Chống tiêu cực và chuyện con PGS Văn Như Cương thi trượt đại học

Thiên Di - Nguyễn Tiến |

(Soha.vn) - “Tôi ủng hộ việc phanh phui gian lận thi cử và phản đối những ai a dua “ném đá”, nói xấu, đe dọa những người dám đứng lên chống tiêu cực”.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa tiếp tục vạch trần gian lận bằng việc cung cấp cho báo chí hình ảnh, clip ghi lại tình trạng lộn xộn trong phòng thi tại Trường THPT Nam Lương Sơn (Hòa Bình) vào buổi thi ngày 2/6 vừa qua.

Ngay lập tức, sự việc này tạo ra “cuộc chiến” trong dư luận giữa một bên là những người đồng tình ủng hộ việc làm của thầy Khoa và một bên phản ứng mạnh mẽ, gay gắt thậm chị là dùng lời lẽ xúc phạm người chống tiêu cực.

Trước những lời lẽ của một nữ sinh bày tỏ trên facebook cá nhân rằng muốn tìm gặp thầy Khoa để đánh và dùng lời lẽ hăm dọa, khiếm nhã, PGS.TS Văn Như Cương – một người thầy nhiều năm dìu dắt học trò và nguyên là Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói: “Học sinh nghĩ do thầy Khoa quay clip gian lận tại trường nên các em không đỗ được tốt nghiệp vì vậy có lời lẽ dọa đánh. Tôi cho rằng đó là hành động thiếu suy nghĩ, bồng bột của em nữ sinh này và rõ ràng đó là việc làm sai”.

PGS.TS Văn Như Cương hoan nghênh, ủng hộ người chống tiêu cực trong giáo dục.
PGS.TS Văn Như Cương hoan nghênh, ủng hộ người chống tiêu cực trong giáo dục.

Ông nói rằng, ông cũng nghe thông tin thầy Đỗ Việt Khoa để máy quay tại nhà dân và chĩa sang quay lén ghi lại hình ảnh trao đổi bài của học sinh tại Trường THPT Nam Lương Sơn. Nhưng Sở GD&ĐT Hòa Bình đã khẳng định rằng có tình trạng học sinh lộn xộn một lúc và giám thị đã kịp chấn chỉnh, không đáng nghiêm trọng để lập biên bản, xử lý kỷ luật.

Theo vị PGS này thì tiêu cực là có và đa phần mọi người đều coi đó là bình thường, đương nhiên. Vì vậy, ông khẳng định quan điểm: “Tôi ủng hộ người dám đứng lại chống tiêu cực, phản ánh gian lận trong thi cử, có thể bằng việc quay clip gian lận trong phòng thi và cung cấp cho cơ quan bộ ngành liên quan, báo chí. Tôi cho rằng đó là điều hoàn toàn đúng và đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người băn khoăn, nhiều luồng ý kiến tranh cãi về nên hay không nên “thả lỏng” thi tốt nghiệp THPT. Nếu chỉ trích như vậy thì còn ai dám đứng lên chống tiêu cực nữa”.

Trước quan điểm “thương” học sinh nên “giúp đỡ” các em trong phòng thi hoặc làm ngơ trước hành động gian dối, PGS.TS Văn Như Cương nhấn mạnh đó là suy nghĩ sai lầm bởi: 

“Mình thương học trò hôm nay nhưng làm hại cả thế hệ sau, họ sẽ noi gương việc làm đó. Đó là tình thương không đúng cách, cảm thông nhưng làm trái với nguyên tắc, không công bằng với những học sinh khác. Tôi tuyệt nhiên phản đối tâm lý “các em vất vả 12 năm học nên bỏ qua, thả lỏng để học sinh chép bài, gian dối. Nếu như vậy thì cần học để làm gì? Đó mới là điều nguy hiểm nhất”, PGS Văn Như Cương khẳng định.

Hình ảnh do thầy Khoa cung cấp về việc học sinh trao đổi bài trong phòng thi.
Hình ảnh do thầy Khoa cung cấp về việc học sinh trao đổi bài trong phòng thi.

Nhân sự việc này, PGS Văn Như Cương kể câu chuyện về “không chạy chọt, không gian dối, không xin xỏ” trong gia đình mình nhiều năm về trước.

“Hồi tôi làm ở khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, con tôi đăng ký dự thi vào khoa Toán nhưng thiếu nửa điểm. Nhiều người nghĩ rằng tôi sẽ “chạy chọt” vì có nửa điểm thôi nhưng tôi nói với con rằng: “Không con ạ, thiếu nửa điểm ta sẽ thi lại năm sau”. Và năm sau con tôi thi đỗ khoa tiếng Nga.

Câu chuyện thứ 2 về bà nhà tôi, khi tôi còn dạy ở Trường ĐH Sư phạm Vinh, nhà tôi cầm hồ sơ đi xin việc tại một trường trong tỉnh. Tôi đạp xe chở vợ tôi đến Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An nhưng tôi đứng ngoài chờ mà không vào. Sau đó, vợ tôi cầm tờ quyết định đi dạy tại một trường rất xa. Nhiều người nói rằng, tại sao tôi không chạy chọt, nhờ vả để vợ tôi về trường gần nhà…Nhưng tôi nói không và sống như thế đến bây giờ”, ông kể lại.

Theo PGS thì hiện nay tiêu cực trong thi cử, giáo dục là có. Tuy nhiên, để chống được tiêu cực, gian lận thì bản thân Hội đồng thi, giám thị phải làm hết mình, làm nghiêm minh cũng giống như việc người dân tham gia giao thông thấy đèn đỏ sẽ dừng lại nếu thấy công an và ngược lại.

“Học sinh đi thi cũng thế, nếu giám thị lơ là bỏ qua thì các em lộn xộn, trao đổi, quay cóp…Còn nếu thầy nghiêm chỉnh thì học sinh không dám làm điều gian dối. Cho nên, chống tiêu cực trong phòng thi thì vấn đề cơ bản là kỷ luật tốt, giám thị nghiêm minh.

Gian lận phải cương quyết, phải được tiêu diệt đặc biệt trong giáo dục thì nhất định không được phép”, vị PGS gần 80 tuổi trăn trở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại