cấu quyền lực huyết thống của ngày xưa ấy, nó ghê gớm đến mức nào trong việc gây ra những hiểm họa khôn lường.

Luồng gió mới của chính quyền do dân, vì dân, về cơ bản đã thổi bay cái khung cảnh ngột ngạt của ám ảnh quá khứ.

Tuy nhiên, vẫn còn đó Mỹ Đức và một bộ phận không nhỏ cán bộ ở chẳng ít địa phương ở nước ta, vẫn tìm mọi cách, “biến hóa” cái gánh nặng của quá khứ thành cái ách trì trệ của tương lai.

Đất nước muốn đi lên, “sánh vai với cường quốc năm châu” như ước vọng của Hồ Chủ tịch, dứt khoát phải đoạn tuyệt với cách nghĩ, thói làm của “văn hóa làng” nhiều hệ lụy.

Bộ máy sẽ tốt, đẹp, nếu lựa chọn cán bộ theo một tiêu chí duy nhất đúng là tài năng – phẩm hạnh – hiệu quả, bất kể người đó thuộc dòng họ nào, sinh ra và lớn lên ở địa phương nào!

“Bài học” từ Mỹ Đức buộc ta phải liên tưởng đến chuyện thường ngày ở… huyện. Không thể chấp nhận cái cơ cấu dòng họ đã và đang cản trở xu thế tất yếu của đổi thay.

Chẳng lẽ đến tận bây giờ vẫn chưa chịu hiểu rằng, việc nước ta, trong không ít lĩnh vực, thua kém cả Lào, Campuchia, vẫn chưa phải là một thực trạng đáng buồn?

Huế, 20.9.2015

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại