Đã đến lúc Trung Quốc phải dừng lại!

Y. Dương (TH) |

(Soha.vn) - Ngoài những lập luận tráo trở, một chiều và ngang ngược chưa từng có của giới chức Trung Quốc thì nước này đang “trắng tay”.

Hôm 5/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã vu cáo và bịa đặt trắng trợn như sau: "Đến nay, phía Việt Nam đã đâm vào các tàu Trung Quốc ở hiện trường hơn 1.200 lần và giăng những vật thể trôi nổi cùng các chướng ngại vật lớn”. Ông này còn vu khống tàu nước ta “quấy nhiễu giai đoạn khoan thứ hai từ ngày 27/5”.

Một hành động bất tuân luật pháp quốc tế, xuyên tạc sự thật của Trung Quốc nữa là trong công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Việt Nam dùng cả tàu vũ trang để quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Trung Quốc.

Thế nhưng, ai sẽ tin Trung Quốc? Trong khi đó, Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ bằng chứng là video ghi lại cảnh tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam. Bằng chứng này đã và sẽ được cung cấp rộng rãi ra quốc tế. Cùng với đó, hôm 5/6, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu thông tin, tính từ ngày 3/5 tới nay, các tàu Trung Quốc đã đâm, va, phun nước gây hư hỏng cho 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.

Nhìn lại thời gian hơn 1 tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chiêu bài vu khống, bịa đặt đã được phía Trung Quốc liên tục sử dụng.

Thế nhưng, đã đến lúc Trung Quốc phải dừng lại những hành động không thể chấp nhận nêu trên. Bởi, ngoại trừ những lập luận tráo trở, một chiều và ngang ngược chưa từng có của giới chức nước này thì họ đang “trắng tay”.

Thứ nhất, Trung Quốc “trắng tay” vì nước này không hề có được một sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Philippines lên tiếng phản đối Trung Quốc. Indonesia phản bác một số quan điểm từng được Trung Quốc dùng để ngụy biện cho hành động gây căng thẳng với Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston cảnh báo Trung Quốc: "Việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông và biển Đông là không thể chấp nhận được".

Hôm 4/6, lãnh đạo nhóm nước G7 (gồm Mỹ, Nhật, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh) đã ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại về mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước Châu Á khác trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuyên bố này cũng ngầm cảnh báo Trung Quốc về những hành động dọa dẫm, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc ép buộc.

Tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore, các cường quốc như Mỹ, Australia, Nhật Bản cũng đã phản đối những hành động của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Việc bài độc diễn 10 phút của ông Vương Quán Trung (Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc) vào giờ chót của đối thoại vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ nhiều chuyên gia và dư luận quốc tế là những tín hiệu cảnh tỉnh để nước này phải “xem lại mình”.

Thứ hai, họ “trắng tay” vì chính người dân Trung Quốc không hề ủng hộ mà liên tục đưa ra những cáo buộc, nghi vấn.

Độc giả của hàng loạt diễn đàn mạng như Sohu, Sina, weibo.com … lên tiếng phản đối. Nhà báo Chu Phương, biên tập viên của Tân Hoa Xã đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cực lực phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Đặc biệt, một nhà nghiên cứu về Luật Biển Trung Quốc – ông Lý Lệnh Hoa đã ròng rã phản đối nước này trong suốt 10 năm trời.

Thứ ba, Trung Quốc “trắng tay” với những chứng cứ lịch sử về chủ quyền Biển Đông.

Tiến sĩ Tạ Văn Tài, luật sư, cựu giảng viên và hiện đang là nghiên cứu viên tại Trường Luật Harvard (Mỹ) đưa ra một vài chứng cứ trên tờ Quân đội nhân dân: “Việt Nam có khoảng 30 tư liệu về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tính từ đời các Chúa Nguyễn tới đời nhà Nguyễn. Các thư tịch cổ và nguồn sử liệu mà Việt Nam có được cho tới nay đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc đều xác định đảo Hải Nam là cực Nam biên giới phía Nam Trung Quốc và không hề vẽ Hoàng Sa và Trường Sa.

Thêm một chi tiết mới đó là, trong bản đồ Trung Quốc cổ mà Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp ông này tới thăm Đức trong chuyến công du châu Âu hồi đầu tháng 4 vừa qua không có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời vua Càn Long (1736-1795), do nhà bản đồ học người Pháp là Giăng Báp-tít-xtê An-vin (Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville) vẽ và được một nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735”.

Bên cạnh đó, hàng loạt tuyên bố của Trung Quốc, như “Tuyên bố về lãnh hải” năm 1958, “Luật ngư nghiệp” năm 1986 và “Vùng đặc quyền khai thác kinh tế” năm 1998 cũng không đề cập tới biển Đông. Nếu có đề cập cũng chỉ là “đường tưởng tượng” không có mốc giới hạn nên không có giá trị pháp lý. Theo tờ Tầm Nhìn.

Truyền thông quốc tế nhận định, hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc bị sứt mẻ. Nước này sẽ đứng trước tình cảnh bị cô lập, mất nhiều hơn được. Mọi mục tiêu, lợi ích của Trung Quốc đều đã bị tổn hại nặng nề trong việc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

TS. Sally Wood, một học giả Úc cũng từng nhận định: “Trung Quốc đang xói mòn tính tin cậy của mình cũng như tổn hại đến danh tiếng họ trên thế giới”.

Trong một bài phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã khẳng định: “Trung Quốc đã sai lầm khi quyết tâm cưỡng đoạt chủ quyền của Việt Nam, bất chấp những điều tối thiểu mà một quốc gia trong thế giới văn minh phải thực hiện”.

"Trung Quốc đang mất rất nhiều thứ do cách hành xử của nước này đối với láng giềng. Điều này gây thiệt hại to lớn cho Trung Quốc trong khu vực, trên thế giới và cả trong tòa án dư luận quốc tế", ông David Shambaugh, chuyên gia an ninh về Trung Quốc tại Đại học George Washington cũng từng nói.

Như vậy, dù Trung Quốc trắng trợn bóp méo sự thật, hành xử vô nhân đạo với tàu của ngư dân Việt thì sự “trắng tay” của nước này sẽ “vạch mặt” họ trước toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đã đến lúc, quốc gia này phải dừng lại!

>> Xem thêm clip: Tàu Trung Quốc mở đường dụ tàu Việt Nam vào giàn khoan Hải Dương 981 

(Nguồn: VTV)

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại