Trung Quốc "bẽ mặt" vì muốn mua Tu-22

Chúc Sơn |

Trả lời câu hỏi của Trung Quốc về việc bán máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, Nga đã thẳng thắn không bao giờ bán cho Trung Quốc loại máy bay này.

Hai lần bẽ bàng

Thông tin này được tờ Russian Military Analyst (Nga) số ra ngày 3/1 khẳng định Nga đã từ chối đề nghị bán máy bay Tu-22 cho Trung Quốc.

Russian Military Analyst, nhận định Bắc Kinh muốn mua máy bay ném bom chiến lược Tu-22 của Moskva để thay thế các chiến đấu cơ H-6 đã già cỗi từ thời Chiến tranh Lạnh của lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Được biết đây không phải là lần đầu tiên Nga từ chối thẳng thừng đề nghị của Trung Quốc về việc bán máy bay này.

Theo đó, hãng ITAR-TASS ngày 24/1/2013 dẫn nguồn tin từ Cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga cho biết không có chuyện nước này bán hơn 30 chiếc oanh tạc cơ tầm xa Tu-22 cho Trung Quốc.

Cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga phủ nhận thông tin mà một số website của Trung Quốc khi tung tin cho rằng Nga chuẩn bị bán cho Trung Quốc 36 chiếc máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22.

ITAR-TASS dẫn nguồn tin giấu tên từ Rosoboronexport cho hay tất cả các thông tin được đăng tải trên các website của TQ và Nga đều là tin vịt.

Máy bay ném bom hạng nặng Tu-22M3

Máy bay ném bom hạng nặng Tu-22M3

Trước đó, các trang mạng của Trung Quốc cho biết Nga đã đồng ý bán cho Trung Quốc một số máy bay oanh tạc Tupolev Tu-22 với giá trị khoảng 1,5 tỉ USD. Sau khi máy bay được giao cho Hải quân Trung Quốc, chúng sẽ mang tên H-10.

Tất cả sẽ có 36 chiếc, đợt đầu giao 12 chiếc và đợt sau giao 24 chiếc. Máy bay siêu thanh Tu-22 có tầm hoạt động xa, có thể tấn công các tàu chiến khi bay ở độ thấp để tránh radar.

Mặc dù được chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, máy bay Tu-22 sau đó đã được nậng cấp với những thiết bị hiện đại, đặc biệt là Raduga Kh-22, tên lửa tầm xa chống tàu.

Các nhà phân tích quân sự cũng nói rằng các máy bay Tu-22 sẽ cung cấp thêm phương tiện cho Trung Quốc trong chính sách tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông; hay nói cách khác, đây là một đe dọa mới cho Hải quân Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương.

Trung Quốc mua Tu-22 để làm gì?

Ngoài Tu-22, Bắc Kinh còn muốn Moskva bán cho máy bay ném bom hạng nặng khác là Tu-60 và cả Tu-95.

Theo kế hoạch này, Hải Nam sẽ là nơi có căn cứ không quân dành cho các oanh tạc cơ nhằm có thể tấn công bất kỳ quốc gia nào không “nghe lời” Trung Quốc.

Trong đó, 2 loại vũ khí mà Trung Quốc mong chờ nhất là Tu-22 (hay còn được gọi là BackFire C) và Tu-95MS (còn được gọi là Bear H).

Tham vọng của PLA còn lớn hơn khi nhắm vào cả Tu-160 “Black Jack”, đây oanh tạc cơ lớn nhất, nhanh nhất và trọng tải lớn nhất trên thế giới.

Phải nhắc lại, Tu-22 và Tu-160 từng là nỗi khiếp sợ hạt nhân với Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh, do có tốc độ ngang bằng một chiếc máy bay tiêm kích và tầm hoạt động cực kì rộng.

Tu-22 “BackFire C” là thế hệ thứ 3 của dòng Tu-22, được Nga bảo dưỡng và sử dụng từ những năm 1993. Tuy nhiên, đến hiện tại, Tu-22 vẫn được đánh giá rất cao nhờ tốc độ của nó.

Vào năm 2005, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu thương vụ mua bán này, khiến Hoa Kỳ vô cùng lo ngại vì Tu-22 và Tu-160 là 2 loại oanh tạc cơ có vận tốc rất lớn và không khác gì một chiếc tiêm kích siêu âm trên không.

Hơn nữa, trọng tải cực lớn và khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa của nó có thể nguy hại cho Hoa Kỳ và các đồng minh tại Đông Á.

Tuy nhiên dù theo đuổi tham vọng này nhiều năm nhưng hồi đầu năm 2013, người phát ngôn của Tập đoàn hàng không Tupolev đã tuyên bố:

“Chúng tôi sẽ không bán Tu-22 cho Trung Quốc do những hành vi gây rối của họ ở các vùng biển quốc tế, và hơn hết là Trung Quốc có khả năng sao chép lại một phiên bản tương tự, điều mà họ đã từng làm với Su-27, Su-30 và cả Su-33.”

Trung Quốc khá bực bội trước hành động này của Tupolev nhưng mọi thứ Tupolev nói là có cơ sở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại