Hòa bình ở Ukraine: Giấc mơ còn quá xa vời!

Minh Thu |

Giấc mơ lập lại hòa bình tại miền đông Ukraine trở nên ngày càng xa vời khi cả hai bên tham chiến là quân chính phủ Kiev và phe ly khai không sẵn lòng thi hành các điều khoản của thỏa thuận Minsk 2.

Trong bối cảnh chiến sự tại Donetsk đang nóng trở lại, ngoại giao vẫn được xem là giải pháp quan trọng nhằm kết thúc tình trạng đổ máu ở miền đông Ukraine. Song, hơn một năm qua, các bên tham chiến vẫn chưa sẵn lòng cùng nhau hợp tác để triển khai giải pháp lập lại hòa bình.

Sau vài tháng tạm ngừng tiếng súng, các cuộc giao tranh và giàn vũ khí hạng nặng đã xuất hiện trở lại ở khu vực xung đột giữa quân chính phủ Kiev và phe ly khai miền đông Ukraine.

Theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, trong hơn một năm qua, cuộc chiến ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của khoảng 6.400 người và khiến 15.900 người bị thương. Phần lớn cơ sở hạ tầng kinh tế ở miền đông Ukraine đã bị phá hủy hoàn toàn sau các cuộc tấn công.

Ngay cả trong giai đoạn thi hành thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 từ tháng Hai, cả quân chính phủ Kiev và phe ly khai thân Nga vẫn nhiều lần lên tiếng đổ lỗi cho nhau là thủ phạm khơi mào tấn công.

Vòng xoáy cáo buộc

Như thường lệ, sau khi các cuộc giao tranh bùng phát dữ dội hồi tuần trước, cả hai bên tham chiến đã đổ lỗi cho nhau là thủ phạm nã đạn pháo trước.

Thậm chí, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng các đợt tấn công của phe ly khai có sự trợ giúp của quân đội Nga.

Nhà lãnh đạo Ukraine còn yêu cầu binh sĩ chính phủ chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trước khả năng xảy ra một cuộc xâm lược “toàn diện” do Nga tiến hành dọc khu vực biên giới giữa hai nước.

“Số lượng binh sĩ Nga tập trung tại khu vực giáp biên giới Ukraine đã lớn hơn rất nhiều so với năm ngoái”, The Moscow Times dẫn lời Tổng thống Poroshenko phát biểu trước quốc hội Ukraine hồi tuần trước.

Chia sẻ với hãng tin RIA Novosti, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, ông Igor Konashenkov đã ngay lập tức phủ nhận mọi cáo buộc của Tổng thống Poroshenko.

Moscow cho rằng chính quân đội Kiev khơi mào các cuộc tấn công ở miền đông Ukraine trước thời điểm diễn ra hội nghị nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Đức trong hai ngày 7 - 8/6.

Những lời cáo buộc của Kiev sẽ là cái cớ để giới lãnh đạo phương Tây, những người vốn cáo buộc Moscow can thiệp vào chiến sự ở miền đông Ukraine, kéo dài thêm lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.

“Chính quyền Ukraine đã có những hành động làm khuấy động tình hình căng thẳng nhiều lần trước thời điểm diễn ra một số sự kiện quốc tế quan trọng”, RIA Novosti dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitry Peskov.

Phát biểu trước giới phóng viên Ý trước chuyến thăm tới Milan, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc Nga khơi mào căng thẳng ở miền đông Ukraine.

Theo ông Putin, việc lập lại nền hòa bình Ukraine sẽ yêu cầu chính quyền Kiev đảm bảo quyền tự trị tại Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Donetsk tự xưng.

“Vấn đề hiện nay là chính quyền Kiev không muốn ngồi xuống để đàm phán với các nhà lãnh đạo tại Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Donetsk tự xưng. Nga không thể tác động gì.

Chỉ có các đối tác châu Âu và Mỹ mới có thể tạo ảnh hưởng với Kiev”, Tổng thống Putin nhấn mạnh các lệnh trừng phạt và đe dọa chống lại Nga sẽ không thể làm thay đổi tình hình thi hành thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2.

Không gì đáng ngạc nhiên

Con theo ông Vladimir Yevseyev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Chính trị ở Moscow, chính những thất bại trong đường lối ngoại giao đã đẩy xung đột tái diễn là điều không thể tránh khỏi.

 Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama là hai trong số 7 lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị G7 trong 2 ngày 7 - 8/6.

 Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama là hai trong số 7 lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị G7 trong 2 ngày 7 - 8/6.

“Cả hai bên tham chiến đã khôi phục lại sức mạnh và điều động lực lượng”, ông Yevseyev, người từng đưa ra dự đoán chính xác hồi tháng Ba về việc cuộc chiến tại miền đông Ukraine sẽ bùng phát trở lại vào tháng Sáu trả lời tờ The Moscow Times qua điện thoại.

“Điều đáng lo ngại là phần lớn lực lượng pháo hạng nặng đã quay trở lại vị trí chiến đấu như trước thời điểm diễn ra các cuộc thảo luận thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2”, ông Yevseyev nhấn mạnh.

Một trong những điều khoản quan trọng nhất trong thỏa thuận Minsk 2 là hai bên tham chiến tiến hành rút lui các loại vũ khí hạng nặng khỏi khu vực chiến tuyến.

Tuy nhiên, theo ông Yevseyev, thậm chí hiện nay, một số loại vũ khí đã được đưa tới sát đường chiến tuyến và giao tranh có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Chỉ có một lựa chọn

Ngay cả Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xung đột và Chính trị tại Kiev, ông Mikhail Pogrebinsky cũng khẳng định không có gì đáng ngạc nhiên về việc các cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine bùng phát trở lại.

“Rõ ràng, Kiev không muốn đàm phán với phe ly khai bởi các lãnh đạo ly khai luôn bị coi là quân ‘khủng bố’”, ông Pogrebinsky nói.

Theo ông Pogrebinsky, giải pháp ngoại giao giải quyết khủng hoảng cần đi kèm với việc tổ chức những cuộc bầu cử dân chủ nhằm trao quyền quản lý hợp pháp cho các thủ lĩnh ly khai.

Những cuộc bầu cử này cần có sự giám sát của giới quan sát viên châu Âu, Ukraine và Nga. Và đây chính là giải pháp để tiến tới chấm dứt xung đột toàn diện ở Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại