Vì sao Nga đột nhiên công bố nhiều vụ bắt nghi phạm phản quốc?

My Lan |

Trong thời điểm khoảng cách giữa Nga và phương Tây ngày càng sâu sắc do xung đột Ukraine, danh sách người Nga bị bắt vì cáo buộc phản quốc lại dài ra một cách bất ngờ.

Báo Nga The Moscow Times dẫn lời chuyên gia an ninh Andrei Soldatov nhận định, hoạt động tình báo gia tăng không phải là điều mới mẻ trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng như ở Ukraine.

Song việc bắt giữ nhiều nghi phạm phản quốc đã làm sáng tỏ động cơ của những người thực hiện.

Ngày 9/2, Toà án Moscow xác nhận, Seigei Minakov, binh sĩ hải quân Nga phục vụ trên tàu chở dầu ở biển Đen đã bị cáo buộc làm việc cho tình báo nước ngoài.

Gennady Kravtsov là nghi phạm đầu tiên bị bắt hồi tháng Năm năm ngoái vì tình nghi tiết lộ bí mật nhà nước.

Thế nhưng, vụ việc trên chỉ mới được báo chí Nga đăng tải hồi tuần trước. Không có bất cứ thông tin nào về nghề nghiệp hay cuộc sống riêng tư của Kravtsov được tiết lộ.

Tương tự, tin tức về vụ bắt giữ nhà khoa học hạt nhân Vladimir Golubev từ tháng 7/2014 cũng chỉ vừa mới được công bố tuần trước.

Ông Golubev bị buộc tội phản quốc vì một bài báo đăng trên tạp chí học thuật của Séc mà theo Cơ quan An ninh Liên bang Nga FSB, là chứa các bí mật quốc gia.

Yevgeny Petrin, một nhân viên tại Nhà thờ Chính thống giáo Nga tự nhận là đặc vụ FSB, cũng phải đối mặt với cáo buộc cung cấp thông tin cho Mỹ.

Vậy nhưng, chỉ cho tới khi bà mẹ 7 con Svetlana Davydova bị bắt giam hôm 21/1, thông điệp được gửi gắm qua các vụ bắt giữ nghi phạm phản quốc mới thực sự rõ ràng.

Truyền thông Nga đưa tin, Davydova bị bắt giam vì gọi điện cung cấp thông tin về hành tung của lính Nga cho Đại sứ quán Ukraine ở Moscow.

The Moscow Times dẫn lời ông Soldatov nhận định, vụ việc của Davydova được coi là nổi bật hơn cả vì cô dường như là trường hợp thí điểm đầu tiên cho bộ luật đã được sửa đổi năm 2012 của Nga về tội phản quốc.

Theo bộ luật này, định nghĩa về tội phản quốc đã được mở rộng - từ tiết lộ bí mật nhà nước thành cung cấp bất cứ thông tin nào được cho là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia Nga.

"Cô ấy không xâm nhập vào bất cứ đâu, không liên hệ với bất cứ điệp viên nước ngoài nào... Chỉ một cuộc gọi tới Đại sứ quán Ukraine là đủ".

Chuyên gia Nga đánh giá, các vụ bắt giữ gần đây được thúc đẩy bởi "mong muốn thoát khỏi sự kiểm soát từ bên ngoài" và ẩn chứa thông điệp Kremlin muốn gửi gắm tới người dân: "Cẩn thận hơn nữa khi liên lạc với người nước ngoài".

Mặt khác, theo ông Soldatov, "FSB cố gắng gây ấn tượng với Tổng thống Putin", muốn "thể hiện rằng họ tích cực, họ có việc để làm và họ vẫn đang hoạt động trên mặt trận Ukraine".

Ông này cho hay, một mục đích nữa đằng sau làn sóng bắt giữ ở Nga, có thể là phản ánh "mong muốn tăng cường ý thức của người dân về việc Moscow đang bị phương Tây tấn công".

"Nếu nói phản gián thực sự, thật quá lạ lùng khi FSB bắt giữ nghi phạm. Phản gián không phải là bắt giữ, nó là một trò chơi, một trò chơi kéo dài.

Ví dụ, anh cần phải vạch trần điệp viên của Ukraine. Trong trường hợp này, anh không bắt giữ tên đó, anh cần phải đợi chờ một cách kiên nhẫn, có thể là vài tháng, để xem có thể phanh phui ra loại mạng lưới gián điệp nào".

Ông Mark Galeotti, giáo sư các vấn đề toàn cầu tại Đại học New York (Mỹ), chuyên nghiên cứu về an ninh Nga, cũng đồng ý với quan điểm của người đồng nghiệp ở Moscow.

Học giả Mỹ dự đoán, thông điệp mà giới chức Nga muốn gửi đi là, "việc giao du với người nước ngoài và đặc biệt là cung cấp thông tin cho họ, là một hành động nguy hiểm".

Tất cả các nghi phạm Nga đều phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm, song do phải giữ bí mật vì lý do an ninh, chi tiết về những vụ việc này gần như không được tiết lộ, cũng không rõ khi nào các phiên xét xử sẽ diễn ra.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại