Trung Quốc phát triển Y-8GX6 đáp trả P-3C Orion

Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ phát triển máy bay tuần tra biển và săn ngầm Y-8GX6 để đáp trả P-3C Orion của Mỹ mà Nhật Bản, Đài Loan đang sở hữu.

Theo đánh giá của giới phân tích quân sự, Y-8GX6 có bề ngoài và trang bị tương đương như P-3C của Mỹ. Tuy nhiên, mẫu máy bay của Trung Quốc hiện vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu mà chỉ được thử nghiệm tích cực trong suốt 3 năm qua. Chuyến bay đầu tiên của Y-8GX6 với đầy đủ trang thiết bị mới được thực hiện vào năm ngoái và đang được người Trung Quốc cố gắng hoàn thiện để đưa vào trang bị.

Máy bay tuần tra-săn ngầm Y-8GX6 mà Trung Quốc đang phát triển
Máy bay tuần tra-săn ngầm Y-8GX6 mà Trung Quốc đang phát triển

Máy bay tuần tra và săn ngầm P-3 Orion được Mỹ đưa vào sử dụng từ 60 năm trước. Các nhà bình luận cho rằng gián điệp mạng của Trung Quốc có thể đánh cắp được một số chi tiết hay công nghệ về thiết bị săn ngầm của Mỹ, song khó có thể đánh cắp được kinh nghiệm hàng thập kỷ qua!

Nguyên mẫu Y-8 có bề ngoài giống với An-12 của Nga và cả C-130 của Mỹ. Cùng với Y-8, Trung Quốc cũng phát triển một phiên bản lớn hơn là Y-9 (được cho là nỗ lực của Trung Quốc nhằm chế tạo một mẫu máy bay tương đương C-130J của Mỹ). Có thể Y-9 là cơ sở để phát triển Y-8GX6 (Gaoxin-6).

Bề ngoài của Y-8GX6 giống cả An-12 của Nga và C-130 của Mỹ
Bề ngoài của Y-8GX6 giống cả An-12 của Nga và C-130 của Mỹ

Trong trường hợp được đưa vào trang bị, Y-8GX6 sẽ được Trung Quốc sử dụng chủ yếu để theo dõi tàu ngầm của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc (cả Việt Nam). Khi đó, những chiếc Y-8GX6 “non” kinh nghiệm của Trung Quốc phải “bơi” ra biển lớn (trên vùng biển quốc tế) và sẽ bị các tàu chiến, máy bay trinh sát của Mỹ và các nước khác theo dõi, bám đuổi. Như vậy, Trung Quốc có thể để lộ mình trước khi có thể thăm dò được đối phương.

Chưa kể tới những mẫu máy bay săn ngầm hiện đại hiện nay như P-8, thì một trong những đối thủ đáng gờm nhất của tàu ngầm Trung Quốc hiện là những chiếc P-3C.

Máy bay tuần tra-săn ngầm P-3C Orion của Mỹ
Máy bay tuần tra-săn ngầm P-3C Orion của Mỹ

Y-8GX6 của Trung Quốc có 4 động cơ, nặng 61 tấn và có sải cánh 38 m. Tốc độ hành trình của máy bay là 660 km/h. Trong khi đó, P-3C Orion dài 35,6 m, có sải cánh 30,4 m. Máy bay có trọng lượng rỗng 35.000 kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 64.400 kg. Máy bay của Mỹ có tốc độ hành trình 610 km/h với thời gian bay liên tục khoảng 16 tiếng. Máy bay có khả năng phát hiện tàu ngầm đang lặn và được trang bị các loại tên lửa diệt ngầm, không đối hải hiện đại.

Mẫu máy bay tuần tra-săn ngầm P-3 của Mỹ cất cánh lần đầu vào năm 1954. Có tổng cộng 170 chiếc P-3 đã được sản xuất và sau đó là 600 chiếc P-3 các phiên bản khác nhau. Cho đến nay, Mỹ vẫn còn trên 200 chiếc P-3 các phiên bản đang hoạt động.

Ngoài ra, khoảng 200 chiếc P-3 và các loại máy bay săn ngầm nhỏ hơn đang được các quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương sử dụng. Theo đánh giá của Trang Chiến lược của Mỹ thì các quốc gia này không mấy “hòa hợp” với Trung Quốc.

P-3C Orion của Nhật Bản
P-3C Orion của Nhật Bản

Quốc gia hiện đang có căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề biển đảo là Nhật Bản sở hữu tới 101 chiếc P-3C, 5 chiếc EP-3, một chiếc UP-3C và 3 chiếc UP-3D.

Trong khi đó, Đài Loan cũng đã ký hợp đồng mua 12 chiếc P-3C của Mỹ với tổng trị giá 1,96 tỷ USD. Hôm 25/9 vừa qua, Đài Loan đã nhận chiếc đầu tiên và số còn lại sẽ bàn giao lần lượt cho tới năm 2015.

Một quốc gia khác cần kể tới chính là Việt Nam. Theo thông tin từ báo chí, Việt Nam nhiều khả năng sẽ mua 6 chiếc P-3C Orion của Mỹ (không có trang bị vũ khí). Nếu trường hợp này xảy ra, Việt Nam chắc chắn sẽ có giải pháp để trang bị cho những chiếc P-3C mua về. Giới phân tích đánh giá, khi đó cục diện trên Biển Đông sẽ thay đổi, đặc biệt khi Việt Nam nhận thêm các tàu ngầm Kilo mua của Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại