Nguyên BT Bộ GD&ĐT: “Thời chúng tôi không có chuyện quay cóp”

Đình Phong |

(Soha.vn) - Nhân câu chuyện thầy giáo Đỗ Việt Khoa chống tiêu cực, GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc cho rằng nếu “dạy thực, học thực” thì không có gian lận trong thi cử.

Hành động của “người đương thời” Đỗ Việt Khoa trong việc chống gian dối, thành tích trong thi cử, đặc biệt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông “vạch trần” tình trạng quay cóp, giải đề thi tập thể, thu tiền trái phép học sinh…đã tạo ra hai luồng ý kiến giữa người đồng tình và người phản đối thậm chí dùng lời lẽ khiếm nhã, chửi bới…

Mở rộng vấn đề ấy là câu chuyện là tại sao bộ phận không nhỏ người dân lại ủng hộ gian lận, thành tích trong thi cử và làm thế nào để hạn chế tình trạng này.

Trò chuyện với chúng tôi về vấn đề này, GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc (nguyên là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từ tháng 2/1987 – 1990) cho rằng: “Tôi thấy rằng sai từ người học, người dạy cho đến người quản lý. Vì vậy, nếu người nào chống lại điều ấy thì bị trù dập và không nhận được sự đồng tình của đa số. Cần phải xem lại, người chống tiêu cực trở thành thiểu số mất rồi!”.

GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc cho rằng nếu “dạy thực, học thực” thì không có gian lận trong thi cử.
GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc cho rằng nếu “dạy thực, học thực” thì không có gian lận trong thi cử.

Giải thích rõ hơn về câu nói này, Giáo sư Phạm Minh Hạc nêu ra quan điểm:

Thứ nhất, việc giáo dục ở nhà trường có tốt không, dạy tốt học tốt có làm thực không? Nếu “dạy thực, học thực” thì làm gì có tiêu cực. Trước không có chuyện coi cóp như bây giờ, thi xong mà “phao” trắng cả sân trường, phòng thi…cảnh đó chỉ có cách đây vài năm gần đây.

Nhân đây, ông kể câu chuyện: “Thời chúng tôi đi học ngồi bàn ghế liền nhau, không bao giờ người này liếc sang bài của người khác thậm chí là không cần có thầy giáo trông mà là học sinh tự trông nhau. Ngày xưa chúng tôi thi nghiêm túc, thi khó lắm nhưng không hề có chuyện quay cóp. Thời chống Pháp học sinh cấp 3 rất ít, 9 tỉnh (Liên khu 3) mới có 1 trường cấp 3, cả Việt Bắc có 1-2 trường cấp 3 và tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cấp 3 là rất thấp”.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, “thả lỏng” trong phòng thi là “giúp đỡ” học sinh để có bằng tốt nghiệp cấp 3, là “thương” các em 12 năm học vất vả. Về điều này, GS.VN.NGND Phạm Minh Hạc phản ứng gay gắt: “Cái đó là làm hại các em, nặng hơn là giết chết các em học sinh chứ không phải thương. Nếu nói nghiêm túc là sự vô trách nhiệm của những thầy cô làm như thế và phải bị kỷ luật.

Các nhà giáo ấy có làm tốt việc dạy không? Các trò có làm tốt việc học không? Quan trọng là có đạo đức, tự trọng và hiểu biết chứ không phải là tấm bằng. Đối với những học sinh không đủ sức thi tốt nghiệp, tại sao chúng ta không loại trước từ cuối lớp 9, đầu lớp 10? Ở các nước khác, họ phân luồng trình độ tri thức của học sinh, các em có thể rẽ con đường khác như học nghề nếu không đủ khả năng theo học nữa”.

GS Phạm Minh Hạc cho rằng cho học sinh coi cóp trong phòng thi là làm hại, thậm chí giết chết các em chứ không phải là thương các em.
GS Phạm Minh Hạc cho rằng cho học sinh coi cóp trong phòng thi là làm hại, thậm chí giết chết các em chứ không phải là thương các em.

Thứ 2, mục đích dạy và học bây giờ là…bằng? GS cho rằng, cái gốc của việc học là học để có tri thức thật chứ không phải cái bằng, là thành tích. Nếu sai mục đích thì gian lận chắc chắn có, bằng mọi con đường học sinh coi cóp để có kết quả. “Mục đích của chúng ta đâu có được mọi người quán triệt như vậy, chúng ta quá lệ thuộc vào thi cử, vào tâm lý khoa cử…chứ không phải tri thức”, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng, gần 16 nghìn cử nhân ra trường thất nghiệp nhưng người ta vẫn lao vào các trường đại học như thiêu thân? Sinh viên cầm tấm bằng đại học treo ở nhà, không kiếm được việc làm và trở thành gánh nặng cho gia đình…là điều đáng buồn và bài toán khó cho ngành giáo dục.

“Nước ta với trình độ như thế này cần nhiều công nhân, người thợ lành nghề, kỳ thi đại học lấy vài chục vạn người để làm gì, mở 500 trường đại học, cao đẳng để làm gì. Hãy xác định mở trường với mục đích gì? Để đào tạo hay để thương mại, kinh doanh?, GS đặt câu hỏi.

Trước đó, chúng tôi đưa tin cư dân mạng đang xôn xao về việc  một nữ sinh có lời lẽ chửi mắng, xúc phạm đòi đánh thầy Khoa vì chống tiêu cực sau vụ việc ông cung cấp những hình ảnh học sinh lộn xộn, quay ngang ngửa trao đổi bài vở trong giờ môn Ngữ Văn tốt nghiệp ngày 2/6 vừa qua tại Hội đồng thi Trường THPT Nam Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình).

Status với nội dung như sau: “Theo mình thì các em 96 nên tìm th*** này đánh cho một trận, đầu đất không thể chịu được! 12 năm ăn học nên chả thầy cô nào muốn học sinh mình trượt tốt nghiệp cả…! Học giỏi thì càng quý! Mà dốt lại càng thương…! Kiểu tỏ ra mình dám lên tiếng vì vụ giáo viên ném phao nhưng thưa thầy là thầy ngu ****””.

Và trả lời báo Điện tử Trí Thức Trẻ, người đương thời Đỗ Việt Khoa khẳng định: “Đó là điều bình thường tôi đã gặp phải trước đó. Và tôi sẽ chống tiêu cực đến lúc không thể làm được, không còn sức khỏe, không làm việc được nữa…”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại