Mở đầu buổi xét xử vụ án bầu Kiên và các đồng phạm vào chiều nay, 28/5, luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) đã trình bày bản bào chữa của mình cho bị cáo Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang.
Liên quan đến hành vi Huyền Như chiếm đoạt tiền, luật sư Tâm cho rằng: Để xác định hành vi của thường trực HĐQT Ngân hàng ACB có vi phạm hay không thì phải chứng mình hậu quả thiệt hại của ACB. Thiệt hại này đang trở thành kết quả của 2 vụ án, tạo nên hiện tượng gọi “án chống án”, một tiền lệ chưa có trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Có lẽ xác định được vấn đề này nên trong phần luận tội, đại diện VKSND đã xác định: Vì hậu quả thiệt hại ở vụ án khác, nên không xét đối với hậu quả của vụ án này.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm khẳng định: “Huỳnh Thị Huyền Như lấy tiền từ túi của VietinBank chứ không phải lấy tiền của Ngân hàng ACB. Chính vì thế Huyền Như không lừa đảo ACB mà lừa đảo chính ngân hàng VietinBank. Và việc mất 718 tỷ đồng không phải là hậu quả của việc ủy thác nhân viên gửi tiền vào VietinBank”.
Theo vị luật sư này, cáo trạng truy tố bị cáo Trịnh Kim Quang về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ở thời điểm luật các tổ chức tín dụng 2010 chưa có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn ủy thác tiền gửi. Với lý do này, luật sư Tâm cho rằng hành vi của bị cáo Quang không vi phạm luật tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 vì trước ngày 1/1/2011, không cấm cá nhân gửi tiền vào cho ngân hàng khác.
Luật sư Tâm dẫn chứng: “Quyết định 742 của NHNN là văn bản duy nhất hướng dẫn ủy thác, đã không cấm việc ủy thác gửi tiền. Các văn bản sau vẫn hướng dẫn tiếp tục thực hiện. Và đến thời điểm này, khi đang xét xử, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn gửi tiền vào các tổ chức tín dụng…
Ngân hàng ACB đã thực hiện ủy thác từ năm 2005, cho nên quyền lợi đương nhiên của tổ chức tín dụng này là tiếp tục thực hiện ủy thác. Cho nên, nếu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hành vi này vi phạm thì Ngân hàng Nhà nước phải tự xác định trách nhiệm của mình”.
Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Lê Vũ Kỳ - ông Phùng Anh Tuấn cho rằng chuyên môn của ông Kỳ là công nghệ thông tin nên trong các cuộc họp chủ trương ủy thác gửi tiền, ông Kỳ luôn tin tưởng ban kiểm soát và đồng ý đối với quyết định của ban lãnh đạo HĐQT Ngân hàng ACB.
Theo vị luật sư này, nếu có xảy ra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như và ACB là nạn nhân thì cơ quan chức năng không thể bắt nạn nhân phải chịu trách nhiệm. Và nếu không xảy ra hành vi lừa đảo của Huyền Như thì số tiền của ACB vẫn nằm trong VietinBank. Và vì vụ án Huyền Như chưa có bản án cuối cùng nên chưa thể kết luận việc ACB bị thiệt hại 718 tỷ đồng. Như vậy là chưa phát sinh hậu quả như trong cáo buộc bị cáo Lê Vũ Kỳ có hành vi Cố ý làm trái.
Đến phần mình tại phiên tòa, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) - người bảo vệ cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (bị cáo Tuấn bị cáo buộc đã có hành vi Cố ý làm trái) cũng khẳng định: Đối với hành vi Cố ý là trái ở đây không có thiệt hại. Thiệt hại được nhìn nhận hai khía cạnh. Thứ nhất là đại diện ACB không có thiệt hại đối với hành vi của các bị cáo. Thứ hai bản án hình sự đối với Huyền Như đang có kháng cáo, kháng nghị nên chưa xác nhận thiệt hại của ACB.
Theo vị luật sư này, bị cáo Tuấn tham gia cuộc họp với chức danh PGĐ ngân hàng ACB nhưng với tư cách là khách mời vì không thuộc thành viên thường trực HĐQT. Bản thân trong Nghị quyết của HĐQT, Tuấn cũng không được ký tên. Hành vi chiếm đoạt tiền của Huỳnh Thị Huyền Như xuất phát từ ý chí cá nhân, không liên quan đến việc bị cáo Tuấn trở thành thường trực HĐQT ngân hàng ACB cho nên việc cáo buộc ông Huỳnh Quang Tuấn có hành Cố ý làm trái là không thỏa đáng.
Bầu Kiên trả lời thẩm vấn trước tòa:
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA