Tại phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay 1/4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời một số câu hỏi về những sai phạm liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng có 2 nguyên nhân dẫn đến những sai phạm đó là do tai biến và do tiêu cực. Theo vị Bộ trưởng này, tai biến y khoa thì khó tránh khỏi, còn chữa bệnh thì còn tai biến. Đó là những lỗi của y khoa mà nền y học còn bất lực và có lẽ mấy trăm năm nữa cũng vẫn có. Tai biến y khoa có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất đặc thù. Còn sai sót do sơ ý, do vô trách nhiệm và do các nguyên nhân khác thì có giải pháp là thành lập các nghiệp đoàn y sỹ và các hội đồng về y khoa với các luật sư hiểu biết về y tế.
Bà Tiến dẫn ví dụ về tai biến y khoa ở Mỹ: Một năm ở Mỹ có 4000 người chết vì tai nạn giao thông nhưng tử vong do tai biến y khoa là 120.000 người và các vụ án dân sự tồn đọng nhiều nhất là về tai biến y khoa.
Nói về những sai phạm do tiêu cực, Bộ trưởng Tiến cho biết vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Hoài Đức thực chất là để rút ruột bảo hiểm y tế đã được đưa ra xét xử. Còn với tai biến do những nguyên nhân không tránh khỏi như vụ 3 trẻ chết sau khi tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị, đến nay, Công an Quảng Trị cho biết 3 trẻ tử vong là do tiêm nhầm thuốc do điều dưỡng khai nhận là nhìn nhầm lọ thuốc giống lọ vắc xin vì không làm đúng quy trình chuyên môn đã được quy định.
"Còn loại nữa liên quan đến đạo đức nghề nghiệp (làm không hết trách nhiệm, tắc trách, không có tình thương với bệnh nhân, nhũng nhiễu, đòi hỏi để tai biến xảy ra), hỏi khi nào chấm dứt thì không dám trả lời khi nào chấm dứt tất cả mà chỉ có cách hạn chế bớt”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Và vị bộ trưởng này cũng đưa ra một số biện pháp để hạn chế là: Ra các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, giáo dục, sự phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh – gia đình người bệnh – thầy thuốc, xử lý nghiêm những sai sót. Trên thế giới, các nước áp dụng biện pháp “phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh – gia đình người bệnh – thầy thuốc” nhiều nhất.
Bộ trưởng Tiến cũng khẳng định vấn đề y đức là vấn đề rất quan trọng cho nên từ năm 2001, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành 12 điều y đức… Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có những chuyển biến lớn.
Bà tiến hay, Bộ Y tế đã thành lập đường dây nóng phối hợp với Tập đoàn Viettel, thống kê 6700 cuộc gọi trong đó có hơn 2000 ý kiến đúng vấn đề với 40% phản ánh thái độ của cán bộ y tế, 22% phản ánh về việc làm sai quy định…