Chiến dịch Bão táp Sa mạc và bài học cho kẻ yếu: Đừng tự thua!

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Trước khi giành chiến thắng về quân sự trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, Mỹ đã thắng một cuộc chiến khác về chính trị.

Arms-expo.ru của Nga đã đăng tải bài viết của nhà phân tích Alksandr Sitnikov về những bài học rút ra từ chiến dịch Bão táp Sa mạc, một chiến dịch quân sự được đánh giá cực kỳ thành công của Mỹ và đồng minh. Dưới đây là nội dung bài viết.

Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 được đánh giá là đã giúp Mỹ chữa khỏi “hội chứng Việt Nam”. Sai lầm về chính trị, quân sự của Saddam Hunsein không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân ông và người dân Iraq mà còn tạo nên một hiệu ứng xấu cho các nước thế giới thứ 3.

Thực tế thì quân đội Iraq không đủ sức mạnh cần thiết để đánh bại liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu dưới sự chỉ huy của tướng Norman Schwarzkopf. Nhưng quân đội, đặc biệt là Không quân Iraq hoàn toàn có thể gây ra những thiệt hại nặng nề cho quân đội Mỹ và đồng minh, từ đó tạo điều kiện cho một thỏa thuận ngừng bắn.

Đầu năm 1990, nước Mỹ phải vật lộn khắc phục những ảnh hưởng về suy thoái kinh tế hậu quả của những chính sách cải cách của cựu Tổng thống Ronald Reagan. Trong khi vấn đề kinh tế còn chưa được giải quyết thì nước Mỹ lại dính vào vụ bê bối chính trị “Irangate”

Truyền thông Iraq đã bị đánh bại ngay trên sân nhà trước những trò PR bẩn của tập đoàn truyền thông Rendon.
Truyền thông Iraq đã bị đánh bại ngay trên sân nhà trước những trò PR bẩn của tập đoàn truyền thông Rendon.

Sự kiện Mỹ âm thầm chuyển giao vũ khí cho Iran trong chiến tranh Iran-Iraq đã biến Washington thành kẻ thù của Baghdad. Vụ bê bối “Irangate” đã phơi bày chính sách “tiêu chuẩn kép” và làm xấu đi hình ảnh của Washington.

Rõ ràng tình hình đó gây bất lợi không nhỏ cho quân đội Mỹ, nếu quân đội Mỹ gặp nhiều thương vong trong một cuộc chiến mới tại Iraq có thể gây tác động tiêu cực đến tình hình chính trị tại Mỹ. Nói cách khác, nhiệm vụ chính của Saddam Hunsein là tiêu diệt càng nhiều càng tốt số lượng binh lính và sĩ quan quân đội Mỹ bằng bất cứ giá nào.

Điều này có thể đạt được nhờ vào chiến thuật tác chiến phi đối xứng và quan trọng nhất là công tác tuyên truyền lòng yêu nước cho mọi người dân một cách hiệu quả. Tuy nhiên, các lãnh đạo quân sự Iraq đã phạm một sai lầm vô cùng nghiêm trọng là chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hiện đại theo cách cổ điển dựa trên những kinh nghiệm có được trong chiến tranh với Iran.

Một sai lầm khác vô cùng quan trọng nữa là lòng yêu nước đã được thay thế bằng lòng trung thành gia tộc khiến họ không thể xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trong một cuộc giải phóng dân tộc. Trong khi đó, trước khi đem quân đến Iraq Mỹ đã ráo riết thực hiện chiến dịch tuyên truyền phá hoại tinh thần người dân Iraq.

Cấu trúc truyền thông của Iraq đã hoàn toàn bị phá hủy đúng như dự định ban đầu của Mỹ. Các hoạt động tuyên truyền của chính quyền Saddam Hunsein hoàn toàn bất lực trước các hoạt động "PR bẩn" của tập đoàn truyền thông Rendon. Tập đoàn truyền thông được chống lưng bởi chính quyền Washington này đã biến thành một nhà cung cấp thông tin khách quan trong con mắt cộng đồng quốc tế cũng như những người dân bình thường của Iraq.

Thay vì quyết tâm chiến đấu chống lại lực lượng đồng mình, các phi công Iraq lại lái những chiếc tiêm kích hiện đại nhất mà họ có đào tẩu sang Iran.
Thay vì quyết tâm chiến đấu chống lại lực lượng đồng mình, các phi công Iraq lại lái những chiếc tiêm kích hiện đại nhất mà họ có đào tẩu sang Iran.

Báo chí không chỉ làm công tác tuyên truyền hình ảnh của lực lượng đồng minh mà còn là công cụ để tìm hiểu thực lực của quân đội Iraq. Một vài ngày trước khi diễn ra chiến dịch Bão táp Sa mạc, các phóng viên đã có mặt ở khắp mọi nơi, thậm chí họ còn mô tả một cách chi tiết về giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến trên không.

Qua các bài viết này, công chúng đã có thể nhận thức được thực lực của lực lượng phòng không Iraq. Không quân Iraq có đến 300 máy bay chiến đấu-đánh chặn hiện đại, 600 máy bay chiến đấu cũ hơn, 700 tổ hợp tên lửa phòng không cùng hệ thống điều khiển trung tâm.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ áp chế phòng không Iraq, lực lượng liên quân đã lên kế hoạch thực hiện cuộc đánh bom quy mô lớn. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự của Saddam Hunsein đã không làm bất cứ điều gì để đối phó với vấn đề này.

Vào ngày đầu tiên của chiến dịch, Mỹ và các nước đồng minh đã thực hiện cuộc “chiến tranh chớp nhoáng” tấn công vào các vị trí trọng yếu của hệ thống thông tin. Gần như tất cả các kênh truyền thông bao gồm cả kênh đặc biệt của Saddam Hunsein đã hoàn toàn bị tê liệt.

Các khu vực phòng không rơi vào tình trạng “rắn mất đầu”, kết quả là hầu hết các hệ thống phòng không đã bị không quân đồng minh tìm thấy và tiêu diệt. Không quân Iraq gần như mất tinh thần và không thực sự quyết liệt trong một cuộc phản kháng trên không.

Ngay giai đoạn đầu tiên của chiến dịch, không quân đồng minh bị mất 68 máy bay trong đó có 29 trực thăng (số liệu của BQP Liên Xô), số liệu của Mỹ chỉ có 10 máy bay bị mất. Không quân Iraq đã thiệt hại 34 máy bay cánh cố định cùng 7 trực thăng.

Khi hệ thống thông tin bị đánh sập, S-200 trở thành
Khi hệ thống thông tin bị đánh sập, S-200 trở thành "rắn mất đầu" và hoàn toàn vô dụng.

Nếu Không quân Iraq được tổ chức tốt và chiến đấu quyết liệt hơn họ có thể gây ra tổn thất từ 100-300 máy bay của lực lượng đồng minh trong tháng đầu tiên của chiến dịch. Tổn thất lớn như vậy sẽ buộc lực lượng đồng minh ngưng các hoạt động không kích để chuyển sang chiến thuật mới.

Một thuận lợi khác cho Iraq là vào tháng 6, nước này bắt đầu bước vào mùa hè của những cơn bão cát cùng nhiệt độ môi trường rất cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của lực lượng đồng minh. Lực lượng đồng minh sẽ phải chờ cho đến hết mùa hè mới có thể triển khai chiến dịch không kích mới. Quân đội Iraq có thể tổ chức lại lực lượng ngay trong giai đoạn này.

Đáng tiếc, ngay khi kết thúc giai đoạn đầu tiên của chiến dịch, hàng ngày các phi công Iraq bắt đầu lái các tiêm kích MiG-29, Mirage-F1, cường kích Su-24 chạy trốn sang Iran. Tổng cộng có khoảng 147 máy bay, chiếm gần một nữa số máy bay hiện đại của Iraq đã bỏ trốn sang Iran, điều đó cho thấy rằng, quân đội Iraq đã tự thua trước khi Mỹ đánh.

Thất bại của Iraq trong chiến dịch Bão táp Sa mạc đã cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của công tác tuyên truyền lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc. Nếu không có lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết dân tộc sâu sắc quyết tâm đánh bại kẻ thù xâm lược thì cho dù có trong tay hàng ngàn vũ khí hiện đại cũng trở nên vô dụng.

Bên cạnh đó, bài học về công tác chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh chớp nhoáng” bằng vũ khí công nghệ cao vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến tận hôm nay.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại