Xử bầu Kiên: “Tòa hiểu rồi”

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Tại phiên xử bầu Kiên, khi được chủ tọa lưu ý không lặp lại những nội dung đã được luật sư khác trình bày, luật sư Nam đã “xin tiếp thu ý kiến của chủ tọa”.

Sáng nay, phiên xét xử bầu Kiên và các đồng phạm được tiếp tục với các phần trình bày bản bào chữa của các luật sư đối với các bị cáo bị cáo buộc có hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Là người bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ, luật sư Phùng Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng kết luận trong bản luận tội của đại diện VKSND vẫn còn thiếu cơ sở, vì việc hợp tác đầu tư cổ phiếu không bàn về việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB.

Theo luật sư Tuấn, việc hợp tác đầu tư cổ phiếu có tính thanh khoản cao giữa các doanh nghiệp là chuyện bình thường. Trên cơ sở lời bào chữa của mình và của các đồng nghiệp tại tòa, luật sư Tuấn khẳng định rằng thân chủ của ông không phạm tội.

Luật sư Phùng Anh Tuấn - người bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ (Ảnh: Tuấn Nam)
Luật sư Phùng Anh Tuấn - người bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ (Ảnh: Tuấn Nam)

Đến phần mình bào chữa, luật sư Kiều Vũ Thị Uyên – người tham gia cùng bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Cang cho rằng đối với quyết định cấp hạn mức 700 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu là hoạt động nằm trong hàng loạt chủ trương khác của Ngân hàng ACB, nhưng không có chủ trương cấp tiền cho Công ty ACBS mua cổ phiếu Ngân hàng ACB. Bị cáo Cang không có bất kỳ động thái nào trong việc mua cổ phiếu Ngân hàng ACB.

“Đối với việc ủy thác tiền gửi, việc ủy thác gửi tiền trước tháng 1/2011 là không sai. Việc gửi tiền sau năm 2011 dù đúng, dù sai cũng không liên quan đến bị cáo Cang vì thời điểm đó ông Cang đã không còn là thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, đã chuyển sang làm việc tại Ngân hàng khác. Ông Cang cũng không được hỏi tham gia ý kiến. Việc này được ông Trần Xuân Giá xác nhận với luật sư.

Ngay cả trong trường hợp xác định ông Cang vẫn là thành viên HĐQT của Ngân hàng ACB sau tháng 1/2011, dù việc gửi tiền không đúng là không đúng với thời điểm (sau năm 2011) chứ chủ trương, nghị quyết về việc gửi tiền là không sai ở thời điểm năm 2010”, luật sư Uyên trình bày.

Trên cơ sở đó, luật sư Uyên cho rằng, việc quy kết bị cáo Cang là đồng phạm với bị cáo Nguyễn Đức Kiên là không có cơ sở.

Bổ sung bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa về tội Cố ý làm trái, luật sư Vũ Xuân Nam (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Điều kỳ lạ là cơ quan điều tra không có động thái thu hồi số tiền 718 tỷ đồng bị chiếm đoạt, khác với động thái thu hồi số tiền 264 tỷ đồng mà bầu Kiên bị quy kết là lừa đảo để chiếm đoạt của tập đoàn Hòa Phát”.

Luật sư Vũ Xuân Nam - người bào chữa cho bầu Kiên (Ảnh: Tuấn Nam)
Luật sư Vũ Xuân Nam - người bào chữa cho bầu Kiên (Ảnh: Tuấn Nam)

Theo luật sư Nam trong một số hồ sơ vụ án, một lượng tiền lớn chiếm đoạt đã được thu hồi đã được thu hồi, trong khi kết luận thì bảo số tiền này bị Huyền Như chiếm đoạt. Theo ông Nam, tiền của Vietinbank mới là mục tiêu để Huyền Như nhắm tới chứ không phải là tiền của ACB.

Do cho rằng luật sư trình bày nhiều lần cùng một nội dung về cách thức Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền, chủ tọa phiên tòa đã nhắc nhở luật sư và yêu cầu trình bày nội dung khác. Khi luật sư giải thích về phần bào chữa của mình, HĐXX nhắc: “Tòa hiểu rồi”.

Chủ tọa phiên tòa lưu ý luật sư rằng là người bào chữa bổ sung nên luật sư cố gắng tập trung vào phần bào chữa của mình, trình bày ngắn gọn, tránh lan man, lặp ý. Trước ý kiến của chủ tọa như vậy, luật sư Vũ Xuân Nam đã cảm ơn và “xin tiếp thu ý kiến của chủ tọa”.

Trước đó, bầu Kiên đã nhiều lần giơ tay ra hiệu xin được phát biểu trong phần tranh luận nhưng chủ tọa phiên tòa cho rằng, theo quy định, các luật sư sẽ trình bày trước và bị cáo trình bày sau.

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại