"Mối đe dọa thực sự đối với Ukraine nằm ở biên giới Tây Nam"

Tiêu Giang |

(Soha.vn) - Những sự kiện gần đây ở Ukraine hướng sự chú ý của dư luận về mối đe dọa từ hướng Đông nhưng thực tế, nơi có nguy cơ gia tăng căng thẳng cao là biên giới với Romania.

Tờ vpk-news (Nga) đăng tải một bài viết của Andrei Frolov – Tổng biên tập tạp chí “Xuất khẩu vũ khí”, chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ nhận định về tình hình Ukraine. Theo Frolov, mối đe dọa thực sự đối với Ukraine nằm ở biên giới Tây Nam.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Những sự kiện gần đây tại Ukraine đã hướng sự chú ý của dư luận quốc tế và đặc biệt tại Ukraine về một mối đe dọa từ hướng Đông, như cách phát biểu công khai của giới chức nước này. Trong khi đó, người ta lại chưa hiểu rõ về những sự kiện trên biên giới Tây Nam Ukraine, nơi đang có nguy cơ gia tăng căng thẳng cao, đó là biên giới Romania – Ukraine.

Về lịch sử, căng thẳng trong quan hệ Ukraine-Romania còn mang tính lịch sử lâu dài xung quanh việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ 2 nước mà kết quả bất lợi cho phía Ukraine. Đó là việc phân định thềm lục địa giữa hai nước và xác định tình trạng của Snake Island (đảo Rắn), nơi có trữ lượng lớn dầu mỏ. Trước năm 1948, Snake Island thuộc về Romania, sau đó chuyển về Liên Xô. Ukraine coi Snake Island là một hòn đảo mà theo đó nước này có thể thiết lập vùng đặc quyền kinh tế, còn Romania thì coi đây là đảo đá không có tài nguyên, nước và thực vật.

Khu vực Snake Island (Ảnh: Wiki)
Khu vực Snake Island (Ảnh: Wiki)

Tại Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc, Snake Island được kết luận là bãi đá ngầm chứ không phải là một hòn đảo. Do vậy, mặc dù Ukraine được sở hữu Snake Island (do sự nhượng bộ của Romania đối với Ukraine để được gia nhập NATO), nhưng Ukraine không được hưởng quyền lợi kinh tế xung quanh khu vực này. Thay vào đó, Romania có được diện tích thềm lục địa lớn xung quanh Snake Island, được phép khai thác nguồn tài nguyên tại đây. Như vậy, chủ quyền của Kiev đối với Snake Island là không đầy đủ hoặc không có giá trị, còn Romania mới được hưởng lợi xung quanh Snake Island.

Còn hiện nay, từ năm 2012, chính quyền Romania đã quan ngại về sự gia tăng hoạt động của Quân đội Ukraine, nhất là không quân tại khu vực sông Danube. Năm 2012, khi làm Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Salamatin Dmitry đã gia tăng đáng kể cường độ huấn luyện chiến đấu cho quân đội Ukraine, điều mà chính quyền Romania có thể không mong muốn. Cùng với đó, một phần lãnh thổ của Ukraine với tên lịch sử là Bắc Bukovina, nơi hiện thuộc tỉnh Chernivtsi của Ukraine, đang có khoảng 150.000 người dân tộc Romania sinh sống. Sau sự kiện xảy ra tại Kiev vào tháng 12/2013 thì tới tháng 2/2014, tại Romania đã xuất hiện những lời kêu gọi bảo vệ người Romania đang sống tại Bắc Bukovina và Nam Bessarabia (lãnh thổ giữa các thành phố Bolhrad và Ishmael, cũng như một phần của Moldova).

Trong tình hình căng thẳng như vậy, hai bên tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó lại nhau, nhưng Ukraine không thể sánh được với Romania. Hiện tất cả nỗ lực của Ukraine nhằm tăng cường lực lượng quân sự đều đã thất bại. Sự xáo trộn của Quân đội Ukraine, nhất là khi các lực lượng thường được triển khai khắp lãnh thổ đất nước, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh trung tâm và phía Tây (còn ở Crimea cho tới tháng 3/2014), đã làm cho Ukraine không còn đủ lực lượng đủ lớn để triển khai tại các khu vực cận biên với Romania, ngoại trừ có một lực lượng hải quân không nhỏ dưới dạng một sư đoàn trên khu vực sông tại Odessa.

Một buổi duyệt binh của quân đội Romania
Một buổi duyệt binh của quân đội Romania

Mặc dù rất nỗ lực nhưng Ukraine đã không thể tăng quân số và chất lượng tàu chiến trên sông Danube. Tháng 10/2012, để bổ sung cho sư đoàn trên sông, 2 tàu pháo loại nhỏ thuộc dự án 58155 (Giurza-M) đã được đặt hàng. Theo kế hoạch của Chương trình quốc phòng nước này, đến năm 2017, Ukraine dự định sẽ đóng tổng số tất cả 10 tàu loại này để làm xương sống cho hải quân Ukraine tại khu vực Danube. Tuy nhiên, vào tháng 12/2013, 2 chiếc đầu tiên được được đặt hàng đã bị hủy với lý do chất lượng kém và các vấn đề về thiết kế kỹ thuật. Rõ ràng trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc bổ sung lực lượng tại Danube sẽ không còn là ưu tiên của nước này.

Trong khi Quân đội Ukraine đang suy thoái và không thể tăng cường lực lượng tại biên giới với Romania, thì ngược lại Quân đội Romania đã phát triển mạnh mẽ. Romania đang không ngừng gia tăng chi tiêu quân sự. Nếu năm 2013, Romania có chi 2,68 tỷ USD cho quốc phòng thì tới năm 2016, con số này phải tăng tới 3,25 tỷ USD. Để so sánh: năm 2013 chi phí quốc phòng của Ukraine đạt 1,9 tỷ USD, còn năm 2014 nhờ sự bổ sung do suy giảm của đồng Hryvina nên con số này đạt khoảng 2 tỷ USD (tuy nhiên để đạt được con số chi tiêu theo kế hoạch là không thể do tình hình tài chính-kinh tế của Ukraine hiện nay rất khó khăn).

Trong những năm gần đây, Romania còn mua sắm tới 12 tiêm kích F-16A/B, 7 máy bay vận tải quân sự C-27J Spartan, 31 xe chiến đấu bộ binh Piranha LAV III, 60 xe vận tải bọc thép MaxxPro Dash, điều này tương phản với việc mua sắm nhỏ lẻ và hiện đại hóa các vũ khí kỹ thuật từ thời Xô Viết của Ukraine.

Chính vì vậy, có thể xác nhận rằng, mặc cho hàng loạt các nhượng bộ thực tế trong tranh chấp lãnh thổ thì vấn đề đối đầu lãnh thổ giữa Romania-Ukraine vẫn là vấn đề nóng thường trực. Đặc biệt, trong điều kiện eo hẹp về ngân sách quốc phòng thì Ukraine vẫn ưu tiên mua sắm các chiến hạm để ưu tiên sử dụng trên hướng sông Danube và ở khu vực cửa sông. Điều này cho thấy rằng đối thủ tiềm tàng của Ukraine vẫn chính là Hải quân Romania.

Đặc nhiệm Alpha của Ukraine bị phe ly khai bắt trói

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại