Sức mạnh tàu đổ bộ Nhật Bản tới Biển Đông diễn tập cùng Việt Nam

Ly Vy |

(Soha.vn) - Tàu vận tải đổ bộ JDS Kunisaki (LST-4003) có lượng giãn nước 14.000 tấn, là một trong ba tàu vận tải đổ bộ lớp Ōsumi của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.

Tin liên quan: Nhật điều tàu tới Biển Đông diễn tập cùng Hải quân Việt Nam

Theo bản tin ngày 27/5 của Đài truyền hình Việt Nam, vào đầu tháng Sáu tới, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản sẽ đưa tàu vận tải đổ bộ Kunisaki đến Biển Đông tham gia cuộc diễn tập cứu hộ nhân đạo và thảm họa trên biển được tổ chức tại khu vực Biển Đông.

Cuộc diễn tập đa quốc gia mang tên Đối tác Thái Bình Dương với sự tham dự của các lực lượng hải quân Việt Nam, Philipines, Campuchia, Đông Timor, Indonesia, Australia cùng với Nhật Bản và Mỹ.

Đây là bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á về an ninh hàng hải.

JDS Kunisaki (LST-4003) là 1 trong 3 tàu vận tải đổ bộ lớp Ōsumi của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Được thiết kế và đóng từ những năm 90 của thế kỷ XX, tàu đổ bộ lớp Ōsumi ban đầu được thiết kế để làm nhiệm vụ như một tàu sân bay cỡ nhỏ và tàu quét mìn. Tuy nhiên do hiến pháp Nhật Bản lúc đó vốn "trói buộc" chức năng nhiệm vụ cũng như không cho phép sở hữu tàu sân bay nên dự án được thiết kế lại thành tàu đổ bộ.

Tàu vận tải đổ bộ JDS Kunisaki (LST-4003) có lượng giãn nước đầy tải lên tới 14.000 tấn

Tàu vận tải đổ bộ JDS Kunisaki (LST-4003) có lượng giãn nước đầy tải lên tới 14.000 tấn

Tàu lớp Ōsumi có chiều dài 178m, rộng 25,8m, lượng giãn nước đầy tải 14.000 tấn, tốc độ tối đa 22 hải lý/giờ. Thiết kế của tàu lớp Ōsumi có 1 khoang đổ bộ có thể chứa được 2 tàu đổ bộ đệm khí LCAC. Thiết kế của tàu lớp Ōsumi được phân loại là tàu đổ bộ tăng (LST), tuy nhiên nó không có cửa đổ bộ ở mũi và không thể tiến sát bờ biển như các tàu đổ bộ tăng khác nên thường các tàu lớp Ōsumi được phân loại thành tàu đốc đổ bộ (LSD).

Cận cảnh kiến trúc thượng tầng của tàu Kunisaki.
Cận cảnh kiến trúc thượng tầng của tàu Kunisaki.

Vũ khí trang bị trên tàu phần lớn là các loại vũ khí có tính chất phòng thủ như 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx cùng súng máy hạng nặng cỡ 12,7mm. Sàn đáp trên tàu lớp Ōsumi cho phép 2 trực thăng CH-47 và 2 trực thăng SH-60J đậu cùng lúc. Tàu không có nhà chứa riêng cho trực thăng. Trên mặt sàn đáp của tàu có 1 thang máy nhưng thang nhưng không đủ rộng để có thể vận chuyển được trực thăng, nó được sử dụng để vận chuyển các loại xe vận tải từ trên sàn đáp xuống khoang đổ bộ và ngược lại.

Tàu đổ bộ lớp Ōsumi có thể chuyên chở từ 330-1000 lính đổ bộ tùy vào quãng đường di chuyển, kèm theo đó là 2 tàu đổ bộ đệm khí LCAC và 10 xe tăng chiến đấu chủ lực.

Tàu đổ bộ 2 Kunisaki có thể chở theo 2 tàu đổ bộ đệm khí LCAC

Tàu đổ bộ 2 Kunisaki có thể chở theo 2 tàu đổ bộ đệm khí LCAC

Hiện nay, 3 tàu đổ bộ lớp Ōsumi của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ vận chuyển chiến lược như chuyển lính đến các đảo tiền tiêu, cứu hộ cứu nạn khi có thảm họa xảy ra.

Vào tháng 1 năm nay, Bộ quốc phòng Nhật Bản đã thông qua việc mua các máy bay MV-22 và xe lội nước đổ bộ AAV7 nhằm tăng cường khả năng đổ bộ cho các tàu lớp Ōsumi, việc này được cho là nhằm đáp lại các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Cận cảnh tàu vận tải đổ bộ JDS Kunisaki (LST-4003). Nguồn: You Tube

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại