Tại sao không dạy trẻ đừng nhổ nước bọt ở chốn đông người?

Hà Văn Thịnh |

Chuyện nghe rất khó tin nhưng lại là sự thật: Nền giáo dục của ta ra đời và phát triển hơn 70 năm, vậy mà, dường như vẫn cứ loay hoay tìm một “con đường” để đi cho đúng!?

“Con đường” trong trường hợp này có nhiều nghĩa, vừa là triết lý giáo dục lại vừa là phương pháp, cách thức để xây dựng “nền móng” của tình cảm, tư duy…

Mới đây, dư luận nổi sóng bởi cái chuyện dạy kỹ năng sống (Skill of Life) cho trẻ với “bài học” đi trên… mảnh vỡ thủy tinh (!).

Mẩu chuyện minh họa Bạn An dũng cảm để dạy học sinh tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thảm thủy tinh trong cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1”.
Mẩu chuyện minh họa Bạn An dũng cảm để dạy học sinh tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thảm thủy tinh trong cuốn sách “Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1”.

Không ai có thể tưởng tượng nổi làm sao cái tư duy kỳ lạ đó lại có thể “sống thoát” khỏi một quy trình dài dằng dặc: Từ cái đầu của TS. Phan Quốc Việt đến ban kiểm duyệt dài từ A tới Z. Và dĩ nhiên, không thiếu sự thẩm định của các chuyên gia giáo dục…

Những cái được gọi là “lỗi” đó, thật ra, chẳng đáng gì nếu so sánh với vô vàn những cái “lỗi” khác nhiều hơn, đáng báo động hơn.

Chẳng hạn, mỗi năm cả nước có hàng ngàn trẻ bị đuối nước nhưng các cấp học chẳng hề dạy trẻ học bơi (hoặc chỉ học trên giấy).

Các trường đại học thi nhau bắt sinh viên học môn… thể dục, cho dù họ đã đủ quyền công dân, có tư cách để dựng vợ, gả chồng?

Hệ lụy thì ai cũng thấy, nhưng điều đáng ngạc nhiên là những thói hư, tật xấu (nếu không muốn dùng những từ như tội ác, hay đạo đức xuống cấp, văn hóa bị xám hóa, đen hóa...) liên tục tăng theo cấp số nhân…

Trước khi bàn tới các nguyên nhân và đề xuất giải pháp, xin kể vài câu chuyện rất nhỏ.

 

Tác giả Hà Văn Thịnh
Tác giả Hà Văn Thịnh

Cháu ngoại tôi học mẫu giáo ở trường Bồ Công Anh (Đà Nẵng) – ngôi trường có hiệu trưởng là một người đã từng học và làm nghề dạy trẻ ở Nhật hàng chục năm - đã làm cho ông liên tục bị shock vì cách ứng xử không giống như cha mẹ, ông bà thưở trước.

Một lần, đưa cháu đi mua đồ chơi, tôi góp ý nên mua cái này, cái kia, nó quay ngược lại hỏi: “Đồ chơi để cháu chơi, sao ông không cho cháu chọn?”. Cái “loa” của ông “hỏng” tuyệt đối.

Mua xong, trên đường về, cháu nói phải ghé qua nhà bạn Kẹo, bạn Bánh… Tôi nói, trưa rồi, về ăn cơm kẻo ba mẹ đợi. Nó nói: “Không được, vì cô giáo dặn khi có đồ chơi mới phải chia sẻ với bạn bè”.

Đúng hay sai, thỏa đáng đến đâu, tôi chẳng dám lạm bàn nhưng rõ ràng, đứa trẻ 5 tuổi mà tôi thấy nó khác hẳn những đứa trẻ cùng lứa, được học các chương trình theo cách của ta.

Đòi hỏi phải thay đổi triết lý và tư duy giáo dục, không chỉ là vấn đề nguyên tắc mà còn là mệnh lệnh và bổn phận.

Tại sao không bỏ - thay ngay những bài giảng đạo đức dài lê thê, chỉ có tác dụng làm xói mòn cảm xúc và tăng thêm tính chịu đựng nguy hại trước những cái nhàm rẻ, sáo mòn?

Tại sao không dạy trẻ những kỹ năng sống giản dị nhất như nhổ nước bọt ở chốn đông người là không được, ngay trong sân nhà mình cũng không nên vì có thể bị hiểu là xúc phạm nhà hàng xóm, mà lại dạy trẻ đi trên… thủy tinh, điều mà cả cố tổ nó cũng chẳng làm được?

Tại sao sinh viên đại học không biết chọn cho mình môn thể thao mình thích mà phải học, phải thi (trượt nhiều vô kể, hành hạ điểm số còn hơn cả vô số) 52 động tác thể dục?...

Không ít sinh viên, giảng viên, giáo viên chẳng hề biết đến những lỗi ứng xử căn bản.

Tại sao dùng đũa gắp thức ăn cho người khác trong đám cưới hay liên hoan chẳng bị coi là thiếu văn hóa. Tại sao cái đũa dính đầy nước bọt của anh lại bắt tôi nhận?

Tại sao anh gắp cá cho tôi trong khi tôi thích ăn thịt? Anh làm thế có phải là xâm phạm quyền riêng tư của tôi không? Anh có biết khẩu vị, tình cảm, sự dốt nát là những cái chẳng bao giờ có thể góp ý hay khuyên răn?

Một chuyện khác: Trong một cuộc vui, thích lên là gọi A, B đến mà không cần biết, không thèm hỏi ý kiến C và D rằng tôi mời A, B có được không? Vì coi đây là chuyện… đương nhiên nên cuộc tàn, đánh nhau vỡ đầu là cái hệ lụy đương nhiên.

Rất mong các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh đọc và suy ngẫm bắt đầu từ vài ví dụ rất sơ lược trên đây.

Hãy tin rằng, giáo dục cho trẻ hãy bắt đầu từ những bước đi đầu tiên, nhỏ, cụ thể, giản dị, thiết thực chứ không phải là những công thức giáo điều mang tính tuyên truyền.

Một trong các LỖI lớn nhất của nền giáo dục hiện nay là chính trị hóa cả những trái tim non nớt của tuổi thơ. Làm như thế, chúng ta đang tạo nên vô số các ông cụ non đầy khiếm khuyết…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại