"Nghi án hối lộ": Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói gì với TT Nhật?

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Về "nghi án nhận hối lộ 16 tỷ", Bộ trưởng Nên cho hay: "Lời đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với Thủ tướng Nhật Bản là: “Chúng ta hãy phối hợp chặt chẽ...".

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2014 chiều nay, 1/4, là "nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng" tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết:

"Bắt đầu chỉ là nguồn tin từ một tờ báo. Chúng ta cũng chưa biết thực hư như thế nào nhưng Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhanh chóng phối hợp với bạn nắm thông tin điều tra, làm rõ, sớm có kết luận, xử lý nghiêm minh nếu có thật như báo chí đã nêu.

Trong một sự kiện mà có 2 Phó Thủ tướng chỉ đạo bằng văn bản và trực tiếp. Còn Thủ tướng Chính phủ trước khi lên đường dự hội nghị thượng đỉnh ở Hà Lan đã chỉ đạo cụ thể. Và khi đi qua đó cũng tranh thủ gặp Thủ tướng Nhật Bản".

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Vị Bộ trưởng này cũng chia sẻ: "Tôi chứng kiến lời đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với Thủ tướng Nhật Bản là: “Chúng ta hãy phối hợp chặt chẽ, điều tra thận trọng, xử lý nghiêm minh. Thứ hai là nếu có thật thì chúng ta phải nhanh chóng rút kinh nghiệm để ngăn chặn những gì có thể xảy ra sau đó.

Chúng tôi cố gắng bằng mọi sức không để tình trạng này ảnh hưởng đến công việc mà Nhật Bản đã giúp đỡ nguồn vốn ODA cho Việt Nam".

Điều đó nói lên rằng, quyết tâm của chúng ta khi nguồn tin chưa rõ nhưng chúng ta phải làm và đã làm. Còn Bộ GTVT thì đã chỉ đạo quyết liệt. Trực tiếp một Thứ trưởng qua Nhật Bản gặp các tổ chức có liên quan. Và người ta nói là đang điều tra. Trong cuộc họp hôm nay, Thủ tướng cũng chỉ đạo rằng chúng ta hãy thận trọng nhưng làm quyết liệt và có trách nhiệm đầy đủ, đảm bảo theo quy định của pháp luật”.

Trước đó, liên quan đến "nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng" này, ngày 26/3, Bộ GTVT đã có Công văn số 3222/BGTVT-TCCB yêu cầu thêm một số các cán bộ, công chức làm báo cáo về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Cụ thể, những cán bộ, công chức đang công tác gồm: ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông); ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông); bà Nguyễn Minh Tuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; ông Lê Quyết Tiến, Trưởng phòng Pháp chế - Đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông.

Ngoài ra, ông Phan Hữu Biên, Chuyên viên Phòng Pháp chế - Đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; ông Vũ Nam Nguyên, Chuyên viên chính Vụ Kế hoạch - Đầu tư; ông Triệu Khắc Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Trưởng phòng Thẩm định 1, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông) cũng phải làm báo cáo.

Những người đã nghỉ hưu gồm ông Lê Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Nguyễn Hữu Bằng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; ông Hà Khắc Hảo, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư.

Cùng với đó, đã có 4 lãnh đạo ngành đường sắt bị tạm dừng công việc phục vụ công tác kiểm tra, xác minh tin đưa hối lộ mà báo chí Nhật Bản nêu, bao gồm: Ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt của Tổng Công ty; Ông Trần Quốc Đông, Phó Tổng giám đốc, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (giai đoạn 2009); Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, Cục đường sắt Bộ GTVT; Ông Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (giai đoạn 2000-2009), hiện là Trưởng ban dự án của Cục Đường sắt (Bộ GTVT).

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại