Tin vui lớn từ nghị trường gửi tới các ngư dân đang bám biển

Minh Quân |

(Soha.vn) - Từ nghị trường trở về quê hương, các đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Ngãi mang tin vui lớn “làm quà” cho các ngư dân đang ngày đêm bám biển.

Chiều 28/5, trước khi rời Thủ đô về với Quảng Ngãi, ông Trịnh Đình Thạch – Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã chia sẻ với phóng viên Trí Thức Trẻ về món quà mà đoàn của ông mang từ nghị trường về gửi tặng các ngư dân đang ngày đêm bám biển.

- Trước khi tham dự kỳ họp Quốc hội lần này, các ngư dân đang ngày đêm bám biển có gửi gắm tâm tư, nguyện vọng gì gửi đến đoàn đại biểu của tỉnh không thưa ông?

Trước khi tham dự kỳ họp quốc hội lần này, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến của cử tri liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Là đại biểu của tỉnh có vùng biển mà Trung Quốc thường xuyên xâm phạm, không chỉ các cử tri, chúng tôi cũng rất quan tâm chuyện đó.

Trong những ngày qua, Trung Quốc ngày càng gia tăng tần suất các hành động va chạm mang tính chất bạo lực làm cho các tàu của ta bị hư hỏng, ngư dân bị thương tích… Tình hình đang ngày càng trở nên phức tạp khi họ dịch chuyển giàn khoan khoảng hơn 20 hải lý so với vị trí ban đầu.

Do vậy, ngư dân rất mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn về mặt chính sách, đầu tư để họ yên tâm bám biển.

Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm tới các vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như các chính sách xóa đói giảm nghèo, đầu tư cho ngư dân….

Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi - Trịnh Đình Thạch
Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi - Trịnh Đình Thạch

- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất dành khoản tiền 35.000 tỷ đồng tiết kiệm được từ việc rà soát cắt giảm đầu tư các dự án giao thông để dành đầu tư đóng tàu lớn cho ngư dân ổn định sản xuất, yên tâm bám biển. Ông có bình luận gì về tuyên bố này?

Đúng là thời gian tới có thể Chính phủ sẽ có khoản đầu tư lớn cho ngư dân cả nước nói chung và ở Quảng Ngãi nói riêng. Mặc dù chưa có văn bản chính thức về việc này, nhưng đó quả là tin vui lớn với chúng tôi.

Tôi được biết, với từng ấy tiền nếu trang trải ở khắp các tỉnh ven biển thì rõ ràng không thấm vào đâu cả. Do vậy, lãnh đạo các Bộ có đề nghị tập trung thí điểm ở tỉnh Quảng Ngãi và tôi nghĩ đó là tin vui nhất mà chúng tôi mang về cho cử tri của tỉnh nói chung và các ngư dân nói riêng để họ vững vàng hơn trước đầu sóng, ngọn gió vào thời khắc khó khăn này cũng như mãi mãi về sau.

- Với sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ lớn như vậy, theo ông cần phải sử dụng nguồn vốn đó như thế nào cho hợp lý?

Tôi nghĩ mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo tỉnh hiện nay là làm thế nào để đảm bảo dịch vụ hậu cần nghề cá. Sau đó là tìm nguồn tín dụng để ngư dân đầu tư phát triển.

Về dịch vụ hậu cần nghề cá, theo tôi thứ nhất cần chú trọng tới chuyện bao tiêu sản phẩm. Hiện ngư dân khi đánh bắt dài ngày trên biển rất cần tới dịch vụ này để có thể đưa sản phẩm về bờ sớm, đảm bảo chuyện bảo quản, chế biến.

Chi phí đi biển thường rất lớn trong đó xăng dầu chiếm 3/4 tổng chi phí. Cứ mỗi lần từ ngư trường xa xôi về, các ngư dân có thể phải tới một cảng khác mới tiêu thụ được hàng hóa. Lượng xăng dầu cho mỗi chuyến đi như thế rất lớn. Do vậy, nếu chúng ta có thêm dịch vụ trên, ngư dân sẽ rất có lợi.

Thứ hai là bảo đảm xăng dầu tại chỗ cho ngư dân yên tâm bám biển. Muốn vậy phải có dịch vụ hậu cần nghề cá.

Hoặc cũng có thể làm như lời Bộ trưởng Đinh La Thăng, đóng tàu lớn cho ngư dân thuê rồi họ từng bước hoàn trả tiền cho Nhà nước. Làm như thế không những ngư dân được sử dụng tàu lớn, hiện đại, mang lại hiệu quả cao mà Nhà nước cũng sẽ sớm thu lại khoản vốn đầu tư và theo tôi đó là hướng khả quan hơn cả.

  • Cả nước đang dậy sóng phẫn nộ khi tàu Trung Quốc đâm chìm 1 tàu cá của ta ở gần khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Các đại biểu của tỉnh có kiến nghị gì với Quốc hội về việc này không?

Vừa qua, trước những tổn thất về người và của, lãnh đạo tỉnh cũng như các tổ chức xã hội đã liên tục lên án việc Trung Quốc gây ra cho ngư dân Quảng Ngãi. Không riêng gì lãnh đạo tỉnh, người dân cả nước cũng công khai lên án họ và có những sự giúp đỡ, hỗ trợ để các gia đình gặp nạn sớm vượt qua khó khăn.

Ngoài ra, các bộ, ngành đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chắc chắn sẽ có chính sách hỗ trợ với các ngư dân này. Tôi được biết Bộ đang trình Chính phủ các chính sách dài hạn hỗ trợ ngư dân bám biển. Đó là giải pháp hết sức kịp thời và tôi cho đó là động lực lớn để các ngư dân yên tâm bám biển, sẵn sàng hi sinh, làm tất cả để bảo vệ, giữ vững biển đảo quê hương.

Khoảng 9h ngày 27/5, tại cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), thi thể ngư dân Đặng Dùm (56 tuổi) cùng 4 ngư dân bị thương đã được đưa từ Quảng Ninh về đảo Lý Sơn.

Khoảng 9h ngày 27/5, tại cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), thi thể ngư dân Đặng Dùm (56 tuổi) cùng 4 ngư dân bị thương đã được đưa từ Quảng Ninh về đảo Lý Sơn.

- Và việc đòi Trung Quốc bồi thường cho ngư dân Việt Nam, ông có ý kiến gì?

Trước hết phải thu thập đủ chứng cứ. Chúng tôi đang từng bước thu thập đầy đủ các chứng cứ làm cơ sở pháp lý trước khi yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường. Cần phải xác định rõ tọa độ xảy ra vụ việc, loại tàu của ta, tàu của Trung Quốc hay việc họ đâm chìm tàu của ta trong trạng thái như thế nào…

Hiện Trung Quốc đã thừa nhận họ đâm tàu của ta, nhưng họ đổ thừa rằng tàu Việt Nam khiêu khích dù thực tế không phải như vậy.

- Xin cảm ơn ông!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại