Lần đầu Anh - Mỹ bất đồng về khủng hoảng Ukraine

AnhTú |

Trong khủng hoảng Ukraine, Anh và Mỹ thường có tiếng nói chung với nhau đến mức chỉ cần Mỹ nói trước là Anh hưởng ứng liền. Nhưng trong diễn biến gần nhất, Anh đã có tiếng nói trái chiều với Mỹ trong khủng hoảng Ukraine.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond khẳng định Anh sẽ không viện trợ vũ khí cho Ukraine, đồng thời khẳng định "một giải pháp ngoại giao" là biện pháp cần thiết trong cuộc xung đột.

Tuyên bố của Anh đưa ra giữa lúc giao tranh giữa quân chính phủ và quân ly khai ở Ukraine đang leo thang và Mỹ vừa tuyên bố không loại trừ khả năng gửi "vũ khí sát thương cho Ukraine, nếu hòa đàm bất thành".

Một tuyên bố có vẻ trái chiều Mỹ của Anh cho thấy London cũng ngại đổ dầu vào lò lửa Ukraine.

Ông Hammond cho biết giao tranh ở đông Ukraine chỉ giống như một "chiến tranh thông thường quy mô nhỏ".

Do đó, Ngoại trưởng Anh nói rằng Anh chỉ cung cấp thiết bị quân sự không gây chết người - như mũ bảo hiểm, áo giáp và nhiên liệu - cho lực lượng vũ trang Ukraine để giúp ngăn ngừa tổn thất.

Ông còn nói mỗi quốc gia trong liên minh NATO nên tự quyết định xem có viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine hay không.

Tuy nhiên, Anh cũng khẳng định sẽ làm mọi cách để cho quân đội Ukraine không bị sụp đổ.

Thái độ của Anh thay đổi khiến nhiều người bất ngờ. Bởi vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon bố rằng nước Anh sẽ đóng vai trò chính trong lực lượng phản ứng nhanh của NATO sắp được thành lập ở Đông Âu.

Ông Fallon tuyên bố Anh sẽ gửi 1.000 binh sĩ và 4 máy bay hiện đại RAF Typhoon để trợ uy cho các quốc gia vùng Baltic.

Động thái thay đổi của Anh có thể do áp lực từ trong nước. Tuần trước, tướng Sir Richard Shirreff đồng thời là cựu chỉ huy hàng đầu của NATO, đã chỉ trích chính phủ của Thủ tướng David Cameron trong chính sách đối ngoại ở Ukraine khi chỉ biết núp bóng Mỹ.

Ông cho rằng nước Anh đang thi hành "chính sách ngoại giao không thích hợp ", trong khi Pháp và Đức lại tỏ rõ vai trò mũi nhọn trong nỗ lực hòa bình.

"Vương quốc Anh là một thành viên quan trọng của NATO, là một thành viên chính yếu của EU, đồng thời là thành viên (thường trực) của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Và thật không may là Thủ tướng và Chính phủ Anh chẳng có ký lô nào trong các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng này (Ukraine)", Shirreff nói trên BBC.

Ông Shirreff cảnh báo chính sách đối ngoại của ông David Cameron đang là làm suy yếu ảnh hưởng của Anh trên trường quốc tế.

Phải chăng vì các áp lực mà quan điểm của chính phủ Anh lúc này ngả theo hướng mềm dẻo của châu Âu hơn là cứng rắn của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại