Ai viết những dòng tin đầu tiên về sự kiện Gạc Ma?

Trong thời điểm đó, những bài viết của nhà báo Ngọc Đản là một trong rất ít những bài đưa thông tin đầu tiên về sự kiện Gạc Ma.

LTS: Sự kiện Gạc Ma như một dấu mốc ghi khắc tinh thần quả cảm của cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam kiên gan chiến đấu giành giữ vùng đất, vùng trời Tổ quốc. Nó cũng là chứng cứ thể hiện sự ngang ngược, quyết tâm thực hiện "đường lưỡi bò" trong âm mưu xâm lấn, bành trướng của Trung Quốc...

Nhà báo Ngọc Đản - một trong số rất ít những nhà báo, phóng viên chiến trường - những người đầu tiên viết những dòng tin về sự kiện Gạc Ma tại thời điểm tháng 3/1988 đã dành thời gian cho chúng tôi.

Ngồi trước tôi là một người đàn anh, một nhà báo lão thành - thế hệ nhà báo bậc cha, chú vừa mới nghỉ hưu sau hơn 40 năm cầm bút, 40 năm lăn xả ở hầu hết những điểm nóng chiến trường, sau này khi đất nước hòa bình, lại là sự lăn xả phản ánh tất thảy những ngóc ngách cuộc sống. Nhà báo Ngọc Đản cười, tếu táo bảo: "Tớ là nhà báo làm nghề... vắt qua hai thế kỷ!".

Ngẫm, anh nói đúng quá, vì từ cái thuở thế hệ phóng viên 8x chúng tôi chưa sinh ra, tên của anh đã gắn dưới những bài viết, hình ảnh phản ánh các sự kiện như nội các Dương Văn Minh đầu hàng; nữ du kích tên Nhíp nhỏ bé dẫn đường cho xe tăng của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975; tiếp sau này là các sự kiện chiến tranh Biên giới 1979, chiến tranh Tây Nam...

"Vắt" sang thế kỷ 21, chuyên mục "Đảng trong cuộc sống hôm nay" trên VTV được duy trì đã mấy thập kỷ, và cũng là "đứa con tinh thần" của nhà báo Ngọc Đản. Hàng ngàn những bài viết khác về một cuộc sống đổi thay đi lên sau bao nhiêu năm chiến tranh... cũng có cái tên "Ngọc Đản" trang trọng "đứng" bên dưới...

Và hơn hết, đó là sự kiện Gạc Ma, tháng 3/1988!

Tôi và ông ngồi trò chuyện trong một buổi chiều muộn của những ngày cuối tháng 3. Phố phường đó đây đã lên đèn. Mưa bụi như rây bột hắt xiên xiên qua ban công vào mép bàn chúng tôi ngồi. Thi thoảng, một cơn gió lạnh bắt ngờ từ đâu ập tới...

Thời điểm này, hoa loa kèn trắng đã bắt đầu bung nở tinh khôi khắp các đường phố.

Thời điểm này, những chuyến đi Trường Sa, ra Trường Sa, về Trường Sa... của các đoàn công tác, phóng viên báo đài... đang rậm rịch...

Gạc Ma, Trường Sa, Biển Đông, nhà báo Ngọc Đản

Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người đầu tiên đưa những thông tin về sự kiện Gạc Ma, Sinh Tồn, Len Đao 25 năm trước. Ảnh: ANTGCT

Thời điểm này, trên khắp các mặt báo, sự kiện tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy trong phiên đi biển đánh bắt cá trong vùng chủ quyền lãnh hải Việt Nam... đồng loạt được đưa tin lên trang nhất.

Nhắc đến Trường Sa, cả tôi và ông đều bất giác chùng xuống trong giây lát. Đôi mắt của nhà báo... già Ngọc Đản trầm ngâm nhìn xa xăm. Chiếc mục kỉnh trễ xuống gần chót mũi. Có lẽ, với anh, những kỷ niệm về Trường Sa 25 năm trước đang gợn lên thành những cơn sóng lòng...

Khoảng tuần đầu tháng 3/1988, nhà báo Ngọc Đản khi đó là phóng viên của báo Nhân Dân được cử đi công tác Trường Sa cùng đoàn chiến sỹ, cán bộ Hải quân Việt Nam. Chuyến đi của anh sẽ xuất phát tại quân cảnh Cam Ranh, tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa).

Trước lúc tàu khởi hành, cuộc họp giao ban của Ban chỉ huy có sự điều chỉnh ở... phút chót: đoàn chiến sỹ trên chuyến tàu ra đảo Sinh Tồn, Len Đao, Gạc Ma sẽ chốt giữ lại trên đảo dài ngày chứ không quay luôn lại đất liền.

Trong danh sách đoàn đi trên chuyến tàu này, có duy nhất một người không trong biên chế Hải quân: nhà báo Ngọc Đản.

Vì nhiệm vụ chính trị quan trọng như trên, chuyến đi Trường Sa của nhà báo Ngọc Đản bị dời lại sang chuyến sau. Anh tiếp tục ở lại Cam Ranh để chờ đợi.

Gạc Ma, Trường Sa, Biển Đông, nhà báo Ngọc Đản

Lễ truy điệu các anh hùng liệt sỹ trên tàu HQ996 trước khi vào Nhà giàn Tư Chính (đoàn công tác số 7 ra Trường Sa và tháng 4/2012).

Và, mấy ngày sau, thông tin về ba chiếc tàu vận tải không có vũ khí tiến công của ta ở vùng đảo Sinh Tồn bị tàu khu trục mang tên lửa của Trung Quốc tấn công bay vào đất liền. Đào Gạc Ma của ta bị Trung Quốc trắng trợn chiếm giữ. Rất nhiều chiến sỹ hải quân của ta tại cụm đảo này đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Trường Sa hơn lúc nào hết nóng bỏng khắp cả nước. Một tinh thần "cả nước hướng đến Trường Sa" hừng hực khắp các vùng miền...

Tâm trạng của nhà báo Ngọc Đản khi đó, còn hơn có lửa trong ruột gan, vì lẽ ra, trong chuyến công tác ra Len Đao, Sinh Tồn, Gạc Ma hôm đó, nếu không vì lý do các chiến sỹ ở lại luôn trên đảo chứ chưa quay về đất liền, anh Ngọc Đản sẽ có mặt. Và, nếu anh đi trên chuyến tàu đó, anh đã được tận mắt chứng kiến sự ngỗ ngược, không tôn trọng Công ước Quốc tế về biển đảo của Trung Quốc...; sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ hải quân Việt Nam...

Những cuộc họp giao ban của Ban chỉ huy tại Cam Ranh; thông tin quân báo hàng ngày đưa về... "Bản năng" nghề nghiệp không cho phép anh đứng ngoài cuộc. Những bài báo đầu tiên về sự kiện Gạc Ma được đăng tải trên Báo Nhân dân, do phóng viên Ngọc Đản đứng tên.

Liên tiếp các ngày từ 22-28/3/1988, hàng chục bài báo viết về Trường Sa, sự kiện Gạc Ma được gửi từ Cam Ranh về Hà Nội.

Trên Báo Nhân dân số ra ngày 22/3/1988, bài viết: "Trường Sa trong lòng hậu phương Phú Khánh" - tác giả Ngọc Đản, phản ánh tình quân dân, sự gắn bó, chia sẻ, những phong trào hướng tới Trường Sa: Áo ấm chiến sỹ Trường Sa; Người con hiếu thảo; Hướng về chiến sỹ Trường Sa; Viết thư gửi các chiến sỹ Trường Sa... Trường Sa gần gũi, yêu thương như chẳng hề có khoảng cách. Bài viết trong bối cảnh những âu lo về sự kiện Gạc Ma chưa có thông tin chính thức đã làm ấm lòng hàng triệu trái tim đang hướng ra Trường Sa.

Ngày 24/3/1988, bài tường thuật đầu tiên, đầy đủ, chi tiết nhất về "Cuộc tiến công bằng tàu khu trục mang tên lửa của Trung Quốc vào ba tàu vận tải không có vũ khí tiến công của ta ở vùng đảo Sinh Tồn" - tác giả Ngọc Đản. Bài viết đã làm thỏa mãn sự trông đợi thông tin về cuộc tấn công của Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988. Âm mưu gây hấn của Trung Quốc; sự chấp hành, tuân thủ luật pháp Quốc tế về Biển của hải quân Việt Nam, sự sáng suốt không để mắc mưu địch, tinh thần hy sinh vì chủ quyền lãnh hãi Tổ quốc... Hàng triệu trái tim trong đất liền tự hào trước sự hy sinh của những người con trên cụm đảo Sinh Tồn.

Gạc Ma, Trường Sa, Biển Đông, nhà báo Ngọc Đản

Người lính Trường Sa.

Liên tiếp các bài viết: Tuổi thanh xuân Trần Văn Phương - thiếu úy, Trung đội trưởng thuộc đoàn Trường Sa trực tiếp chỉ huy tàu 604 làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma đã anh dung hy sinh khi quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc trên vùng đất chủ quyền; Tuổi trẻ - chiến sỹ giữa thử thách ở Trường Sa; Tàu S71 giữa sóng lớn Trường Sa... được nhà báo Ngọc Đản gửi về tòa soạn trong các ngày 26/3; 28/3/1988.

Trong thời điểm lúc đó, những bài viết của nhà báo Ngọc Đản là một trong rất ít những bài đưa thông tin đầu tiên về sự kiện Gạc Ma. Chừng hơn một tuần sau, một đoàn công tác được cử ra Trường Sa để đưa những thông tin khách quan, chính xác, đầy đủ nhất về cuộc tấn công xâm phạm lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc để bạn bè Quốc tế có cái nhìn toàn diện.

Chuyến đi ấy có nhà báo Trần Bình Minh (Đài THVN), Đình Trân (TTXVN), Hồ Anh Thắng (Báo Quân đội Nhân dân), Lê Phức, Vinh Quang (Báo Ảnh Việt Nam), Đạo diễn Lê Mạnh Thích (Xưởng phim Tài liệu Khoa học Trung ương)... Và, nhà báo Ngọc Đản (Báo Nhân Dân) đã không để "lỡ hẹn" lần nữa.

"Khi đó, cả nước đều hừng hực phong trào "Hướng về Trường Sa". Tinh thần dân tộc được khơi dậy hơn lúc nào hết. Sự hy sinh của thiếu úy Trần Văn Phương trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ khắp cả nước... Mình đương nhiên cũng bị cuốn theo trong cái không khí chung ấy. Tuy nhiên, vẫn phải có "cái đầu lạnh" để có những phán đoán, nhận định nhằm thông tin khách quan, chính xác và đầy đủ nhất. Bạn đọc khắp cả nước khi đó chờ đợi những bài báo về Gạc Ma, Sinh Tồn, Len Đao, về Trường Sa, về những chiến sỹ đang làm nhiệm vụ canh giữ Trường Sa. Với các phóng viên, đó là nhiệm vụ mà bạn đọc cả nước trao gửi" - nhà báo Đậu Ngọc Đản tâm sự.

Về sự kiện tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu hải quân Trung Quốc bắn cháy đang gây bức xúc dư luận, nhà báo Ngọc Đản nhận định: "Âm mưu bành trướng, xâm lược... của Trung Quốc vẫn chưa bao giờ được từ bỏ từ trước đến nay. Thế nhưng, cũng ngần ấy thời gian, chúng ta vẫn không nao núng trong cuộc chiến giành, giữ chủ quyền. Độc lập dân tộc, sự vẹn toàn lãnh thổ, vùng đất, vùng trời, vùng biển của Việt Nam luôn là chân lý!".

Đôi mắt đang trầm ngâm trên gương mặt điềm tĩnh, bình lặng của "nhà báo già" Ngọc Đản bất chợt lóe một tia cười. Trong chốc lát, tôi cũng có cảm giác rung rinh theo tia cười ấy...

Tháng Tư đang lấp ló chờ trên một vài tờ lịch treo tường. Những chuyến đi Trường Sa, ra Trường Sa, về Trường Sa... cũng đang giục giã. Những buổi lễ truy điệu trên boong tàu của các đoàn công tác khi đến Trường Sa, đến cụm đảo Sinh Tồn, Gạc Ma... như xóa đi khoảng cách, để linh hồn 64 chiến sỹ hy sinh khi làm nhiệm vụ vẫn quấn quýt với những đảo nổi, đảo chìm... của dải đất chữ S thân yêu...

Kiên Trung

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại